Vào nội dung chính
NATO - NGA - BIỂN BALTIC

Thụy Điển gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương : Liệu NATO kiểm soát được toàn bộ biển Baltic ?

Gần 11 tháng sau khi Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, ngày 07/03/2024 đến lượt Thụy Điển được chính thức kết nạp làm thành viên thứ 32 của tổ chức này. Với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển, Baltic trở thành vùng biển mà các nước bao quanh, trừ Nga, đều là thành viên của NATO.

Cuộc diễu binh hải quân tại Baltiysk, căn cứ hải quân Nga ở vùng biển Baltic, ngày 28/07/2022.
Cuộc diễu binh hải quân tại Baltiysk, căn cứ hải quân Nga ở vùng biển Baltic, ngày 28/07/2022. AP
Quảng cáo

Xin nhắc lại là sau 30 năm Nga hợp tác với các nước vùng biển Baltic, đến đầu tháng 03/2022, ít ngày sau khi Putin điều quân sang xâm lược Ukraina, Nga đã bị Hội đồng các quốc gia vùng Baltic đình chỉ tư cách thành viên, và đến ngày 18/05/2022, chính Matxcơva thông báo rời khỏi Hội đồng này. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, Baltic từ « hồ của Liên Xô » nay với sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, đã trở thành « biển của NATO ».

Có thật là Baltic biến thành « biển của NATO » ?

Xét về địa lý thì quả đúng là tại vùng biển Baltic hiện nay, vây quanh Nga là các nước thành viên NATO : Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Đức, Đan Mạch, nên nói hình ảnh thì đây gần như đã là « vùng biển của NATO », nhưng xét về sức mạnh quân sự thì NATO không dễ lấn át được Nga tại nơi đây, nên nếu xem Baltic là « biển của NATO » thì là « chủ quan, khinh địch », có thể gây các hệ quả đáng tiếc cho Liên Minh. 

Dù hạm đội Baltic của Nga nay chỉ còn là cái bóng của hạm đội Baltic thời Chiến tranh Lạnh, nhưng đối với John Deni, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chiến tranh của Mỹ, được AFP trích dẫn ngày 26/02/2024, thì điện Kremlin đã tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực tàu ngầm và vẫn có hỏa lực đủ mạnh để có thể đe dọa NATO hoặc phát động các chiến dịch đổ bộ nhỏ trong khu vực.

Chuyên gia John Deni nhấn mạnh : « Về hỏa lực hay vũ khí hạt nhân, họ (nước Nga) mạnh hơn so với các nước đồng minh NATO trong vùng (…) Liên Minh Bắc Đại Tây Dương phải hiểu mối đe dọa này và chống đỡ », bởi ngay cả với sức mạnh hải quân bổ sung của Thụy Điển thì sức mạnh của NATO trong vùng biển Baltic « vẫn tương đối hạn chế ». Như vậy là Nga vẫn là một mối đe dọa cả trên không và dưới biển đối với NATO ở vùng biển Baltic.

Ba nước nhỏ Estonia, Latvia, Litva từ lâu nay vẫn bị xem là « gót chân Achilles – điểm yếu » của NATO, chẳng hạn Estonia có khoảng 3.800 km đường bờ biển, nhiều đảo, nhưng lại không có tàu ngầm nên vẫn cần được NATO tăng cường bảo vệ.

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương lâu nay vẫn lo ngại và tìm cách ngăn chặn nguy cơ 3 quốc gia này bị cô lập trong trường hợp lực lượng quân sự của Nga chiếm đóng 65 km lãnh thổ Litva thuộc « dải đất Suwalki », nối từ Belarus đến tiền đồn quân sự Kaliningrad của Nga. Nếu chiếm được dải đất này, Nga có thể cắt tuyến đường nối từ ba nước Estonia, Latvia, Litva đến châu Âu và cắt đứt 3 nước này khỏi phần còn lại của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Đối với chuyên gia John Deni của Viện nghiên cứu chiến tranh của Mỹ, việc xem biển Baltic là « hồ của NATO » ẩn chứa nguy cơ về sự « tự mãn », trong khi « mối đe dọa của Nga đối với khu vực là đáng kể xét theo một số khía cạnh và cho đến nay, NATO vẫn thiếu năng lực để đối phó nếu xảy ra khủng hoảng ».

Tiền đồn quân sự đáng gờm của Nga  

Nói đến sức mạnh của Nga trong vùng biển Baltic thì dĩ nhiên không thể không nói đến tiền đồn quân sự, pháo đài chiến lược Kaliningrad. Dù nằm cách xa Matxcơva hơn 1.000km về phía tây nam, nằm kẹt giữa Ba Lan và Litva, nhưng Kaliningrad lại là một trong những khu vực được quân sự hóa mạnh nhất ở châu Âu, được vũ trang hạng nặng và cũng là nơi đặt lực lượng hạt nhân của Nga. Chính vì thế, theo L’Express ngày 07/03, Kaliningrad được NATO xem là tâm điểm trong mọi kịch bản leo thang căng thẳng của các bộ chỉ huy quân sự ở châu Âu.

Những đóng góp đáng kể của Thụy Điển

Từ lâu nay, Thụy Điển đã tham gia vào nhiều nhóm hoạt động của NATO. Và kể từ khi Stockholm đệ đơn xin gia nhập NATO, các cuộc tập trận chung của NATO với quân đồng minh đã được nhân lên. Theo France Info ngày 27/02/2024, hồi tháng 04/2023, chiến dịch Aurora 23 đã huy động hơn 20.000 binh sĩ từ 14 quốc gia đến Thụy Điển. Đến tháng 06/2023, oanh tạc cơ của Mỹ đã hạ cánh xuống miền bắc Thụy Điển. Stockholm cũng thường xuyên được mời tham gia Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết sách của NATO. Thực ra, dù chưa phải thành viên chính thức, nhưng Stockholm cũng không bị gạt ra bên lề quá trình ra quyết sách của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Thế nhưng, việc Thụy Điển chính thức gia nhập NATO sẽ giúp Liên Minh kiểm soát được tốt hơn phần đông bắc châu Âu, là một điểm tựa về hải quân - quân sự cho NATO và là một điểm trung chuyển có ý nghĩa chiến lược cao.

Khi gia nhập Liên Minh, hải quân Thụy Điển, vốn là lực lượng rất quan trọng ở vùng biển Baltic về phòng thủ bờ biển với nhiều tầu chiến và tàu ngầm, cũng như trong các hoạt động tình báo, có thể sẽ được huy động nhiều hơn. Tương tự, các cảng và sân bay Thụy Điển cũng củng cố vị trí chiến lược của họ. Sự năng động này mang tính tích cực đối với NATO, và nhất là đối với 3 quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia, Litva. Vùng biển Baltic từng ngăn cách hai khối Tây và Đông trong Chiến tranh Lạnh, giờ đây không còn là vùng biển chia cắt Đông - Tây mà là vùng biển gắn kết Đông - Tây.

Thụy Điển cũng gia nhập NATO với năng lực quân sự vững chắc và các đầu tư đáng kể vào an ninh. Thụy Điển có kế hoạch trong năm 2024 chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, tức là đạt mục tiêu mà các nước đồng minh đã đặt ra tại thượng đỉnh NATO 2023 ở Vilnius. Về khả năng tương tác với các thành viên, yếu tố then chốt trong liên minh, thì Thụy Điển cũng làm rất tốt. Stockholm biết rõ những thử thách về việc quân đội của Thụy Điển phải phối hợp tốt với NATO.

Vẫn theo France Info, Thụy Điển đã thông báo rằng ngay khi trở thành thành viên NATO, họ sẽ điều 600 binh sĩ đến Latvia phục vụ trong đội quân đa quốc gia của Liên Minh. Đội quân này hiện diện từ năm 2017 và do Canada chỉ huy. Sự gia nhập của Thụy Điển và hạm đội của nước này như vậy sẽ cho phép khu vực đáy biển Baltic được giám sát tốt hơn nhiều.

Một ưu điểm đặc biệt về chiến lược là đảo Gotland của Thụy Điển, rộng hơn 3.000km2, nằm giữa giữa Thụy Điển và Latvia, là một cánh cửa Nga phải đi qua để từ miền bắc biển Baltic ra đến Biển Bắc. Theo L’Express, đây là một chốt chặn để NATO kiểm soát tốt hơn một phần biển Baltic, kiểm soát được đảo chiến lược này sẽ cho phép NATO chặn đường Nga đưa tàu từ miền tây bắc Nga xuống phía nam biển Baltic và ra Biển Bắc. Có thêm đảo Gotland, NATO cũng sẽ có thêm kế hoạch phòng thủ. Một thuận lợi khác cho NATO là đảo Gotland đã được Thụy Điển tái vũ trang từ năm 2018. Và đến năm 2022, Stockholm đã thông báo đầu tư khoảng 163 triệu đô la để tăng cường sự hiện diện quân sự trên hòn đảo chiến lược này. 

NATO vẫn còn nhiều việc phải làm 

Hãng tin Pháp AFP ngày 26/02/2024 nhắc lại là kể từ khi Nga xâm lược Ukraina hồi tháng 02/2022, hàng loạt sự cố liên quan đến đường ống dẫn khí đốt và cáp ngầm dưới biển Baltic đã bộc lộ điểm yếu của NATO trong khu vực. Chẳng hạn, vào tháng 09/2022, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream nối Nga với châu Âu đã bị phá hoại. Hơn một năm sau, thủ phạm vẫn chưa được xác định. Đến tháng 10/2023, một đường ống dẫn khí đốt khác và một tuyến cáp biển ngầm nối Phần Lan, Thụy Điển và Estonia cũng bị hư hại. Theo cảnh sát Phần Lan, một tàu hàng Trung Quốc có thể có liên quan đến vụ này.

NATO đã tăng cường lực lượng hải quân và đang tìm cách phát triển năng lực giám sát, nhưng theo dõi, giám sát những gì diễn ra ở đáy biển không phải là điều dễ dàng. AFP dẫn lời nhà nghiên cứu Julian Pawlak của Đại học Bundeswehr (quân đội Đức) ở Hamburg cho biết : « Vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream cho thấy vẫn rất khó biết chính xác điều gì đang xảy ra ở đáy biển ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.