Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - KHÍ HẬU

Sau hè - thu nắng nóng kỷ lục, chưa bao giờ mùa đông lại ấm như vậy

Mùa đông 2023-2024 là mùa đông ấm nhất chưa bao giờ được ghi nhận trên thế giới. Tháng 2/2024 cũng đã là tháng thứ 9 liên tiếp có nhiệt độ cao kỉ lục. Trong báo cáo ngày 07/03, cơ quan nghiên cứu khí hậu Copernicus của Liên Hiệp Châu Âu nêu hai lý do chính, đó là khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hiện tượng khí hậu El Niño.

Heat wave in Lima due to El Nino weather phenomena. Bathers enjoy a summer day due to the high temperatures at Agua Dulce beach in the Chorrillos district, Lima, Peru, February 25, 2024.
Thủ đô Lima của Peru trong đợt nắng nóng bất thường do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino. Ảnh chụp ngày 25/02/2024. REUTERS - SEBASTIAN CASTANEDA
Quảng cáo

Nhiệt độ trung bình tháng 2/2024 là 13,54°C, cao hơn 1,77°C so với tháng 0 trong giai đoạn 1850-1900 và cao hơn 0,12°C so với kỉ lục lần gần đây nhất được ghi nhận trong tháng 2/2016. Trong 12 tháng vừa qua, nhiệt độ trung bình trên thế giới đã tăng thêm 1,56°C so với thế kỷ XIX.

Nhìn chung, hầu hết thế giới đều ghi nhận nhiệt độ tăng cao đáng kể trong mùa đông, từ Bắc Mỹ đến phần lớn Nam Mỹ hay Việt Nam, Maroc. Nhưng Bắc bán cầu có mùa đông (từ tháng 12 đến tháng 02) nóng nhất trên thế giới, với nhiệt độ cao hơn 3,3°C so với mức trung bình trong giai đoạn 1991-2020, đặc biệt là Trung và Đông Âu có thời tiết bất thường hơn.

Ngoài ra, nhiệt độ trung bình tại các đại dương, phủ 70% bề mặt Trái đất, cũng tăng kỷ lục trong những tháng qua. Ví dụ nhiệt độ trung bình trong tháng 2 được đo trên bề mặt nước biển (trừ các vùng cực) là 21,06°C. Tình trạng này tác động trực tiếp đến hệ sinh thái biển, cũng như khả năng đại dương hấp thụ khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Trả lời AFP, ông Carlo Buontempo, giám đốc Ban Biến đổi Khí hậu của Copernicus (C3S), cho rằng « 2024 đang trên đà trở thành một năm rất nóng, có thể là một năm nóng kỷ lục, nhưng may mắn là điều đó có thể không xảy ra nếu hiện tượng La Niña (trái ngược với El Niño) sớm diễn ra ».

Vẫn theo các chuyên gia của Copernicus, thế giới phải cắt giảm 43% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030 so với năm 2019 thì mới có thể giữ được mức tăng nhiệt độ 1,5°C như mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris. Tuy nhiên, lượng khí thải này được cho là sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2025.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.