Vào nội dung chính
NGA - BẮC TRIỀU TIÊN - LIÊN HIỆP QUỐC

Tại Liên Hiệp Quốc, Nga phủ quyết triển hạn cơ chế giám sát các trừng phạt nhằm vào Bắc Triều Tiên

Ngày 28/03/2024, Nga, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, đã phủ quyết triển hạn ủy ban chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, có nhiệm vụ giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Bắc Triều Tiên. Trong cuộc bỏ phiếu này, Trung Quốc vắng mặt.

Russia's Representative to the United Nations Vassily Nebenzia addresses the Security Council on the day of a vote on a Gaza resolution that demands an immediate ceasefire for the month of Ramadan lea
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vassily Nebenzia. Ảnh ngày 25/03/2024. REUTERS - Andrew Kelly
Quảng cáo

Bộ Ngoại Giao Mỹ lập tức lên án Nga phá hoại nền hòa bình và an ninh thế giới, khi cho rằng những gì Nga làm chỉ để « tạo thuận lợi cho cuộc đổi chác mà Matxcơva đúc kết với Bình Nhưỡng », đặc biệt là về vũ khí.

Về phần mình, Hàn Quốc trong một thông cáo, đánh giá là Nga đã có một « quyết định vô trách nhiệm ».

AFP nhắc lại, từ năm 2006 Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên do nước này thực hiện các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Những trừng phạt này đã được siết chặt thêm vào năm 2016 và 2017.

Tuy nhiên, từ năm 2019, Nga và Trung Quốc nhấn mạnh đến tình hình nhân đạo đối với người dân Bắc Triều Tiên và yêu cầu nới lỏng các biện pháp, vốn dĩ không ghi ngày kết thúc. Không đạt được các mục tiêu, Nga đã nhắm vào ủy ban chuyên gia chuyên trách theo dõi việc thực thi các biện pháp trên.

Thông tín viên đài RFI, Nicolas Rocca, từ Seoul cho biết thêm :

Được công bố vào đầu tháng Ba, bản đầu tiên trong số hai báo cáo thường niên của ủy ban chuyên gia rất có thể sẽ là bản cuối cùng. Báo cáo này đã làm sáng tỏ vai trò các tin tặc của chế độ, số người lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài cũng như nhiều phương pháp khác nhau được Bình Nhưỡng sử dụng để thu được ngoại tệ mà vẫn tránh được các biện pháp trừng phạt.

Theo Nicolas de Rivière, đại diện thường trực của Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc, ủy ban này là một công cụ thiết yếu trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.

Ông giải thích : « Từ nhiều tháng qua, Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga thiết bị quân sự để hỗ trợ cho cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga, và điều này vi phạm nhiều nghị quyết mà chính Nga đã bỏ phiếu thông qua. Một vụ thử hạt nhân mới là không thể loại trừ. Trong bối cảnh này, ai có thể nghi ngờ nghiêm túc về tính thiết yếu của một nhóm chuyên gia độc lập, thu thập tài liệu về những hành động vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An ? »

Để biện minh cho việc phủ quyết, đại sứ Nga đã khẳng định rằng ủy ban này đã phục vụ lợi ích của phương Tây và ngăn chặn khả năng của Hội Đồng Bảo An cùng với thời gian xem xét tính xác đáng của các biện pháp trừng phạt. Một lập luận mà đại sứ Pháp bác bỏ.

Ông nói tiếp : « Xin đừng nói là cần phải thay đổi hay hủy bỏ nhiệm vụ của nhóm chuyên gia để có thể thảo luận chung về việc xem xét lại các lệnh trừng phạt. Dự thảo nghị quyết được trình bày hôm nay thậm chí còn đề xuất một kế hoạch xem xét lại như thế, từ nay đến tháng 4/2025. »

Ủy ban chuyên gia này tiếp tục hoạt động đến 30/4 trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Việc xóa sổ cơ chế này không liên quan gì đến việc các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên tiếp tục có hiệu lực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.