Vào nội dung chính
ANH QUỐC - DI DÂN

Quốc tế chỉ trích Anh thông qua luật trục xuất di dân sang Rwanda

Ngày 23/04/2024, từ Liên Hiệp Quốc đến các Giáo hội Công Giáo đều lên tiếng kêu gọi Anh từ bỏ việc trục xuất người xin tị nạn sang Rwanda. Văn bản mà thủ tướng Anh Rishi Sunak đánh giá là « lịch sử » được nghị viện Anh thông qua trong đêm 22 rạng sáng 23/04. Chính phủ hy vọng có thể bắt đầu đợt trục xuất đầu tiên « từ nay đến 10-12 tuần nữa ».

British Prime Minister Rishi Sunak speaks during a press conference at Downing Street in London, Britain, April 22, 2024.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu trong buổi họp báo tại Downing Street, Luân Đôn, ngày 22/04/2024. REUTERS - Toby Melville
Quảng cáo

Theo thông tín viên Sidonie Gaucher tại Luân Đôn, đây là bước đầu cho chiến lược chuẩn bị tranh cử vào mùa thu tới trong bối cảnh đảng Bảo Thủ có nguy cơ thất thế sau 14 năm cầm quyền.

Thủ tướng Anh đã giữ lời. Ông Rishi Sunak có thể tự khen vì đã cho thông qua được văn bản mà người tiền nhiệm Boris Johnson phác thảo, sau đó trở thành ngọn cờ trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông.

Nếu như ông Sunak có thể ca ngợi « thắng lợi » về mặt luật pháp thì về lý thuyết, các chuyến bay thuê bao đưa di dân sang Rwanda sẽ không giải quyết được vấn đề vượt biên bất hợp pháp qua biển Manche, theo như giải thích của luật sư Nicholas Hugues, chuyên về về nhập cư, với đài BBC :

« Người ta chưa từng đọc được bất kỳ báo cáo nào nói rằng chính sách này làm giảm các chuyến vượt biển. Không có bất kỳ bằng chứng nào về điểm này. Mọi thứ mà đang họ cố làm chỉ là ngăn việc trục xuất những người dễ bị tổn thương đến một quốc gia có thể gây tổn hại cho họ ».

Vài giờ sau khi luật được thông qua, 5 người đã bị thiệt mạng khi đang cố vượt biển Manche. Thảm kịch này đã được ông Rishi Sunak bình luận cho động cơ của đạo luật nhằm « ngăn chặn những con thuyền ». Trong suốt hai năm chuẩn bị văn bản này, hơn 76.000 người đã tới được Anh trên những con thuyền nhỏ.

« Thỏa thuận Rwanda » cũng là một trong những hy vọng cuối cùng trong chiến lược bầu cử để bắt kịp Công Đảng, hiện đang vượt đảng Bảo Thủ khoảng 20 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận. Bởi vì đợt tổng tuyển cử có thể diễn ra vào mùa thu tới và vấn đề di dân vẫn là trọng tâm các cuộc tranh luận ».

Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Luân Đôn « cân nhắc lại kế hoạch » đồng thời lên án Anh « càng ngày càng thặt chặt luật pháp hạn chế quyền được bảo vệ đối với người tị nạn » từ năm 2022. Ủy viên Hội Đồng Toàn Châu Âu về nhân quyền Michael O’Flaherty lên án luật mới của Anh « vi phạm sự độc lập của tư pháp ». Anh là thành viên của Hội Đồng Toàn Châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.