Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA

Ukraina : Vợ binh sĩ vận động để chồng được giải ngũ sau 2 năm tham chiến

Những người lính tham gia chiến trận kéo dài suốt từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra hồi tháng 02/2022 nay đã mệt mỏi, kiệt sức và họ phải được trở về với cuộc sống của dân thường. Đó là thông điệp mà những người vợ binh sĩ  Ukraina muốn truyền tải. Những người phụ nữ này thường xuyên biểu tình tại nhiều thành phố của Ukraina đòi chồng của họ được giải ngũ và trở về nhà.

Binh lính Ukraina tại Marinka, ngày 26/12/2023.
Binh lính Ukraina tại Marinka, ngày 26/12/2023. © VIACHESLAV RATYNSKYI / REUTERS
Quảng cáo

Trong khi dự luật về giải ngũ quân nhân vẫn đang được thảo luận tại Quốc Hội, những người vợ binh sĩ vận động về thời hạn tối đa và phù hợp với thực tế phục vụ trong quân đội.

Tại Lviv, các đặc phái viên Anastasia Becchio và Boris Vichith đã có cuộc trao đổi với một người vợ lính Ukraina và gửi về bài tường trình :

« Ba đợt nghỉ phép ngắn trong vòng 2 năm, trong đó có một đợt nằm viện điều trị chứng hậu chấn, đó là tất cả những đợt nghỉ phép mà chồng của cô Lessya Polek được hưởng. Anh vốn là diễn viên, đã tham gia lực lượng phòng vệ lãnh thổ ngay từ ngày đầu tiên nổ ra cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina.

Vợ anh nói : « Về thể chất, tinh thần hay tâm lý, những người lính ở vùng chiến sự đều đã kiệt sức. Họ là những siêu nhân. Chồng tôi nói với tôi là anh ấy mệt mỏi đến mức không còn khái niệm về thời gian, chẳng còn biết đó là ngày hay đêm, cũng không biết đó là ngày nào trong tuần, bởi vì ở chiến hào, ngày nào thì cũng giống như nhau cả thôi. Tôi thực sự rất buồn vì trong các cuộc trò chuyện của chúng tôi, đôi khi anh ấy cảm thấy như mình sẽ không bao giờ được quay trở về ».

Một dự luật xác định thời hạn phục vụ của một binh sĩ đang được đưa ra thảo luận. Dự luật dự kiến thời hạn tối thiểu là 36 tháng, tức là chồng của cô Lessya sẽ phải tại ngũ thêm 1 năm nữa. Cô nói tiếp : « Nếu đó là 36 tháng phục vụ tại một đơn vị ở hậu phương thì tôi có thể hiểu dù thời gian như thế đúng là kéo dài, gây mệt mỏi, và cũng có thể gây nguy hiểm. Thế nhưng, 36 tháng ở vùng chiến sự thì là khác hẳn, giống như một bản án chung thân và … »

Câu nói để lửng đó phản ánh nỗi lo lắng của cô Lessya, người thường xuyên phải kìm nén những giọt nước mắt. Một mình gánh vác gia đình, cô cũng phải trả lời các câu hỏi của cậu con trai đầu lòng 11 tuổi. Cậu bé hỏi mẹ tại sao bố lại « bỏ rơi mẹ và con để bảo vệ Ukraina ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.