Vào nội dung chính
HOA KỲ - NHẬT BẢN - PHILIPPINES

Hợp tác tại Biển Đông, trọng tâm thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines

Cuộc họp thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines diễn ra tại Nhà Trắng hôm nay 11/04/2024. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết lãnh đạo ba nước sẽ thông qua một thỏa thuận bao gồm việc bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông. Trước cuộc họp thượng đỉnh, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tiếp riêng tổng thống Philippines.

This combination photo shows President Joe Biden from left, and Japanese Prime Minister Fumio Kishida on April 10, 2024, in Washington, and Philippine President Ferdinand Marcos Jr. on March 12, 2024,
Ảnh ghép.Từ trái sang phải : Tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. AP
Quảng cáo

Hôm nay, tổng thống Joe Biden gặp lại thủ tướng Fumio Kishida và sẽ cùng tiếp tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng. Theo một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, được AFP trích dẫn, sự hiện diện của tổng thống Philippines là « tín hiệu mạnh mẽ và cứng rắn mà Washington và Tokyo gửi đến Bắc Kinh » vào lúc mà Manila liên tục bị Trung Quốc uy hiếp ở Biển Đông.

Theo các nguồn tin thông thạo, nhân cuộc họp hôm nay, ông Biden một lần nữa sẽ nhắc lại lập trường kiên định, đó là « hiệp định phòng thủ hỗ tương giữa Hoa Kỳ và Philippines sẽ được áp dụng trong mọi trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông, bao gồm cả việc bảo vệ các tàu tuần duyên của Philippines ». Ngoài ra, hãng tin Mỹ AP cho biết tổng thống Hoa Kỳ chính thức thông báo huy động quân đội Mỹ hỗ trợ Philippines nâng cao khả năng phòng thủ trên biển.

Về phía Manila, trả lời báo chí trước khi lên đường đến Washington, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. hôm 10/04/2024 cho biết « chủ đích của hiệp ước ba bên là Mỹ-Nhật-Philippines có thể tiếp tục phát triển để đem lại thịnh vượng, hỗ trợ lẫn nhau và đương nhiên là nhằm duy trì hòa bình ở Biển Đông cũng như là bảo đảm tự do hảng hải trong vùng biển này ». Thượng đỉnh  Washington là cơ hội để các bên « đi sâu thêm vào chi tiết về các chương trình hợp tác ba bên, bao gồm cả việc thực hiện các dự án chung ở Biển Đông », nơi mà trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã gia tăng cường độ.

Trước cuộc họp hôm nay, thủ tướng Fumio Kishida từng quan niệm hợp tác « chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ và Philippines là một yếu tố then chốt trong khu vực ». Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản hôm đầu tuần nêu đích danh Trung Quốc « không ngừng gây áp lực, hà hiếp » các nước láng giềng, kể cả Nhật và Philippines. Đại sứ Nhật tại Washington đã xác định tham vọng của « Bắc Kinh trong vùng biển này sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận » tại thượng đỉnh ba bên hôm nay.

Hôm qua, hai thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đề xuất một dự luật cấp 2,5 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Philippines, giúp Manila chống lại các áp lực của Trung Quốc.

Ngoài hồ sơ Biển Đông, kinh tế cũng là một ưu tiên của Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. muốn nhân dịp này kêu gọi đầu tư của Mỹ và Nhật vào một số lĩnh vực thiết yếu như « cơ sở hạ tầng, công nghệ bán dẫn, an ninh mạng, năng lượng tái tạo và nhất là hợp tác ba bên về quốc phòng và hàng hải ».

AFP ghi nhận đương nhiên Trung Quốc đặc biệt theo dõi thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines tại Washington hôm nay, do Bắc Kinh quan niệm đây là một nỗ lực của các bên nhằm hạn chế ảnh hưởng về địa chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.