Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - CHÂU ÂU - VIỆN TRỢ

Liên Âu : Thêm 5 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraina

Sau nhiều tháng đàm phán, cuối cùng 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 13/03/2024, đạt thỏa thuận viện trợ quân sự thêm 5 tỷ euro cho Ukraina trong năm 2024. Khoản tiền này nhằm giúp Kiev trang bị vũ khí và đạn dược để chiến đấu chống quân Nga. Cụ thể, 5 tỷ được dùng để trực tiếp thanh toán cho các thành viên Liên Âu đã cung cấp vũ khí đạn dược cho Ukraina. 

Soldiers of Ukraine's National Guard 1st Brigade hold combat training in northern Ukraine on Friday, Nov. 3, 2023.
Hình minh họa: Binh sĩ Ukraina đang luyện tập chiến đấu tại một địa điểm phía bắc Ukraina, ngày 13/11/2023. AP - Efrem Lukatsky
Quảng cáo

Gói viện trợ mới 5 tỷ euro cho tài khóa 2024 nâng viện trợ quân sự của Liên Hiệp Châu Âu cho Ukraina lên thành 11 tỷ.

Trên mạng xã hội X, Văn phòng chủ tịch Hội Đồng Châu Âu hôm qua thông báo các bên đã « đồng ý » cải tổ quỹ FEP được sử dụng nhằm « tạo điều kiện thuận lợi để gìn giữ hòa bình ». Quỹ này không nằm trong ngân sách chung của Liên Âu. Đàm phán về viện trợ cho Ukraina thông qua quỹ FEP đã bị bế tắc trong nhiều tháng, do bất đồng giữa hai nhà tài trợ chính là Pháp và Đức về việc sử dụng quỹ này.

Paris chủ trương là viện trợ của châu Âu trong khuôn khổ quỹ FEP phải được ưu tiên dùng để mua vũ khí của châu Âu, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của châu lục này. Quan điểm của Paris được Hy Lạp và Chypre ủng hộ. Trái lại Đức quan niệm quỹ FEP cho phép Ukraina trang bị vũ khí, đạn dược với bất kỳ một nhà cung cấp nào. Berlin đóng góp 25 % vào quỹ FEP và là nguồn viện trợ hào phóng nhất cho Ukraina, sau Hoa Kỳ.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại từ khi Nga xâm lược Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu đã dành đến 28 tỷ euro để hỗ trợ chính quyền Kiev.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đang hối thúc các đối tác phương Tây cung cấp thêm đạn dược, trang thiết bị quân sự để đối phó với Nga. Khoảng viện trợ 60 tỷ đô la mà chính quyền Biden hứa cấp cho Kiev vẫn bị kẹt tại Washington do những tranh cãi chính trị nội bộ Hoa Kỳ.

Cũng liên quan đến Ukraina, hôm 13/03/2024 đến lượt Thượng Viện Pháp đã thông qua Hiệp Định An Ninh Pháp- Ukraina với 293 phiếu tuận và 22 phiếu chống.

Ngày mai 15/03/2024 tại Berlin, thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trong khuôn khổ một cuộc « họp khẩn về Ukraina ». Mục tiêu cuộc họp 3 bên này nhằm « tạo đà và huy động toàn khối Liên Hiệp Châu Âu trong nỗ lực yểm trợ chính quyền Kiev ». Các bên tái khẳng định Liên Âu là điểm tựa « chắc chắn và lâu bền » của Kiev.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.