Vào nội dung chính
AI CẬP - ISRAEL - CĂNG THẲNG

Ai Cập đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hòa bình song phương, nếu Israel tấn công Rafah

Căng thẳng gia tăng giữa Ai Cập và Israel, trong bối cảnh chính quyền Israel không từ bỏ quyết định tấn công thành phố cực nam của dải Gaza, với mục tiêu để tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas. Cuộc tấn công có thể khiến ‘‘hàng chục nghìn thường dân Palestine thiệt mạng’’. Chính quyền Cairo lo ngại làn sóng tị nạn ồ ạt từ Gaza sang Ai Cập.

Người dân Palestine ngồi cạnh hàng rào tại cửa khẩu Rafah, biên giới với Ai Cập, sau khi phải sơ tán do cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel vào Dải Gaza ngày 24/01/2024.
Người dân Palestine ngồi cạnh hàng rào tại cửa khẩu Rafah, biên giới với Ai Cập, sau khi phải sơ tán do cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel vào Dải Gaza ngày 24/01/2024. AP - Hatem Ali
Quảng cáo

Thủ tướng Israel hôm nay, 11/02/2024, tái khẳng định ý định tấn công, và tuyên bố sẽ bảo đảm ‘‘lối ra an toàn cho dân thường rời khỏi’’thành phố Rafah, nhưng không cho biết cụ thể các cư dân bị buộc phải sơ tán sẽ được đi đâu. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có hơn 1,3 triệu dân Palestine dồn về tị nạn tại thành phố Rafah.

Nhật báo Hoa Kỳ The Wall Street Journal hôm 09/02/2024 cho biết Ai Cập sẽ hủy bỏ thỏa thuận hòa bình với Israel, nếu quân đội Israel tấn công Rafah. Quân đội Ai Cập cũng đang gia tăng lực lượng tại khu vực biên giới. Tường trình của thông tín viên Alexandre Buccianti từ Cairo :

‘‘Chính quyền Ai Cập đã đưa ra cảnh báo qua nhiều kênh về một cuộc tấn công lớn của Israel nhằm vào thành phố Rafah.Thông điệp được truyền đi thông qua các cơ quan ngoại giao Mỹ và châu Âu, nhưng cũng trực tiếp thông qua các kênh liên lạc liên quan đến việc bảo vệ an ninh khu vực biên giới Ai Cập-Israel. Mặt khác, các lực lượng Ai Cập ở biên giới với dải Gaza đã được tăng cường.

Theo các nguồn tin an ninh, xe tăng và xe bọc thép cũng được triển khai.Về mặt lý thuyết, khu vực này được phi quân sự hóa ở cả hai bên biên giới, theo một hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel năm 1979. Tuy nhiên, một thỏa thuận song phương cho phép triển khai hàng nghìn binh sĩ và xe bọc thép của Ai Cập tại khu vực này, như một phần của cuộc chiến chống lại quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo trên bán đảo Sinai.

Các nước Ả Rập, đứng đầu là Ai Cập, phản đối việc Israel cưỡng bức người dân Gaza phải sơ tán.Tình hình hiện nay được so sánh với biến cố mang tên Naqba (trong tiếng Ả Rập có nghĩa là đại thảm họa), khi hàng trăm ngàn người Palestine buộc phải chạy trốn, sau khi Nhà nước Israel thành lập vào năm 1948.’’

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.