Vào nội dung chính
HẢI QUÂN ANH

Cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng của Hải quân Hoàng gia Anh

Hải quân Hoàng Gia Anh, từng hiện diện ở khắp các vùng biển quốc tế, được Luân Đôn kỳ vọng giành lại vai trò hàng đầu về hải quân thời hậu Brexit. Thế nhưng, thực tế không phải lúc nào cũng như mong muốn của nước Anh. Hải quân Hoàng Gia Anh ngày càng bị khủng hoảng.

Ảnh minh họa: Hải quân của Anh với nhóm tàu tác chiến sân bay Anh Queen Elisabeth và các tàu của Canada, Nhật trong một cuộc diễn tập trong vùng Biển Đông hồi tháng 9/2021.
Ảnh minh họa: Hải quân của Anh với nhóm tàu tác chiến sân bay Anh Queen Elisabeth và các tàu của Canada, Nhật trong một cuộc diễn tập trong vùng Biển Đông hồi tháng 9/2021. AP - Jay Allen
Quảng cáo

Trong thời gian qua, liên tiếp nhiều sự cố xảy ra, từ thiếu hụt nhân lực, phóng tên lửa thất bại, đến các vụ hỏng hóc … cho thấy Hải Quân Hoàng Gia Anh đang phải đối đầu với nhiều khó khăn, trong bối cảnh Luân Đôn đang muốn thể hiện sức mạnh trước Nga do chiến tranh Ukraina và trước đà phát triển mạnh mẽ của Hải quân Trung Quốc. RFI tổng hợp loạt bài viết đăng tháng 01 và 02/2024 trên nhật báo Pháp Le Figaro.

Theo bài phân tích của Le Figaro ngày 21/02, thất bại trong vụ phóng tên lửa Trident có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là sự cố gần đây nhất trong chuỗi các vụ việc đáng lo ngại đối với Hải quân Hoàng gia Anh.

Sự cố của các tàu sân bay

Thông tín viên của Le Figaro tại Luân Đôn nhắc lại là trong một thời gian rất dài, Hải quân Hoàng gia Anh từng là lực lượng hải quân thống trị thế giới, với cuộc chinh phạt ở mọi vùng biển, đưa Vương quốc Anh thành một đế chế có ảnh hưởng toàn cầu. Thế nhưng, những thất bại liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn gần đây, trong đó có vụ phóng tên lửa đã làm dấy lên nghi ngờ về năng lực của Hải quân cũng như về khả năng răn đe hạt nhân của Anh.

Đầu tháng 02/2024, bộ Quốc Phòng Anh đã phải rút tàu sân bay Queen Elizabeth (Nữ hoàng Elizabeth) ra khỏi cuộc tập trận lớn nhất của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc tập trận Steadfast Defender diễn ra ngoài khơi bờ biển vùng Bắc Cực của Na Uy. Lý do là có sự cố ở khớp nối trục cánh quạt của chân vịt bên mạn phải của tàu. Queen Elizabeth lẽ ra phải giữ vai trò trung tâm của hạm đội quy tụ 40 tàu của hai chục nước đồng minh. Mặc dù việc tham gia tập trận lần này được Luân Đôn xem là nhiệm vụ quan trọng mang tính « lịch sử », thế nhưng sự cố đã biến nhiệm vụ lịch sử này thành sự sỉ nhục khó có thể « nuốt trôi ».

Ngoài ra, theo nhà báo Arnaud De La Grange, phó ban biên tập của Le Figaro, Vương quốc Anh theo dự kiến cũng phải đóng góp từ 1/5 đến 1/4 cho lực lượng hải quân của NATO. Tàu sân bay lớn thứ hai của Anh, Prince of Wales (Hoàng tử xứ Wales), đã phải gấp rút chuẩn bị để thay thế cho tàu sân bay Queen Elizabeth và khó tránh khỏi việc triển khai bị chậm trễ nghiêm trọng. Chính tàu Prince of Wales cũng từng bị hư hại hồi mùa hè năm 2022, với trục chân vịt bị gãy khi rời đảo Wight ra khơi trong hải trình đến Hoa Kỳ. Cũng chính tàu sân bay này đã hai lần bị ngập nước trong năm đầu hoạt động, hồi năm 2019.

Thiếu thủy thủ

Hồi tháng Giêng 2024, Hải quân Anh còn gặp vấn đề về nhân lực. Khi mối đe dọa từ phiến quân Huthi Yemen ngày càng gia tăng ở Hồng Hải, Luân Đôn đã cùng đồng minh Washington tham gia các cuộc không kích nhắm vào lực lượng Huthi. Thế nhưng, theo tiết lộ của Telegraph, là các tàu sân bay của Anh chưa sẵn sàng được điều đến Trung Đông do thiếu thủy thủ. Các tàu hộ tống và hỗ trợ của nhóm tác chiến tàu sân bay, nhất là tàu sân bay Fort Victoria, thiếu nhân lực.

Trước đó, trong bài viết của nhà báo Hugues Maillot, ngày 13/01, Le Figaro giải thích cụ thể là từ tháng 10/2023, ở Hoàng Hải, các khinh hạm Lancaster và Diamond đã nối nhau cùng với nhóm tàu ​tác chiến ​ sân bay của Mỹ chiến đấu chống lại mối đe dọa của lực lượng Huthi Yemen, nhắm vào các tàu thương mại đi qua eo biển Bab el-Mandeb. Bất chấp nhiều lời kêu gọi triển khai tại khu vực này, soái hạm Queen Elizabeth, một trong hai tàu sân bay của Anh, không thể ra khơi vì đội tàu tác chiến ​​sân bay không thể hoạt động.

Để ra khơi, tàu sân bay Queen Elizabeth cần có hộ tống của 3 tàu khu trục, 3 khinh hạm, 1 tàu ngầm và 3 tàu tiếp liệu. Tuy nhiên, như Telegraph tiết lộ, tàu tiếp liệu Fort Victoria thiếu thủy thủ và cũng đang phải sửa chữa sau chuyến đi gần đây nhất là đến Ấn Độ - Thái Bình Dương hồi năm 2021. Cho dù một số thủy thủ từ các tàu chở hàng khác của hải quân có thể được bổ sung cho tàu Fort Victoria, nhưng dẫu sao cũng phải mất một thời gian để đào tạo họ.

Fort Victoria là con tàu duy nhất có khả năng vững chắc về hậu cần, hỗ trợ cho đội tàu tác chiến sân bay, tiếp tế đạn dược, thiết bị và thực phẩm. Le Figaro trích dẫn Alan West, cựu tổng Tư lệnh Hải quân Hoàng gia, người lấy làm tiếc về việc Hải quân Anh thay vì ưu tiên thì đã bỏ bê tàu Fort Victoria, để con tàu bị hư hại nhiều trong những năm qua, cho dù đây là con tàu « vô song » ở thể loại này.

Trở lại với việc tiếp liệu, một chuyên gia hải quân Anh nhận định với Telegraph là có thể dựa vào sự hợp tác của các nước đồng minh, nhưng giải pháp này chỉ khả thi trong các cuộc thao dợt, còn khi tham gia nhiệm vụ thực tế thì không thể dựa dẫm mãi vào hậu cần của đồng minh.

Không thiếu thủy thủ nhưng thiếu « máy bay »

Cũng vào mùa thu năm 2023, tàu sân bay Queen Elizabeth lại thiếu máy bay. Theo Le Figaro, trong cuộc tập trận ở Bắc Đại Tây Dương, tàu sân bay Queen Elizabeth tham gia với 2/3 boong tàu trống không, chỉ chở theo 8 chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 trong khi tàu có thể chở tới 36 phi cơ chiến đấu F-35B Lightning.

Le Figaro trích dẫn đô đốc Lord West, cựu chỉ huy Hải quân Hoàng gia Anh : « Có một tàu sân bay mà không có máy bay thì cũng chẳng có ích lợi gì. Quý vị có thể tưởng tượng là có tàu sân bay nào của Mỹ lại chỉ chở theo một vài máy bay không? Tàu sân bay của họ luôn đầy ắp máy bay. Chỉ có tàu với boong đầy máy bay mới gây ấn tượng và có thể khiến Putin phải lo ngại ».

Trong chuyến đi quan trọng của tàu sân bay Queen Elizabeth tới châu Á-Thái Bình Dương hồi năm 2021, Hoa Kỳ đã phải cho Anh mượn 10 chiến đấu cơ F-35B để Hải quân Hoàng gia Anh thể hiện là mọi chuyện đang tốt đẹp. Trên thực tế, chỉ có 8 chiến đấu cơ là của Không quân Hoàng gia Anh. Và tệ hơn nữa, do cất cánh thất bại, một trong số 8 chiến đấu cơ này đã lao xuống Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Ai Cập và hư hại.

Đầu tháng này, một báo cáo của Ủy ban Quốc phòng của Hạ Viện Anh đã cảnh báo là lực lượng vũ trang Anh sẽ không thể sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh cường độ cao, nếu tình trạng thiếu hụt nhân sự và trang thiết bị không nhanh chóng được giải quyết. Ủy ban Quốc phòng của Hạ Viện Anh mô tả các đơn vị « đang trong tình trạng căng thẳng » khi quân số giảm sút. Kể từ năm 2010 tới nay, Hải quân Anh chưa bao giờ hoàn thành chỉ tiêu tuyển dụng hàng năm và tổng quân số thấp hơn 5% so với mục tiêu đặt ra hồi năm 2015.

Sự thiếu hụt liên quan chủ yếu đến thợ cơ khí và vũ khí cho tàu ngầm, nhiều vị trí khó tuyển dụng nhân lực, thậm chí gần đây Hải quân Anh đã phải đăng một thông báo trên mạng LinkedIn để tuyển dụng « chỉ huy tàu ngầm ». Đây là một vị trí phó đô đốc cực kỳ quan trọng, nhất là liên quan đến tàu ngầm tấn công hạt nhân, mà không mấy ứng viên hăm hở muốn làm hoặc không mấy ai có hồ sơ đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, Hải quân Anh hy vọng sẽ đưa các cựu sĩ quan trở lại phục vụ lực lượng. Thông báo này dường như cho thấy sự vô vọng của Hải quân Anh trong việc tuyển dụng nhân lực cho vị trí chiến lược này và đã khiến công luận Anh ngạc nhiên, thậm chí choáng váng về cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng của lực lượng này.

Sau gần 4 thế kỷ, sự tồn tại của Hải quân Hoàng gia Anh bị đưa ra xem xét

Le Figaro nhấn mạnh rằng các nhà quan sát đã lưu ý là những vấn đề này đặc biệt đáng lo ngại bởi vì Hải quân Hoàng gia Anh là đội quân nhận được nhiều ngân sách nhất trong đợt phân bổ ngân sách vừa qua. Có lẽ là không phải vô cớ mà sau gần 4 thế kỷ tồn tại, sự duy trì đội quân từng tự nhận là « một trong những lực lượng chiến đấu đáng sợ nhất thế giới » lại bị xem xét.

Le Figaro ngày 15/01 trong bài « Tại Anh Quốc, tương lai bất định của lực lượng tinh nhuệ Hải quân Hoàng gia » cho biết chính bộ trưởng Quốc Phòng Grant Shapps tiết lộ đã yêu cầu tổng tư lệnh Hải quân Ben Key, « cung cấp một kế hoạch » cho tương lai của Hải quân Hoàng Gia Anh. Đối với nhiều nhà quan sát, bộ trưởng Quốc Phòng Anh không yêu cầu gì khác ngoài việc tìm ra lý do chính đáng để duy trì lực lượng đã tồn tại từ vài thế kỷ này.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng có kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu thủy thủ nghiêm trọng. Để giải phóng khoảng 250 thủy thủ và điều họ đến các tàu mới, bao gồm cả hạm đội khinh hạm Type 26 mới, dự kiến ​​bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2028, bộ trưởng Quốc Phòng Grant Shapps đã đề xuất rút hai tàu Albion và Bulwark khỏi các hoạt động. Vấn đề nằm ở chỗ đây là những tàu chở cả sà lan đổ bộ và trực thăng, cho phép tấn công bằng cả đường biển và hàng không, mà theo đô đốc Alan West, đó là « một trong những đơn vị chiến đấu tốt nhất » của Anh, « một yếu tố then chốt cho khả năng đổ bộ » của Anh và NATO.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.