Vào nội dung chính
MỸ - TRUNG QUỐC - TIKTOK

Mỹ siết chặt « vòng vây » nhắm vào TikTok : Việc chuyển nhượng có dễ thực hiện ?

Cuộc chiến giữa chính quyền Mỹ và mạng xã hội TikTok của Trung Quốc  bước sang một chương mới. Sau khi được hai viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua, ngày 24/04/2024 dự luật yêu cầu TikTok cắt đứt quan hệ với ByteDance, công ty mẹ ở Trung Quốc, đã được tổng thống Joe Biden phê chuẩn. TikTok có 9 tháng, tối đa là 1 năm, để đáp ứng yêu cầu của chính quyền Mỹ. Nếu không, mạng xã hội với 170 triệu người dùng tại Mỹ, với 2/3 là trẻ vị thành niên, sẽ bị cấm tại Hoa Kỳ.

Tại Mỹ, số người dùng mạng xã hội TikTok là 170 triệu người.
Tại Mỹ, số người dùng mạng xã hội TikTok là 170 triệu người. © TikTok
Quảng cáo

Tại sao Mỹ lại kiên trì, nhất quyết nhắm tới TikTok ?

Chính quyền Mỹ đặc biệt lo ngại về nguy cơ rò rỉ dữ liệu vào tay đối thủ Trung Quốc. ByteDance đã triển khai chương trình « Project Texas » nhằm lưu trữ nghiêm ngặt thuật toán và các dữ liệu của người dùng Mỹ trong các máy chủ của công ty Oracle đặt ngay tại Hoa Kỳ, với chi phí mà họ tuyên bố là đã lên tới 1,5 tỷ đô la (1,38 tỷ euro). Thế nhưng, theo L’Express ngày 25/04, ngay trong tháng Tư này, một cuộc điều tra của cơ quan truyền thông Fortune đã tiết lộ rằng biện pháp phòng ngừa đó của TikTok chỉ là cái vỏ bề ngoài, các dữ liệu thực chất vẫn do công ty ByteDance đặt tại Trung Quốc kiểm soát. Nhật báo The Wall Street Journal hồi tháng 01/2024 khẳng định là các nhân viên của ByteDance ở Trung Quốc đã cập nhật thuật toán thường xuyên đến mức chương trình « Project Texas » không thể theo kịp.

L’Express dẫn lời Charles Thibout, nhà nghiên cứu liên kết với IRIS (Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược), chuyên gia về vai trò của các công ty kỹ thuật số xuyên quốc gia trong quan hệ quốc tế: « Đó là một nền tảng mà 1/3 số người trưởng thành Mỹ dưới 30 tuổi sử dụng để tìm kiếm thông tin. Và đó là một mạng lưới khó quản lý hơn cả một công ty theo luật Mỹ ». Thượng nghị sĩ Pháp Claude Malhuret lưu ý đến bối cảnh « cạnh tranh mới trên thế giới về trí tuệ nhân tạo » và xem TikTok là một phương tiện để Trung Quốc thu thập lượng dữ liệu khổng lồ nhằm tập luyện cho các mô hình về trí thông minh nhân tạo.

Trong khi đó, trang France Info ngày 21/04 cho biết nhiều chính trị gia lo ngại là nền tảng TikTok giúp Trung Quốc do thám 170 triệu người dùng tại Mỹ. Thêm vào đó là mối lo Bắc Kinh tuyên truyền qua mạng TikTok, dù ByteDance đã nhiều lần phủ nhận việc chuyển thông tin cho chính quyền Trung Quốc và bảo đảm sẽ từ chối mọi yêu cầu có thể có liên quan đến vấn đề này. Lãnh đạo đảng Dân Chủ tại Hạ Viện, Hakeem Jeffries, giải thích vào tháng 3 là dự luật này « nhằm giải quyết các vấn đề chính đáng về an ninh quốc gia và bảo vệ dữ liệu liên quan đến mối liên hệ của đảng Cộng Sản Trung Quốc với một mạng xã hội ». Về phía đảng Cộng Hòa, dân biểu Michael McCaul tố cáo « TikTok là một con ngựa thành Troy hiện đại của đảng Cộng Sản Trung Quốc dùng để theo dõi, giám sát người dân Mỹ ».

Viện dẫn nguy cơ đối với an ninh quốc gia, chính quyền một số bang của Hoa Kỳ và chính phủ liên bang đã cấm các công chức cài đặt và sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị được dùng cho công việc. Quả thực, có những yếu tố khiến người ta tin rằng một số nhân viên của ByteDance tại Trung Quốc từng có thể truy cập vào dữ liệu của công dân Mỹ. Chính ByteDance hồi năm 2022 đã thừa nhận có 4 nhân viên của họ, trong đó có 2 người ở Trung Quốc, đã truy cập thông tin của người sử dụng Mỹ, trong đó có 2 nhà báo. Công ty mẹ của TikTok cho biết đã sa thải 3 trong số 4 nhân viên đó, người còn lại đã xin nghỉ việc.

Một cách lý giải khác, theo thượng nghị sĩ Claude Malhuret, tác giả một báo cáo của Ủy ban điều tra của Thượng Viện Pháp về mạng xã hội Tiktok: Vụ việc liên quan đến TikTok tại Mỹ là theo « logic », bởi lẽ đa phần các nền tảng của phương Tây từ lâu nay đã bị cấm trên thị trường Trung Quốc, gần đây nhất phải kể đến Threads, WhatsApp và Meta. Số phận của TikTok cũng phải như các tập đoàn Hoa Vi và ZTE của Trung Quốc, bị loại ra khỏi thị trường Mỹ vì bị cáo buộc làm gián điệp. 

Cũng có nhiều tiếng nói phản đối luật mới về Tiktok ?

Đúng vậy, ngay tại Mỹ cũng có « kẻ bênh, người chống ». Một số người có ảnh hưởng trên các mạng xã hội đã phản đối biện pháp của chính quyền Mỹ. Nathan Espinoza (@beowulftiktok), với gần 340.000 người đăng ký trên nền tảng TikTok, nói với AFP : « Họ nói TikTok là do nước ngoài kiểm soát, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng ».

Chủ nhân của mạng xã hội X, Elon Musk, cũng lên tiếng phản đối lệnh cấm này, nhân danh « tự do ngôn luận ». Theo France Info, trong phần bình luận dưới bài đăng của tỷ phú Elon Musk, người dùng mạng xã hội cũng lo ngại là lệnh cấm TikTok sẽ tạo tiền lệ, trao cho tổng thống Mỹ quyền khẳng định các ứng dụng khác là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Ngay cả Donald Trump cũng đã đổi ý, phản đối lệnh cấm, cho dù trước đây chính quyền Trump từng muốn giành quyền kiểm soát TikTok từ ByteDance hồi vào năm 2020, trước khi bị tòa án Mỹ ra phán quyết bác bỏ. Donald Trump, đối thủ của Joe Biden trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2024, nay lại cho rằng việc cấm TikTok sẽ càng củng cố sức mạnh của tập đoàn Meta, sở hữu mạng Instagram và Facebook, tập đoàn vốn bị ông Trump xem là « một kẻ thù của nhân dân ».

Trung Quốc phản ứng thế nào về việc chính quyền Mỹ nhắm vào TikTok ? 

Đương nhiên, chính quyền Trung Quốc có những phản ứng gay gắt. Vẫn theo France Info, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc hồi tháng 03/2024 từng chỉ trích một « phương pháp côn đồ, vô lại » của Mỹ nhắm vào Tiktok, cho rằng khi « an ninh quốc gia có thể được dùng làm cái cớ để tùy tiện loại bỏ những công ty thành công của các quốc gia khác » thì có nghĩa là « không còn bất kỳ sự công bằng hay công lý nào nữa ». Bắc Kinh xem đây là một « chiêu bảo hộ trá hình » của Washington để tạo thuận lợi cho các nền tảng của Mỹ, chẳng hạn Instagram. Theo nhà phân tích Jasmine Enberg của Emarketer, được AFP trích dẫn ngày 28/04, giải thích : « Thuật toán của TikTok có khả năng không gì sánh được về việc cho hiển thị nội dung phù hợp với từng người sử dụng », và hiện giờ không một nền tảng nào có được tiềm năng đó.

Về phía Tiktok, trong một thư ngỏ gửi đến AFP, một phát ngôn viên của mạng xã hội này cho rằng cấm TikTok tức là « xâm phạm quyền tự do biểu đạt » của 170 triệu người Mỹ, và luật cấm TikTok « sẽ tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng vốn dĩ đóng góp 24 tỉ đô la mỗi năm cho kinh tế Mỹ ». TikTok cũng đã dọa đưa vụ việc ra tư pháp Mỹ. Trước đây, tư pháp Mỹ cũng đã từng xử TikTok thắng trong một vụ tương tự hồi năm 2020 dưới thời tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, ByteDance, công ty mẹ của Tiktok, hôm 25/04 khẳng định « không dự định bán TikTok ». 

Kể cả khiByteDance chấp nhận, cũng không dễ chuyển nhượng Tiktok ?

TikTok có doanh thu 16 tỉ đô la/năm. Báo kinh tế Les Echos của Pháp ngày 25/04 trích dẫn CB Insights, cho biết TikTok có giá lên tới 225 tỉ đô la. CB Insights là công ty sở hữu một nền tảng phân tích thương mại và cơ sở dữ liệu quy mô thế giới, chuyên cung cấp thông tin thị trường liên quan đến các doanh nghiệp tư nhân và hoạt động của các nhà đầu tư. France Info nhắc lại là hồi năm 2020, ByteDance từng ấn định giá của TikTok là 60 tỉ đô la.

Hiện giờ chưa rõ giá chuyển nhượng, nếu có, của TikTok là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ không hề ít và không có nhiều công ty có khả năng tài chính mua lại. Giới quan sát nhận định chỉ những tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (Big Tech) mới đủ khả năng đầu tư.

Tuy nhiên, có lẽ không phải công ty nào cũng muốn mua lại TikTok, bởi việc ByteDance không bán được TikTok sẽ có lợi cho những tập đoàn công nghệ như Meta, Google, vốn cũng sở hữu những nền tảng video riêng, hơn là so với việc các tập đoàn này mua lại TikTok rồi phải đối mặt với các thử thách thương mại.

Về phía Trung Quốc, theo Les Echos, không chắc Bắc Kinh sẽ cấp phép khai thác thuật toán của TikTok, nếu mạng xã hội này được chuyển nhượng cho một công ty Mỹ. Và nếu thiếu thuật toán đó, TikTok sẽ không còn như TikTok hiện nay. Một khả năng khác là Trung Quốc cấm ByteDance bán TikTok.

Nếu như đến ngày 25/04/2025, TikTok vẫn còn thuộc sở hữu của ByteDance thì mạng xã hội này sẽ biến mất khỏi kho ứng dụng của Apple và Google, người dùng cũng không thể cập nhật TikTok được nữa. Nói cách khác, ứng dụng này sẽ dần dần lụi tàn ở Hoa Kỳ, trừ khi ByteDance quyết định đóng cửa hoàn toàn TikTok tại Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.