Vào nội dung chính
THỤY SĨ - BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

"Phán quyết lịch sử" về khí hậu: Tòa án châu Âu phạt Thụy Sĩ vì không nỗ lực đủ mức

Lần đầu tiên Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH) ra phán quyết phạt một quốc gia vì hành động không đủ mức nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Phán quyết đưa ra hôm qua, 09/04/2024, được giới bảo vệ môi trường hoan nghênh như một bước tiến "lịch sử", mở đường cho các áp lực lớn hơn đối với tất cả 46 quốc gia thành viên Hội Đồng Toàn Châu Âu.

Thụy Sĩ bị hội "Aînées pour la protection du climat" gồm 2.500 phụ nữ trên 65 tuổi kiện vì không hành động bảo vệ khí hậu.
Thụy Sĩ bị hội "Aînées pour la protection du climat" gồm 2.500 phụ nữ trên 65 tuổi kiện vì không hành động bảo vệ khí hậu. © Facebook / Aînées pour la protection du climat
Quảng cáo

Nhà nước Thụy Sĩ bị một hiệp hội nước này, mang tên "Aînées pour la protection du climat" (tạm dịch là Những phụ nữ cao tuổi đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ khí hậu), khiếu kiện vì đã không có các biện pháp đủ mức nhằm hạn chế biến đối khí hậu, gây tổn hại cho quyền sống, sức khỏe và hạnh phúc của người dân. Chiểu theo Công ước Nhân quyền Châu Âu, phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu buộc tội Thụy Sĩ đã "không hành động kịp thời, một cách phù hợp và nhất quán" để thực thi các cam kết về khí hậu, và chính quyền Berne phải chịu trách nhiệm về "các thiếu sót nghiêm trọng", đặc biệt liên quan đến việc xác định các tiêu chuẩn định lượng quốc gia về khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GES).

Trong vụ kiện này, chính quyền Thụy Sĩ không phải nộp tiền phạt, ngoài việc phải trả cho hiệp hội "Aînées pour la protection du climat" khoản tiền 80.000 euro, chi phí pháp lý. Phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu đối với Thụy Sĩ là mang tính bắt buộc và là phán quyết cuối cùng. AFP dẫn lời ông Alain Chablais, đại diện của Thụy Sĩ trước Tòa án Nhân quyền châu Âu, theo đó các cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sĩ có trách nhiệm "xác định các biện pháp" để thi hành phán quyết của Tòa. Bà Anne Mahrer, một thành viên của hiệp hội Thụy Sĩ nói trên, cho biết hiệp hội "sẽ theo sát việc chính quyền Thụy Sĩ thực thi quyết định của Tòa án".

Phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu, trong vụ chính quyền Thụy Sĩ bị kiện, được coi là một án lệ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, và có thể được sử dụng làm cơ sở cho các phán quyết đối với 45 thành viên khác của Hội Đồng Toàn Châu Âu. Ông Raphaël Mahaim, một luật sư của hiệp hội Thụy Sĩ "Những phụ nữ cao tuổi hành động vì khí hậu", nhấn mạnh : "Việc Tòa án đưa ra một loạt các yêu cầu buộc các quốc gia phải tuân thủ cam kết về khí hậu là điều hoàn toàn mới. Quyết định của Tòa thật là tuyệt vời, gây phấn chấn… Chúng ta hy vọng là mọi thứ sẽ thay đổi mau chóng".

Nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg, có mặt tại Strasbourg, vào thời điểm tòa ra phán quyết khẳng định : "Đây chỉ là điểm khởi đầu cho làn sóng khiếu kiện về khí hậu, đang diễn ra khắp nơi trên thế giới". Cô Greta Thunberg cũng nhấn mạnh là phong trào đòi công lý khí hậu "không được lùi bước" và cần phải "sử dụng mọi biện pháp" để đạt mục tiêu, trong bối cảnh "thế giới vẫn luôn đi sai đường", "khí thải gây hiệu ứng vẫn không ngừng gia tăng" đe dọa "mạng sống của con người, động vật, các hệ sinh thái và sự tồn vong của nhiều quốc gia".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.