Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - NGHỊ QUYẾT

Nghị Viện Châu Âu biểu quyết nghị quyết chống can thiệp từ Nga

Nghị Viện Châu Âu hôm nay, 08/02/2024, biểu quyết một nghị quyết chống lại sự can thiệp từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nga, sau vụ việc một dân biểu người Latvia được cho là đã cộng tác với Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) trong vòng 15 năm. Vụ việc được tiết lộ vào tuần trước, cho thấy sự lỏng lẻo của các định chế châu Âu trong việc kiểm soát những hành vi lạm dụng này.

Một phiên họp tại Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp, ngày 18/04/2023.
Một phiên họp tại Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp, ngày 18/04/2023. © FREDERICK FLORIN / AFP
Quảng cáo

Từ Strasbourg, đặc phái viên Romain Lemaresquier cho biết cụ thể :

Nghị Viện Châu Âu hôm nay sẽ biểu quyết một nghị quyết một lần nữa lên án sự can thiệp của Nga vào các định chế châu Âu, cũng như vào tiến trình dân chủ ở châu Âu. Tuy nhiên, nghị quyết này sẽ không chấm dứt được những hành vi lạm dụng phổ biến.

Nghị viên châu Âu Raphaël Glucksmann, chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về những Hoạt động Can thiệp từ Nước ngoài, tuyên bố : « Định chế của chúng ta đang bị nhiều tác nhân nước ngoài tấn công. Và một lần nữa, chúng ta cảm thấy xấu hổ về hành vi của một số nghị viên châu Âu. Tôi phải nhấn mạnh rằng hoạt động nhằm phục vụ lợi ích của Nga là phản bội châu Âu và phản bội nền dân chủ. »

Mặc dù càng ngày càng có nhiều vụ bê bối được tiết lộ, Nghị Viện Châu Âu dường như không tiến được xa hơn trong việc ngăn chặn những hành vi lạm dụng này. Manon Aubry, nghị viên thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) của Pháp nhận định : « Đã có một số biện pháp được đưa ra, chẳng hạn như nghị viên phải khai báo nhiều hơn về những chuyến đi của họ, nhưng các chuyến đi do nước thứ ba tài trợ vẫn không bị cấm. Và trên hết, các nghị sĩ vẫn được quyền nhận thù lao từ các nhà vận động hành lang, từ các thế lực nước ngoài và từ những tổ chức khác. Nói chung, vẫn còn rất nhiều sự mập mờ. »

Hôm nay, các nghị viên châu Âu chắc chắn sẽ thông qua với đa số áp đảo nghị quyết một lần nữa lên án sự can thiệp từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nga. Nhưng văn bản này một lần nữa sẽ không thể giải quyết triệt để một vấn đề liên tục tái diễn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.