Vào nội dung chính
THỚI TRANG - NHÂN CÔNG GIÁ RẺ

Thời trang Armani : vụ tai tiếng từ các xưởng gia công bất hợp pháp

Túi xách, ví da, phụ kiện thời trang ….. các sản phẩm này một khi được gắn hiệu Armani, thường được bán với giá cả ngàn euro. Chỉ có điều theo tiết lộ của đài truyền hình Ý hôm 08/04/2024, các mặt hàng thời trang này lại được sản xuất tại các xưởng gia công bất hợp pháp gần thành phố Milano, chuyên tuyển dụng nhân công với đồng lương rẻ mạt, đa phần người lao động là dân Trung Quốc và Pakistan nhập cư trái phép.

Trụ sở của Giorgio Armani Operations, tại Phố Borgonuovo, Milano, Ý. Ảnh chụp ngày 05/04/2024.
Trụ sở của Giorgio Armani Operations, tại Phố Borgonuovo, Milano, Ý. Ảnh chụp ngày 05/04/2024. AP - Claudio Furlan
Quảng cáo

Theo phóng viên Olivier Tosseri làm việc cho tờ báo Les Echos, vụ này thực sự là một vết nhơ làm hoen mờ uy tín của tập đoàn Armani, một trong những tên tuổi hàng đầu trong làng thời trang Ý. Ngành Tư pháp Ý cáo buộc công ty Giorgio Armani Operations, một chi nhánh của tập đoàn Armani đã ''gián tiếp'' sử dụng nhân công Trung Quốc bất hợp pháp, bóc lột sức lao động để sản xuất các sản phẩm thời trang.

Sau khi công bố kết quả điều tra dày 31 trang, tòa án thành phố Milano đã ra phán quyết đặt công ty Giorgio Armani Operations dưới quyền quản lý của ngành tư pháp trong vòng một năm. Trong suốt thời gian này, chi nhánh của tập đoàn Armani vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng dưới sự giám sát của một nhà quản lý do tòa án chỉ định.

Theo báo kinh tế Les Échos, các tập đoàn thời trang thường làm việc với nhiều hãng gia công, nhưng lại lơ là trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng, nếu không nói là nhắm mắt làm ngơ. Các nhà điều tra phát hiện ra rằng, sau khi ký hợp đồng chính thức với công ty lớn, các hãng gia công áp dụng hình thức tuyển dụng ''caporalato''. Thuật ngữ này ban đầu được dùng trong ngành nông nghiệp, thông qua người môi giới (caporale) để tuyển dụng lao động càng rẻ càng tốt.

Mỗi khi đến mùa hái nho, các nông trại thường nhờ đến công ty môi giới để tuyển gấp một nguồn nhân công ''rẻ mạt'', người nào không có giấy tờ hợp lệ, lại càng dễ bị bóc lột vì chẳng được ai bảo vệ. Một khi được ứng dụng vào ngành thời trang, hình thức ''caporalato'' cũng tạo ra nhiều vấn đề tương tự. Tập đoàn Armani có ký thỏa thuận hợp lệ với các hãng gia công, nhưng nếu không có kiểm soát, chính các hãng gia công này lại đi tuyển dụng nhân công một cách bất hợp pháp.

Nhân công không có giấy tờ chỉ được trả khoảng 2 euro một giờ 

Cách đây vài tuần, trong lúc đang tiến hành điều tra, cảnh sát Ý mới phát hiện ra rằng công ty Manifatture Lombarde Srl chuyên hợp tác với chi nhánh Giorgio Armani Operations, đã đặt hàng cho bốn xưởng làm ''lậu'' ở vùng ngoại ô Milano, chuyên sản xuất đồ da, túi xách, dây thắt lưng, găng tay và một số sản phẩm khác cho các hiệu thời trang Ý.

Vấn đề ở đây là các tiêu chuẩn về mặt an toàn, điều kiện làm việc hay sức khỏe người lao động đều không được tôn trọng. Người làm công trong các ''xưởng may'' này chẳng những không được quyền lợi xã hội, mà còn được trả lương rất thấp. Mức lương là khoảng 2 euro mỗi giờ (trong khi mức tối thiểu ở Hà Lan, Đức, Bỉ hay Pháp là 11,5 euro/giờ) và công nhân không có giấy tờ hợp lệ, phải một làm việc mỗi ngày từ 12 đến 14 tiếng.

Viện công tố Milano thật ra đã quan sát theo dõi từ vài năm qua các hoạt động của các tập đoàn thời trang và nhất là các hãng gia công thường bị tình nghi là bóc lột  nhân công. Cách đây ba tháng, công ty chuyên kinh doanh đồ da Alviero Martini, cũng từng bị đình chỉ sản xuất do vi phạm nghiêm trọng luật lao động. Còn trong trường hợp của chi nhánh tập đoàn Armani, hình thức gia công đã diễn ra từ đầu năm 2017 cho đến tháng 02/2024.

Khi đột nhập vào các xưởng gia công, giới điều tra đã phát hiện ra nhiều vi phạm nghiêm trọng, những người di cư Trung Quốc và Pakistan, thường không có giấy tờ hợp lệ, họ làm việc mà không hề ký bất kỳ hợp đồng nào. Ngoài giờ làm việc, họ bị buộc phải ăn ngủ tại chỗ, ở trong một góc nhà máy chẳng những thiếu an toàn mà còn sống trong điều kiện vệ sinh tồi tàn.

Chi nhánh Armani : bán hàng gia công với giá cao gấp mười 

Theo các nhà điều tra, công ty trung gian Manifatture Lombarde Srl trả cho các xưởng gia công lậu 93 euro cho một chiếc túi xách bằng da, nhưng đem bán lại cho hãng Giorgio Armani Operations với giá 250 euro, tức cao gần gấp ba. Một khi được hoàn chỉnh, sản phẩm có gắn nhãn mác hẳn hoi, cũng một chiếc túi da hiệu Armani này sẽ được bán ở ngoài tiệm, với giá 1.800 euro tại các cửa hàng chính thức, tức cao gần gấp chục lần so với giá đầu tiên, khi hàng vừa mới ''xuất xưởng''.

Câu hỏi quan trọng ở đây là hãng Giorgio Armani Operations có biết chuyện này hay không ? Theo các nhà điều tra, câu trả lời là có, bởi vì cảnh sát Ý cho biết khi làm biên bản tại hiện trường, họ đã gặp một nhân viên của hãng Giorgio Armani Operations ngay tại xưởng gia công. Nhân viên này đang thi hành nhiệm vụ ''kiểm tra chất lượng'' sản phẩm, có đúng theo tiêu chuẩn của đơn đặt hàng hay chăng.

Về phần mình, hiệu thời trang Armani ra thông cáo báo chí, cho biết tập đoàn này luôn thực hiện các biện pháp kiểm soát nhằm giảm thiểu ''sự lạm dụng trong chuỗi cung ứng''. Ban giám đốc tập đoàn Armani còn cam kết, chi nhánh Giorgio Armani Operations sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để làm sáng tỏ vấn đề này.

Theo phóng viên báo Les Échos, việc phát hiện các xưởng sản xuất gia công làm việc cho Manifatture Lombarde Srl, rồi bán lại cho Giorgio Amani Operations chỉ là một phần nhỏ trong cuộc điều tra trên quy mô rộng lớn hơn nhiều, về toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành thời trang Ý ở hai thành phố Milano và Bergamo. Theo ông Fabio Roia, chánh án tòa sơ thẩm Milano, có lẽ đã đến lúc toàn bộ ngành thời trang phải trực diện vấn đề, giải quyết nghiêm túc tình trạng tuyển dụng lao động bất hợp pháp. Hiệu thời trang Armani là tập đoàn cực kỳ nổi tiếng bị vấp ngã đầu tiên, nhưng hẳn chắn không phải là trường hợp duy nhất vướng vào scandal, gây nhiều tai tiếng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.