Vào nội dung chính
UKRAINA - LIÊN ÂU

Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu : Một ý tưởng điên rồ ?

Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU) đang là chủ đề được thảo luận sôi nổi vào thời điểm diễn ra chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu được tổ chức vào tháng 6 tới đây.

Quốc kỳ Ukraina và lá cờ Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại trụ sở Nghị Viện Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 01/03/2022.
Quốc kỳ Ukraina và lá cờ Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại trụ sở Nghị Viện Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 01/03/2022. AP - Virginia Mayo
Quảng cáo

Việc thu nhận Ukraina vào Liên Âu gây nhiều tranh cãi không kém những tranh cãi xung quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này. Về mặt chính thức, lập trường của Pháp trong hồ sơ này rất rõ ràng : Tháng 12/2023, tổng thống Emmanuel Macron tái khẳng định Paris ủng hộ việc mở các cuộc đàm phán kết nạp Ukraina vào EU, cho rằng đó là một quyết định “hợp lý, công bằng và cần thiết”. Nhưng ngoài những phát biểu lấy lệ vào thời điểm cộng đồng quốc tế gần như buộc phải đoàn kết với Kiev do Ukraina bị Nga tấn công, chủ đề này thực sự là một quả bom hẹn giờ.

Một trong những nhân vật then chốt ẩn danh thuộc chính phủ của thủ tướng Pháp Gabriel Attal nhận định : Ukraina không có chỗ đứng trong Liên Âu. Chúng ta đang mắc sai lầm tương tự như với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó sẽ là một sai lầm có thể giết chết EU. Việc kết nạp quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới sẽ là một điều điên rồ.”

Cuối tháng 3 vừa qua, chủ tịch Quốc Hội Pháp Yaël Braun-Pivet đã công du Ukraina. Khi phát biểu trước Quốc Hội Ukraina, bà bị choáng ngợp bởi số lượng lá cờ châu Âu tung bay trong Quốc Hội. Bà nhấn mạnh : “Dự án Ukraina gia nhập EU mang lại lợi ích to lớn cho đất nước đang nỗ lực và thực sự cố gắng để được kết nạp vào EU.

Dường như bỏ rơi Kiev không phải là một lựa chọn khả thi đối với chính quyền tổng thống Macron, vốn đang bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu không hề chắc chắn giữa chiến dịch bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Ứng cử viên của đảng Phục Hưng (Renaissance) Valérie Hayer tỏ ra hào hứng với đề xuất cấp tư cách quan sát viên cho các dân biểu Quốc Hội Ukraina trong Nghị Viện Châu Âu “càng sớm càng tốt” như một cách nhằm khích lệ Kiev : “Chúng ta không nên đợi đến khi tư cách quan sát viên chính thức được cấp mới thực sự làm việc với Ukraina một cách nghiêm túc.”

Một thành viên khác của phe Macron thì không nhiệt tình như thế : “Cần phải khẳng định sự cần thiết của việc Ukraina gia nhập Liên Âu, nhưng cần phải đưa vấn đề này vào khuôn khổ cuộc đàm phán với Vladimir Putin khi xung đột kết thúc.” Một nghị viên châu Âu sắp mãn nhiệm đang cân nhắc thiệt hơn cho biết : “Hiện tại, chúng ta phải giúp đỡ Ukraina. Nhưng về mặt cơ cấu, việc Ukraina gia nhập EU sẽ làm đảo lộn mọi thứ. Chúng ta có nên đưa ra một giải pháp mang tính nhất thời, nhưng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của toàn khối hay không ? Nếu chiến tranh không nổ ra, sẽ không có ai đề cập đến việc kết nạp Ukraina vào EU.”

Tuy nhiên, cũng chính nghị viên này nhận định lịch sử buộc mọi người phải tùy cơ ứng biến : “Giữa việc Putin giành chiến thắng và kiểm soát việc sản xuất ngũ cốc thế giới hay Ukraina gia nhập Liêu Âu và làm rung chuyển châu Âu, điều gì sẽ có lợi hơn ?” Yaël Braun-Pivet cũng nhận định việc Ukraina gia nhập EU sẽ có “tác động rất lớn” đến cấu trúc của Liên Âu, bổ sung một quốc gia vào khối đòi hỏi sự tái tổ chức cơ bản của châu Âu.

Việc mở rộng Liên Âu không còn là một chủ đề phổ biến. Jean-Noël Barrot, bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu, cho biết : “Chúng ta rất hoài niệm về Liên Âu vào thời điểm khối này chỉ bao gồm 12 quốc gia.” Pieyre-Alexandre Anglade, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của ứng viên Hayer, cảnh báo : “Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) sẽ nói rằng 'mọi người đã quen với thợ sửa ống nước người Ba Lan, thì cũng sẽ thích nghi với nông dân Ukraina'.” Nghị viên Robin Reda nói thêm : “Chúng ta phải chịu trách nhiệm về quá trình này. Chúng ta thường đề cập đến việc xây dựng một Liên Âu bao gồm nhiều quốc gia đi kèm với nền hòa bình bên cạnh một châu Âu thuần túy thiên về kinh tế. Điều này hoàn toàn hợp lý. Chúng ta không mở rộng khối nhằm mục đích thuần túy phát triển kinh tế như chúng ta đã từng có thể làm với Đông Âu cũ, mà sự mở rộng này mang lại ý nghĩa mới cho dự án hòa bình châu Âu.”

Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ

Tuy nhiên, khởi động quy trình kết nạp thành viên không phải là hành động tầm thường và rút khỏi quy trình này không phải là điều đơn giản. Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến chính giới Pháp chao đảo, và đặc biệt là cánh hữu bị rạn nứt do vấn đề này. Giữa năm 2004 (khi các thành viên EU quyết định mở các cuộc đàm phán kết nạp Ankara) cho đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2007, Nicolas Sarkozy rõ ràng quay lưng lại với các định hướng được đề ra bởi tổng thống Jacques Chirac, nhân vật ủng hộ nhiệt thành việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên Âu. Trong chiến dịch tranh cử của ông, Sarkozy thậm chí còn biến chủ đề này thành một vấn đề trọng tâm. Sau khi đắc cử tổng thống, ông Sarkozy đã buộc phải tiết chế quan điểm do ông không một mình thống lĩnh chính trường châu Âu. Tháng 08/2007, ông Sarkozy tuyên bố trước các quan chức châu Âu : “Pháp sẽ không phản đối việc tiến hành các vòng đàm phán mới giữa Liên Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng và năm tới, với điều kiện là tiến trình này phù hợp với tầm nhìn trong tương lai của mối quan hệ song phương : hoặc là kết nạp Ankara vào Liên Âu, hoặc là hợp tác chặt chẽ nhất có thể, nhưng không tiến đến việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối.” Giờ đây, các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Âu đang bị đóng băng.

Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ có phải đang tái diễn với Ukraina ? Nicolas Sarkozy hiện giờ nhận định tính trung lập của Ukraina đi đôi với việc nước này không thể được Liên Âu kết nạp. “Ukraina là cầu nối giữa phương Tây và các nước phía Đông, và tình trạng này cần phải được duy trì”, cựu tổng thống nhận định với Le Figaro vào mùa hè năm 2023. Theo ông, trường hợp của Ukraina là “những lời hứa hão huyền” dành cho một quốc gia ứng cử viên đang chờ được EU kết nạp.

Chủ đề Ukraina khiến cho bàn cờ chính trị Pháp bị rạn nứt. Ông François-Xavier Bellamy thuộc đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) cũng đề cập đến “lời hứa hão huyền” khi nói đến việc Liên Âu kết nạp Ukraina. Jordan Bardella của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) thì nói về “lằn ranh đỏ”. Đổi lại, ứng cử viên Raphaël Glucksmann của phong trào Place Publique ủng hộ việc kết nạp Ukraina. Dù sao đi nữa, đề tài này cần được thảo luận trong lúc diễn ra chiến dịch tranh cử, đặc biệt khi có rất nhiều luồng tư tưởng trái chiều. Theo một cuộc thăm dò của CSA dành cho Europe 1, CNews và Le Journal du Dimanche được thực hiện vào tháng 2, việc Kiev gia nhập EU bị 43% người dân coi là điều tồi tệ đối với Pháp, trong khi 39% coi đó là điều tích cực (18% không đưa ra câu trả lời). Theo một cuộc khảo sát của Euronews/Ipsos được thực hiện vào tháng 3 với 26.000 người từ 18 quốc gia thành viên Liên Âu, 45% cử tri EU ủng hộ tư cách thành viên của Ukraina, trong khi 35% phản đối và 20% không trả lời.

Nguồn : L’Express

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.