Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Cuba chung chí hướng với Bình Nhưỡng nhưng hợp tác kinh tế với Seoul

Sau hơn 20 năm bền bỉ, Hàn Quốc đã thuyết phục được Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 14/02/2024, Seoul thông báo thành công của quá trình đàm phán bí mật sau khi đại diện hai nước trao đổi nghị định thư tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ. Tuy nhiên, Cuba theo đuổi chiến lược “hai đường lối” : mở rộng hợp tác với Hàn Quốc và duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống với Bắc Triều Tiên.

Giới trẻ Cuba là fan của K-Pop Hàn Quốc, tại quảng trường San Fan Con ở La Habana, Cuba, ngày 28/10/2023.
Giới trẻ Cuba là fan của K-Pop Hàn Quốc, tại quảng trường San Fan Con ở La Habana, Cuba, ngày 28/10/2023. AFP - YAMIL LAGE
Quảng cáo

Một quan chức ngoại giao Hàn Quốc, được trang Korea Joongang Daily trích dẫn ngày 15/02, cho biết “việc thiết lập quan hệ với Cuba không phải là vấn đề đơn giản mà đúng hơn, là một mục tiêu và cũng là một thách thức từ lâu cho Hàn Quốc”. Kể từ khi hai miền Triều Tiên đình chiến năm 1953, Cuba chỉ duy trì quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng. 

Hàn Quốc nghĩ đến việc thiết lập quan hệ với Cuba lần đầu tiên vào năm 2000, dưới thời tổng thống Kim Dae Jung, nhưng thất bại. Ý tưởng được tiếp tục từ năm 2016 dưới thời tổng thống Park Guen Hye với chuyến công du Cuba của ngoại trưởng Yun Byung Se ngày 05/06/2016. Dù dưới thời tổng thống Moon Jae In, thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba không phải là ưu tiên chính nhưng ngoại trưởng Hàn Quốc đã đến Cuba năm 2018 dự một phiên họp của Ủy Ban Kinh Tế về châu Mỹ latinh và Caribê của Liên Hiệp Quốc (ECLAC).

Hoạt động trao đổi song phương được thúc đẩy trong hai năm gần đây dưới thời tổng thống Yoon Suk Yeol. Sau cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Park Jin và thứ trưởng ngoại giao Cuba ở Guatemala bên lề cuộc họp của Cộng đồng các nước Nam Mỹ và vùng Caribê (CELAC), tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao được tái khởi động. Các nhà ngoại giao Hàn Quốc “tích cực tìm mọi cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo Cuba để khai thác những đường hướng giúp tăng cường quan hệ song phương”.

Cheong Seong Chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong, được trang Korea Times trích dẫn ngày 15/02, nhận định “quyết định của Cuba là thất bại ngoại giao lớn nhất kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền (năm 2011). Các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên cảm thấy sốc và bị phản bội”. Bởi vì Cuba là “một điển hình chống Mỹ”, là một trong những đồng minh trung thành nhất của Bình Nhưỡng, cho nên “quyết định của Cuba càng gây ngạc nhiên và “khó nuốt” cho Bắc Triều Tiên”.

Lý do kinh tế đẩy Cuba về phía Hàn Quốc ?

Tại sao Cuba, nước được Bắc Triều Tiên coi là một “mô hình kiểu mẫu”, lại đàm phán bí mật để thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc ? Chuyên gia Cheong Seong Chang cho rằng Cuba đi theo “lập trường chính trị thực dụng - có thể là vì lý do kinh tế”

Trả lời nhật báo kinh tế Maeil Economy ngày 14/02, ông Yoo Seong Joon, giám đốc Havana Trade (cơ quan công đầu tiên của Hàn Quốc hoạt động ở Cuba từ năm 2005), trực thuộc Cơ quan Xúc tiến Đầu tư-Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), cho biết “Cuba đang gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hậu Covid-19”, bị “thiếu lương thực” do “phải nhập khẩu đến 80% số lương thực tiêu thụ” nhưng lại thường xuyên rơi vào cảnh thiếu ngoại hối. GDP tăng 1,3% năm 2021 và 1,8% năm 2022 nhưng không bù lại được mức sụt kỉ lục -10,9% năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19. Tỉ lệ lạm phát vẫn cao ngất ngưởng : 39% năm 2022 và 30% năm 2023, theo số liệu chính thức nhưng bị giới chuyên gia đánh giá là đã giảm thiểu đến một nửa.

Dù không có quan hệ ngoại giao nhưng Cuba và Hàn Quốc - nền kinh tế thứ 10 thế giới - vẫn duy trì giao thương từ nhiều năm qua, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực ô tô, thiết bị điện tử và điện thoại di động, theo một nghiên cứu được Trung tâm nghiên cứu Chính trị quốc tế Cuba công bố năm 2021. Năm 2022, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Cuba đạt 14 tỉ đô la và nhập khẩu 7 triệu đô la hàng hóa của Cuba. 

Ông Yoo Seong Joon cho rằng “việc lập quan hệ ngoại giao sẽ giúp tăng đầu tư của Hàn Quốc vào Cuba”, đặc biệt trong lĩnh vực tư. “Cuba đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ hoạt động từ năm 2021. Dù chưa ở quy mô lớn nhưng lĩnh vực tư đang gia tăng”

Sắp tới khó có thể thấy ngay thành quả hợp tác do Cuba bị Mỹ cấm vận nhưng theo giám đốc của Havana Trade, “Cuba có thể thông qua các tác nhân ở một số nước thứ ba, như Panama, vì tiền đầu tư của Hàn Quốc không được chuyển trực tiếp vào Cuba. Nếu điều kiện được cải thiện theo thời gian, thương mại và đầu tư sẽ dần phát triển cho các doanh nghiệp Hàn Quốc”. Triển vọng này có thể khả quan bởi vì thành công của Seoul có phần hợp tác chiến thuật với Washington. Chính quyền Biden được Hàn Quốc thông báo về việc lập quan hệ ngoại giao với Cuba.

Cuba tận dụng vai trò ở châu Mỹ latinh để phá thế cô lập

Ngoài lý do kinh tế, chính quyền La Habana biết tận dụng vai trò quan trọng của Cuba trong khu vực. Điều này được thể thiện qua phát biểu của một quan chức cấp cao của phủ tổng thống Hàn Quốc : “Dù Cuba đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng đó là một đất nước quan trọng ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, có quan hệ ngoại giao với hơn 190 nước. Ngoài ra, hơn 100 nước có đại sứ quán ở La Habana. Cuba đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong nền ngoại giao của các nước đang phát triển”

Một quan chức cấp cao của đảng Dân Chủ đồng hành (Hankyoreh) cầm quyền kỳ vọng hơn khi cho rằng có thể đối thoại với “đối tác” Cuba trong khuôn khổ hoạt động của cộng đồng quốc tế về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Lim Eul Chul, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Bắc Triều Tiên, Viện Nghiên cứu phương Đông, Đại học Kyungnam, lưu ý “Cuba sẽ âm thầm duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Bắc Triều Tiên đồng thời vẫn tăng cường trao đổi với Hàn Quốc để có lợi về kinh tế cho họ”. Lịch sử đã cho thấy “kể cả sau khi Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc năm 1990, tiếp theo là Trung Quốc năm 1992, những nước này vẫn duy trì lập trường khác nhau về các vấn đề kinh tế, chính trị và văn hóa đối với Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên”.

“Làn sóng” - Hallyu nâng cao hình ảnh Hàn Quốc ở Cuba

Cuối cùng, sự nổi tiếng không ngừng của các chương trình văn hóa như K-pop, phim truyền hình cũng đã góp phần làm cải thiện hình ảnh Hàn Quốc ở Cuba. Xứ sở của những điệu salsa đam mê “Làn sóng” Hàn - Hallyu. Trả lời trang JoongAng Ilbo, một quan chức cấp cao của bộ Ngoại Giao Hàn Quốc nhận định “dường như Cuba cho rằng công luận sẽ không phản đối việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc và nguy cơ làm quan hệ với Bắc Triều Tiên xấu đi. Sự yêu thích của công luận đối với những bộ phim truyền hình và âm nhạc Hàn Quốc dường như đã đóng vai trò lớn trong việc này”.

Theo trang Korea Herald, CLB Arte Coreano có khoảng 10.000 người hâm mộ văn hóa Hàn Quốc. Giới trẻ nhảy theo vũ điệu của các ban nhạc nổi tiếng như BTS. Trung tâm tiếng Hàn được thành lập năm 2014 ở La Habana và được mở rộng thành Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Hàn từ năm 2022, hoạt động trong địa điểm mới nhờ tài trợ của đại sứ quán Hàn Quốc ở Mêhicô.

Hai nước đã tích cực tổ chức hoạt động trao đổi văn hóa, như Liên hoan Điện ảnh Cuba đã được tổ chức ở trung tâm Seoul mùa hè 2022 và một triển lãm đặc biệt dành giới thiệu các bộ phim Hàn Quốc đã được tổ chức tại Festival Điện ảnh La Habana tháng 12/2023. Hai bên đang thảo luận để có thể đưa ra nhiều chương trình theo hướng này.

Ngoài hỗ trợ phát triển giao thương, Lim Soo Suk, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao còn giúp “cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho công dân Hàn Quốc du lịch Cuba”. Trước dịch Covid-19, có khoảng 14.000 người Hàn Quốc du lịch Cuba. Đảo quốc vẫn bị liệt là “Nhà nước yểm trợ khủng bố” trong danh sách theo dõi của Mỹ nên du khách Hàn Quốc đến Cuba sẽ gặp phải một số trở ngại nếu nhập cảnh vào Hoa Kỳ hoặc một số nước khác. Có khoảng 1.100 người Hàn sống ở Cuba. Họ là hậu duệ từ người nhập cư Hàn Quốc đến từ Mêhicô trong thập niên 1920.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.