Vào nội dung chính
BỒ ĐÀO NHA - CÁCH MẠNG

Bồ Đào Nha: Kỉ niệm 50 năm cách mạng bất bạo động lật đổ chế độ độc tài

Cách nay đúng 50 năm, ngày 25/04/1974, nhiều quân nhân Bồ Đào Nha đã xuống đường tại thủ đô Lisboaa để chống lại chế độ độc tài. Cuộc đảo chính không đổ máu đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng, thường được gọi là cuộc Cách mạng Hoa cẩm chướng, lập nên chế độ dân chủ tại Bồ Đào Nha và chấm dứt 13 năm chiến tranh thực dân tại các vùng lãnh thổ châu Phi dưới sự đô hộ của Bồ Đào Nha.

Bồ Đào Nha tổ chức diễu binh kỉ niệm 50 năm cách mạng bất bạo động lật đổ chế độ độc tài, Lisboa, Bồ Đào Nha, ngày 25/04/2024.
Bồ Đào Nha tổ chức diễu binh kỉ niệm 50 năm cách mạng bất bạo động lật đổ chế độ độc tài, Lisboa, Bồ Đào Nha, ngày 25/04/2024. REUTERS - Pedro Nunes
Quảng cáo

Người dân Bồ Đào Nha nay vẫn gắn bó với tinh thần của cuộc cách mạng bất bạo động. Phóng sự của thông tín viên Marie-Line Darcy từ Lisboa về dịp kỉ niệm 50 năm thay đổi lịch sử này :

‘‘Grandola là một trong các ca khúc báo hiệu cho cuộc đảo chính quân sự ngày 25 tháng 4 năm 1974. Các cuộc chiến tranh thực dân tại châu Phi bị sa lầy là tác nhân trực tiếp làm bùng lên cuộc đảo chính quân sự. Đối với Carla, ngày 25/04 là một ngày giải phóng, bởi cha của Carla Santos là một trong hàng nghìn binh sĩ bị đưa đến các vùng lãnh thổ hải ngoại của Bồ Đào Nha, mà nhà độc tài Salazar không công nhận nền độc lập.

Carla nói : ‘‘Chiến tranh thực dân là hoàn toàn vô ích. Tất cả những bạo lực đó thực sự không mang lại ý nghĩa gì đối với người dân Bồ Đào Nha chúng tôi, cũng như đối với người Angola, người Mozambic, người São Tomé. Cuộc chiến đó thực là tàn bạo !’’

Người dân châu Phi nói tiếng Bồ Đào Nha cũng cảm thấy gắn bó với ngày 25/04. Inocencia Mata, một nhà nghiên cứu ở Đại học Lisboa, gốc São Tomé,  phụ trách một triển lãm về các bộ sưu tập ảnh gia đình của người Bồ Đào Nha gốc São Tomé, nhận định : ‘‘Đó là thời điểm của tự do, thời điểm trở lại của nhân phẩm, của sự tôn trọng bản sắc văn hóa của mỗi người, đối với cư dân các thuộc địa cũ cũng như chính người Bồ Đào Nha. Chính vì vậy, tôi luôn xuống đường vào ngày 25/04 hàng năm’’. 

50 năm sau, các giá trị của cuộc cách mạng tháng Tư, giá trị của tự do, của nền dân chủ vẫn in đậm trong xã hội Bồ Đào Nha, trong lúc người dân Bồ Đào Nha ngày càng lo ngại về ảnh hưởng gia tăng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.’’

Cuộc cách mạng được đặt tên là ‘‘Hoa cẩm chướng’’ bởi nhiều người dân vào thời điểm đó đã trao những bông hoa mùa xuân cho những người lính tham gia đảo chính, và hoa cũng được cắm lên nòng súng. Theo sử gia Maria Inacia Rezola, hình tượng Hoa cẩm chướng mang lại một ý nghĩa lãng mạn và thi vị cho cuộc cách mạng bất bạo động ngày 24/04/1974.

Cho đến nay, 65% dân Bồ Đào Nha xem cuộc cách mạng 25/04 là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Bồ Đào Nha, hơn cả cái mốc 1986, khi quốc gia này gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, và năm 1910, năm cáo chung của nền quân chủ.

Trên thực tế, giai đoạn cách mạng chỉ thực sự kết thúc ngày 25/11/1974, với cuộc can thiệp quân sự của tướng Antonio Ramalho Eanes, sau nhiều tháng căng thẳng đẩy Bồ Đào Nha đến bờ vực nội chiến. Vị tướng này đã trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Bồ Đào Nha trong cuộc bầu cử năm sau. Đảng Xã Hội đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội lập hiến ngày 25/04/1975.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.