Vào nội dung chính
BỈ - PHẢN GIÁN

Bỉ tăng cường hoạt động phản gián trước nhiều nguy cơ

Từ ngày 9 đến 12/01/2024, thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Ngoại trưởng Hadja Lahbib đã thăm Trung Quốc nhắm thắt chặt lại mối quan hệ ngoại giao không chỉ giữa hai nước mà  cả quan hệ giữa Bắc Kinh với Liên Hiệp Châu Âu, đã đi xuống từ năm 2019 cùng với dịch Covid và những xung đột thương mại.

Trường đại học Leuven, miền trung nước Bỉ, được cho là nơi hoạt động gián điệp mạnh mẽ của một mạng lưới sinh viên Trung Quốc, theo như một báo cáo từ Trung tâm An ninh và Tình báo Chiến lược Châu Âu. (Ảnh tư liệu ngày 11/05/2005)
Trường đại học Leuven, miền trung nước Bỉ, được cho là nơi hoạt động gián điệp mạnh mẽ của một mạng lưới sinh viên Trung Quốc, theo như một báo cáo từ Trung tâm An ninh và Tình báo Chiến lược Châu Âu. (Ảnh tư liệu ngày 11/05/2005) AFP - JACQUES COLLET
Quảng cáo

Bỉ hiện đang giữ chức chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu  trong sáu tháng đầu năm 2024. Trong 36 giờ, thủ tướng Bỉ đã gặp tất cả các nhân vật đứng đầu chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đồng thời, những hồ sơ hóc búa nhất đã được đặt lên bàn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc : Nhân quyền, hoạt động tình báo của Trung Quốc liên quan đến một dân biểu cực hữu.

Ngay sau chuyến viếng thăm này, thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc đã tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thịt heo của Bỉ, được ban hành từ giữa năm 2018 với lý do ngăn chặn dịch tả heo châu Phi. Cũng cần biết là Trung Quốc tiêu thụ một nửa sản lượng thịt heo của thế giới và Bỉ, với khoảng hơn 32 ngàn trang trại heo, là nước xuất khẩu thịt heo hàng đầu thế giới. Mặt khác, một đường bay trực tiếp từ Thượng Hải tới Bruxelles, sẽ đi vào hoạt động vào tháng Sáu tới, đã được thông báo sau khi thủ tướng Bỉ rời Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại bác bỏ cáo buộc về hoạt động tình báo và không tỏ thiện chí hợp tác trong hồ sơ này.

Song song với hoạt động của thủ tướng Bỉ ở Trung Quốc, trong nước, hôm 12/01, Cơ quan An ninh Nhà nước (La Sûreté de l’État - VSSE), cơ quan tình báo và an ninh dân sự của Bỉ, đặt dưới quyền của bộ Tư Pháp, đã công bố báo cáo hàng năm về các vấn đề an ninh và những thách đố trong những năm sắp tới. Cơ quan này có nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, bằng cách ngăn chặn các rủi ro an ninh, tư vấn cho các cơ quan chính trị, hành chính, tư pháp và quân sự, cũng như ngăn chặn các mối đe dọa. Trước đó một ngày, hồ sơ về sự cộng tác của một vị cựu dân biểu đảng cực hữu với tình báo Trung Quốc đã được tư pháp Bỉ mở rộng điều tra và dự trù sẽ kéo dài vì tính phức tạp của vấn đề.

Bỉ tuy là một nước nhỏ, nhưng lại giữ một vị chiến lược về địa chính trị, vừa là cửa ngõ và trung tâm của châu Âu, nên vẫn là nơi thuận lợi cho những hoạt động tình báo. 

Bỉ, thủ đô của tình báo

Trong báo cáo hàng năm, Francisca Bostyn, quyền giám đốc Cơ quan An ninh Nhà nước, không che giấu biệt danh gán cho nước Bỉ là “thủ đô tình báo của Châu Âu”. Điều này cũng dễ hiểu, vì tuy Bỉ là một nước nhỏ bé của Châu Âu, thủ đô Bruxelles lại tập trung nhiều cơ quan đầu não của chính phủ Bỉ và Châu Âu, như Nghị viện Châu Âu. Bỉ cũng là cửa ngõ đi vào Châu Âu bằng đường biển, hàng không và đường bộ.

Trong năm nay, nhiều cuộc bầu cử diễn ra tại Bỉ ở nhiều cấp từ vùng, liên bang cho đến Âu Châu vào đầu tháng 6. Và tháng mười là bầu cử cấp quận (comunale). Đó cũng là một trong những nguyên do để các gián điệp nước ngoài tăng cường hoạt động tại Bỉ.

Mối đe doạ khủng bố là đáng lo nhất

Chúng tôi xác quyết rằng thế giới hiện đang thay đổi, mà chúng ta không còn có thể chỉ tập trung vào khủng bố, vì chúng ta phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác nhau. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự can thiệp, hoạt động gián điệp, hoặc tội phạm có tổ chức. Bên cạnh đó, cách thức hoạt động của những cá nhân này cũng đã thay đổi. Họ ngày càng hoạt động trực tuyến trên không gian mạng nhiều hơn, điều này đòi hỏi chúng ta cũng phải thay đổi cách vận hành”, Francisca Bostyn cho biết.

Trước năm 2014, những hoạt động khủng bố chủ yếu đến từ tổ chức Nhà nước Hồi Giáo ở Syria hay Irak. Nhưng từ sau vụ khủng bố ngày 16/10 ở thủ đô Bruxelles, hoạt động của các phần tử khủng bố này mang tính cá nhân đơn lẻ nhiều hơn, nên được gọi với biệt danh “sói đơn độc”. Họ liên lạc với nhau qua Internet để hình thành nên mạng lưới hoạt động. Đó là những thành viên mới, đến từ các nước Trung Á, vì mạng lưới của Daech ở Syrie và Irak đã bị đánh sập.

Với sự tăng cường về mặt tư pháp, các nhân viên phản gián đã có thể thâm nhập hiệu quả hơn vào các hệ thống ảo trên Internet này. Vì hiện tượng này mang tính quốc tế, nên công cuộc chống khủng bố trên mạng cũng cần mở rộng sự hợp tác quốc tế, nhất là các đối tác mang tính chiến lược. 

Ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraina và Israel-Hamas 

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, giữa Israel và Hamas cũng có thể trở thành mối nguy cho nước Bỉ, như bài học từ vụ khủng bố ngày 22/03/2023 ở Bruxelles. Vì thế các cơ quan phản gián của Bỉ luôn cảnh giác trước những cá nhân mang trong mình một lý tưởng hay ý thức hệ cực đoạn như bài Do thái, chống Putin, v.v… bất ngờ bộc phát thành hành động gây hại đến cộng đồng. Những người mang hai quốc tịch Bỉ và Ukraina, hay Bỉ-Israel… một ngày nào đó trở về đất nước của họ để chiến đấu bảo vệ tự do. Họ không hẳn là những mối nguy phải dè chừng. Và VSSE không phải là cánh tay của một nhà nước-cảnh-sát.

Trong cuộc chiến phản gián này, việc thu thập thông tin tình báo qua mạng Internet hết sức hiệu quả và quan trọng. Nhưng hoạt động này cần hơn nữa sự hỗ trợ về mặt pháp lý vì thâm nhập và đụng chạm đến phạm vi đạo đức và cuộc sống riêng tư. Đó là vấn đề đang được bàn thảo ở Quốc Hội. Đối với Cơ quan An ninh Nhà nước, những tin nhắn WhatsApp giữa người thân hay bạn bè không phải là đối tượng cần theo dõi. Nhưng khi đối với những nhóm có dấu hiệu khả nghi, thì việc trao đổi thông tin giữa họ sẽ được chuyển vào một kênh mã hoá riêng để theo dõi. Đó chính là mục đích của VSSE.   

Mối nguy từ Trung Quốc, Nga và … 

Trung Quốc và Nga là hai quốc gia được nêu tên trong hồ sơ an ninh.

Từ đầu cuộc chiến Nga-Ukraina, đã có 60 điệp viên của Nga hoạt động dưới bỏ bọc ngoại giao bị trục xuất khỏi Bỉ. Và dĩ nhiên là các hoạt động tình báo sẽ thay đổi cách thức, như thay đổi vỏ bọc dưới dạng các phóng viên, hay dùng những người không chuyên thay cho các điệp viên chuyên nghiệp.

Đó cũng là cách thức Trung Quốc dùng với các thành viên của đảng cực hữu Belang. Còn trong giới đại học và doanh nghiệp, việc can thiệp và hoạt động tình báo rất nóng bỏng. “Các phân khoa đại học có các chuyên ngành mũi nhọn là những mục tiêu của hoạt động tình báo, như các ngành công nghệ mới hay vũ khí. Không có đại học nào là ngoại lệ, tất cả đều có thể trở thành mục tiêu. Tương tự đối với giới doanh nghiệp”.

Hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu, cũng như những mối quan hệ thương mại và kinh tế không thể bị ngăn trở bởi các biện pháp phòng ngừa gián điệp. Cơ quan An ninh Nhà Nước cũng không muốn cản trở các hoạt động này, dù trên đất Bỉ hay ở nước ngoài. Nhưng họ khuyến cáo các cơ quan này trước khi bắt tay hợp tác với các đối tác Nga hay Trung Quốc, cần phối hợp với Cơ quan An ninh Nhà nước để phân tích hết mọi nguy cơ có thể xảy ra.

Sự vận động hành lang trở thành can thiệp chính trị

Francisca Bostyn nhắc nhở rằng việc can thiệp chính trị đã trở nên phổ biến : “Tôi không thể kể ra đây một nước nào, nhưng hồ sơ về việc can thiệp vào Nghị Viện Châu Âu đã dạy chúng tôi nhiều bài học. Hồ sơ này cho thấy rằng mối đe dọa có thể đến từ khắp nơi. Việc vận động hành lang đôi khi có thể vượt khỏi khuôn khổ hợp pháp và biến thành nỗ lực can thiệp. Cũng ở đó có sự thay đổi mức độ pháp lý, mà điều này sẽ cho phép chúng ta trấn áp. Và đó là sự tiến bộ thực sự.

Các trẻ vị thành niên ngày càng bị dụ dỗ bởi các nhóm cực hữu

Bên cạnh mối đe dọa khủng bố, còn có mối bận tâm về các nhóm cực hữu. Những nhóm mang ý thức hệ chống chính quyền đạt được thành công, khiến Cơ quan An ninh Nhà nước lo ngại. Trước đây, họ thu hút được các thanh thiếu niên 17-18 tuổi, thì ngày nay, họ thu hút được giới trẻ hơn, những thiếu niên 15-16 tuổi. Vấn đề là những thiếu niên này chưa phân biệt được đúng sai trong những mối đe doạ thực sự này. Các em dễ dàng tham gia bằng bạo lực chống lại trật tự dân chủ và đưa đến sự hỗn loạn xã hội trong lời nói và hành động.

Fake news – tin giả

Trong năm 2024, liệu các cuộc bầu cử có trở thành mối nguy ? Trong cuộc tranh cử, các chính đảng đôi khi dùng đến các tin giả để lèo lái dư luận quần chúng. Cơ quan An ninh Nhà nước luôn cảnh giác trước việc này. Nhưng cơ quan này không phải là cảnh sát tư tưởng. Mọi cá nhân đều có quyền không đồng ý và biểu lộ điều này. Nhưng một khi an ninh quốc gia bị đe dọa thì Cơ quan An ninh Nhà nước sẽ can thiệp. Như thế cơ quan này phải luôn cảnh giác trước, trong và sau các cuộc bầu cử.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.