Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Ecuador : Từ « thiên đường của hòa bình » trở thành « địa ngục của bạo lực »

Ai có thể lường trước về tình trạng hỗn loạn đang ngự trị ở Ecuador ? Câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Rodrigo Borja Cevallos (1988-1992) vào năm 1991 trong hội nghị “Hòa bình vì sự phát triển” và được cựu tổng thống khác, Gustavo Noboa Bejarano (2000-2003), nhắc lại trong bài diễn văn trước quốc dân vào năm 2002, nhận định Ecuador là “thiên đường của hòa bình” trên thế giới, đã hoàn toàn mất đi ý nghĩa vào đầu thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21.

Binh sĩ kiểm tra vũ khí của người dân tại một trạm kiểm soát trên đường cao tốc ở Guayaquil, Ecuador, ngày 10/01/2024.
Binh sĩ kiểm tra vũ khí của người dân tại một trạm kiểm soát trên đường cao tốc ở Guayaquil, Ecuador, ngày 10/01/2024. AP - Cesar Munoz
Quảng cáo

Quả thực, trong những năm gần đây, Ecuador đã trở thành một trong những quốc gia bạo lực nhất thế giới. Theo nghiên cứu của Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nước này đứng thứ 11 trong số các quốc gia bạo lực nhất thế giới, không kém Syria, Irak hay Afghanistan là bao.

Ecuador cũng đứng thứ 96/146 quốc gia (thứ 23/32 trong khu vực) trong Chỉ số Pháp quyền năm 2023 do Dự án Tư pháp Thế giới công bố, theo dõi và đánh giá các chỉ số, như giới hạn quyền lực Nhà nước, tình trạng tham nhũng, cởi mở chính trị, các quyền cơ bản, trật tự và an ninh, thực thi pháp luật và hoạt động tư pháp dân sự và hình sự.

Cách đây chưa đầy 5 năm, vào năm 2019, Ecuador vẫn được coi là một trong những quốc gia an toàn nhất châu Mỹ Latinh, với tỷ lệ 6,7 ca tử vong do bạo lực trên 100.000 dân. Ngày nay, tỷ lệ này đã tăng lên 45 ca trên 100.000 người.

Đầu tháng 1, ông Daniel Noboa, đắc cử tổng thống vào tháng 11/2023, đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm trên toàn quốc sau khi José Adolfo Macias Villamar, bí danh Fito, thủ lĩnh của nhóm tội phạm lớn nhất Ecuador, Los Choneros, vượt ngục. Sau đó đã nổ ra những cuộc đụng độ cực kỳ dữ dội giữa lực lượng an ninh quốc gia và các tổ chức tội phạm.

Hỏa lực mà các băng đảng sở hữu thật đáng kinh ngạc. Đây không phải là những sự cố riêng lẻ : những gì mọi người đang chứng kiến có thể được mô tả như một cuộc chiến giữa các nhóm tội phạm và Nhà nước, với mục đích kiểm soát lãnh thổ và dân cư.

Kinh tế ma túy thúc đẩy tội phạm

Trong khi mafia tham gia vào nhiều hoạt động tội phạm khác nhau, thì buôn bán ma túy thực sự là gốc rễ của chu kỳ bạo lực hiện nay. Ngoài cocain, các tổ chức tội phạm buôn bán cả heroin và gần đây nhất là loại ma túy tổng hợp tàn phá cơ thể, fentanyl.

Tình trạng “ma túy hóa” của nền kinh tế tội phạm được cụ thể hóa từ nhiều yếu tố : vị trí địa lý của Ecuador, nằm gần các quốc gia sản xuất cocain lớn nhất thế giới ; thực tế là nền kinh tế đất nước bị đô la hóa khiến cho hoạt động rửa tiền mang lại nhiều lợi nhuận ; năng lực hạn chế của Nhà nước trong việc giám sát hoạt động vận chuyển ma túy ra vào đất nước thông qua các tuyến hàng không, hàng hải và đường bộ ; nguyên nhân cơ cấu, chẳng hạn như thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội ; và ảnh hưởng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, đối với giới trẻ ngày càng bị quyến rũ bởi “văn hóa buôn bán ma túy” như một hình mẫu về lãnh đạo, quyền lực và khả năng kiếm tiền dễ dàng.

Các trùm ma túy địa phương cũng đã thành lập liên minh chiến lược với các băng đảng xuyên quốc gia. Ngoài lợi ích kinh tế, những liên minh này còn phục vụ cho các hoạt động chuyên nghiệp hóa trong việc quản lý thị trường tội phạm ở Ecuador ; tăng cường khả năng chuyên môn của tội phạm (tống tiền, rửa tiền...) ; đào tạo chuyên sâu hơn các sát thủ, chuyên gia về chất nổ và chuyên gia tình báo tội phạm ; sự liên lạc hiệu quả hơn giữa các băng nhóm trên toàn quốc, đặc biệt thông qua hình vẽ bậy trên tường.

Khủng hoảng hệ thống nhà tù

Việc chính quyền trung ương cách đây vài năm cắt giảm ngân sách vốn được dùng để cải tổ hệ thống nhà tù của đất nước là một trong số những yếu tố gây ra tình trạng bạo lực hiện nay.

Các khoản đầu tư giảm vào năm 2014, gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh, và khủng hoảng ngày càng trở nên trầm trọng vào năm 2020 sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Nhiều quan chức làm việc trong hệ thống nhà tù đã bị sa thải và nhiều cơ quan trong ngành tư pháp bị bãi bỏ. Dưới thời cựu tổng thống Lenin Moreno, bộ Tư Pháp, bộ Nhân Quyền và Tôn Giáo bị bãi bỏ và Ban phụ trách về Nhân quyền và Cơ quan Quốc gia về Chăm sóc Toàn diện cho Người bị tước Tự do, cơ quan quản lý các nhà tù, được thành lập.

Tất cả những điều này đã dẫn đến sự mập mờ trong việc xử lý các vấn đề nghiêm trọng của nhà tù và làm gia tăng tình trạng quá tải tại 34 trung tâm giam giữ của đất nước. Theo thời gian, các nhà tù đã trở thành hậu phương chiến lược cho các trùm ma túy sử dụng bạo lực tự tung tự tác.

Bạo loạn trong nhà tù ngày càng trở nên phổ biến kể từ đại dịch Covid-19 : trong 3 năm qua đã xảy ra 11 vụ thảm sát trong nhà tù khiến 412 người chết tại 6 nhà tù ở 5 thành phố của Ecuador.

Bạo lực sau đó lan rộng ra toàn xã hội. Việc phổ biến những hành động tàn bạo trên internet như chặt các bộ phận cơ thể, chặt đầu, treo xác trên cầu và ở những nơi công cộng đã trở nên phổ biến.

Mafia địa phương "lấy cảm hứng" từ các băng đảng Colombia và Mêhicô. Những hành vi phạm tội ngoạn mục nhất được thực hiện bởi các nhóm thuộc băng đảng Jalisco Nueva Generación, với một số thành viên được huấn luyện quân sự, đôi khi cả ở Hoa Kỳ, và các chiến dịch của họ dựa theo những logic của văn hóa tôn giáo, đặc biệt là tục ăn thịt người và sùng bái Thần chết, hai yếu tố biến thành hành vi bạo lực máu lạnh.

Trường đào tạo sát thủ

Ngày 01/04/2023, tổng thống lúc bấy giờ là Guillermo Lasso đã ban hành sắc lệnh 707 cho phép thường dân mang và sử dụng vũ khí dễ dàng hơn. Các nhóm tội phạm sau đó gia tăng những cuộc tấn công, đặc biệt với những vụ sát thủ ám sát các mục tiêu cụ thể.

Điều đáng ngạc nhiên là sự tồn tại của 4 trường sát thủ khét tiếng tọa lạc tại các thị trấn Durán, Manta, Lago Agrio và Esmeraldas, cho đến nay vẫn chưa chính thức bị “sờ gáy”.

Theo nguồn tin cảnh sát, những trường học này đào tạo sát thủ cấp sơ đẳng, trung cấp và cao cấp. Tùy thuộc vào kinh nghiệm, chuyên ngành và mức độ quan trọng của mục tiêu, mức lương của họ dao động trong khoảng từ 200 đô la đến 10.000 đô la/tháng.

Việc huấn luyện những sát thủ này không nhất thiết phải được thực hiện tại chỗ mà thường là “từ xa”, thông qua các trò chơi điện tử nhằm mục đích khiến những tân binh mất đi cảm giác sợ hãi và ăn năn hối cải. Đây là sự chuẩn bị tâm lý cần thiết cho những thanh niên nghèo đói, thất nghiệp và không có cơ hội đi học, dễ dàng bị dụ dỗ làm sát thủ cho những nhóm mafia.

Các băng nhóm này có những phương pháp ngày càng có sức thuyết phục để thu hút cư dân từ những vùng khó khăn nhất, những người bị buộc (bị đe dọa hoặc do nhu cầu kinh tế) phải gia nhập thế giới tội phạm.

Một quốc gia trong tình trạng “ma túy hóa”

Theo thời gian, các nhóm tội phạm càng chứng tỏ khả năng gây ảnh hưởng với chính quyền địa phương để ngụy trang các hoạt động của chúng dưới những hình thức tưởng chừng hợp pháp và thúc đẩy các mục tiêu chiến lược nhằm biến Ecuador thành một quốc gia ngụp lặn trong ma túy.

Trên hết, chính người dân Ecuador phải trả giá cho điều này. Những vụ giết người khủng khiếp, bắt cóc và các hành vi bạo lực khác buộc họ phải thay đổi cách sống, hoặc lựa chọn một cuộc sống hoàn toàn biệt lập.

Một bầu không khí bất an và mất lòng tin đang ngự trị trong xã hội, càng trở nên trầm trọng hơn bởi các phương tiện truyền thông và mạng xã hội vẫn tiếp tục hoạt động mà không có bất kỳ cam kết thực sự nào đối với đạo đức nghề báo và trách nhiệm xã hội.

Nguồn : The Conversation

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.