Vào nội dung chính
NAM PHI

Bất công và khuyết tật của nền dân chủ đa chủng tộc Nam Phi

19 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt, đây là lần thứ hai các thành viên của quốc gia đa chủng tộc này lại có dịp hòa chung cảm xúc trong một ngày hội thể thao quốc tế.

Quảng cáo

Đúng một tuần nữa giải Bóng đá thế giới sẽ khai mạc tại Nam Phi. Nhật báo Libération dành trọn số hôm nay cho đất nước cầu vồng. 19 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt, đây là lần thứ hai các thành viên của quốc gia đa chủng tộc này lại có dịp hòa chung cảm xúc trong một ngày hội thể thao quốc tế.

Lần thứ nhất là năm 1995, khi Tổng thống Nelson Mandela đi xuống đấu trường Ellis Park trao cúp vàng bóng bầu dục cho đội Sprinboks. Với sứ mệnh hòa giải dân tộc, nhà lãnh đạo da đen chống phân biệt chủng tộc rất được ngưỡng mộ này lần đầu tiên khoác lên mình chiếc áo may ô màu xanh của đội tuyển bóng bầu dục, biểu tượng số một của chế độ phân biệt chủng tộc. 15 năm sau, một lần nữa bóng đá, môn thể thao vô cùng ưa thích của người da đen, lại tiếp tục truyền đi niềm hy vọng đoàn kết tất cả mọi người trong xã hội Nam Phi.

Với tựa đề « Nam Phi hy vọng đặt vào World Cup », thông tín viên của Libération tại Johannesburg, thành phố lớn nhất nước, gửi về bài tường thuật. Để thể hiện sự hưởng ứng của các thành viên trong xã hội đối với sự kiện này, chính quyền Nam Phi yêu cầu tất cả treo quốc kỳ Nam Phi, xanh da trời-đỏ-xanh lục-vàng, khắp mọi nơi, tại nhà, trên các phương tiện giao thông.

Ngay trước khi giải mở màn, vào mỗi ngày thứ sáu, được gọi là « ngày thứ sáu Fifa », tất thảy mọi người cả da đen lẫn da trắng mang trên mình chiếc áo màu vàng của đội Bafana-Bafana, đội tuyển bóng đá quốc gia Nam Phi, lúc đi làm, khi đi học, khi đi chợ. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tuyên bố : « Hơn bao giờ giải Bóng đá thế giới đoàn kết mọi người Nam Phi đến như vậy ».

Nam Phi đã bỏ ra 3 tỷ đô la để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. Đây là chi phí cao nhất từ trước đến nay. Theo một phỏng vấn của Fifa, 89% người Nam Phi hy vọng World Cup sẽ để lại các lợi ích lâu dài cho đất nước. Theo đánh giá của công ty kiểm toán Grant Thornton, giải sẽ mang lại cho Nam Phi hơn 9 tỷ đô la.

Trên bức tranh sáng màu này, thoáng hiện lên một vài nét tối. Số khách du lịch đến dự giải ít hơn dự kiến. Chỉ có từ khoảng 250 nghìn đến 400 nghìn so với nửa triệu. Những người bán hàng rong giận dữ, vì theo quy tắc của Fifa họ sẽ bị đẩy lùi ra khỏi khu vực các sân vận động một cây số. Một số nghiệp đoàn đã đe dọa tổ chức bãi công để gây sức ép lên chính phủ trong thời gian các thương thuyết đang diễn ra.

Cũng từ Johannesburg, đặc phái viên của Libération gửi về bài phóng sự viết về biệt khu nổi tiếng của người da đen, thành phố Soweto. Chính tại thành phố này, sẽ diễn ra trận khai mạc và trận chung kết của giải Vô địch bóng đá thế giới. Đây là một trong những nơi hiếm hoi tại Nam Phi mà những người da đen nghèo và giàu sống cạnh nhau. Đây chính là nơi ra đời của phong trào khơi dậy ý thức của người da đen. Thành phố Soweto, theo một nhà doanh nghiệp địa phương, là nơi tốt nhất để hiểu được tinh thần của xã hội Nam Phi. Tại sân vận động thành phố, trong đợt nghỉ tuần trước đã diễn ra trận chung kết bóng bầu dục, môn thể thao ưa thích của người da trắng. Theo sơ Francis người Ailen, dạy tại trường Công giáo tư thục của thành phố, môn thể thao này đã tác thành cho việc hòa giải dân tộc. Bà hy vọng quá trình này sẽ tiếp tục. Tỏ ra tin tưởng vào những người Nam Phi, nhưng sơ cho biết bà nghĩ rằng sẽ không bao giờ có chuyện người da trắng đến sinh sống tại Soweto.

Dưới bề ngoài của một quốc gia vô cùng đoàn kết trong ngày hội bóng đá, theo ông Adam Habib, giáo sư chính trị học tại Đại học Johannesburg, mặc dù chế độ phân biệt chủng tộc đã chấm dứt, và nền dân chủ đa chủng tộc đã hình thành, nhưng các bất công xã hội vô cùng trầm trọng. Thái độ phân biệt chủng tộc tồn tại ở cả người da trắng và người da đen. Phần lớn người da trắng ra trường tìm được dễ hơn người da đen. Trong khi đó chính sách ưu tiên người da đen của chính phủ cũng làm tăng thêm các căng thẳng xã hội. Một số người da đen cho rằng, chính quyền và xã hội đã nói quá nhiều về hòa giải dân tộc, nhưng làm không nhiều để xã hội công bằng hơn.

Đối với nhà chính trị học Achille Mbembe quốc tịch Cameroon, giảng dạy tại Nam Phi, đây là quốc gia duy nhất tại châu Phi đã trải qua cuộc cách mạng công nghiệp, và đón nhận rất nhiều luồng di cư trên khắp thế giới. Nam Phi vẫn còn là một phòng thí nghiệm cho một xã hội hiện đại tại châu Phi. Để vươn lên đảm nhiệm một tiếng nói quốc tế thực sự, Nam Phi cần khẳng định như một « nhà nước xuyên dân tộc » có khả năng chuyển tải được « tinh thần hiện đại dựa trên nền tảng văn hóa Phi Châu rộng mở ». Tuy nhiên, theo ông, nhược điểm căn bản nhất của Nam Phi là thiếu trí tưởng tượng và sáng tạo, nhất là sau khi tổng thống Thabo Mbeki buộc phải ra đi. Chính quyền của ông Jacob Zuma hiện nay rất yếu kém về trí tuệ và đã bị mất đi rất nhiều hào quang, được thừa hưởng từ nhân vật huyền thoại Nelson Mandela. Nhà chính trị học người Cameroon không tin rằng giải Vô địch bóng đá thế giới này có thể phục hồi lại được cho chính quyền hiện nay vầng hào quang quá khứ này.

Tại Cap, thành phố lớn thứ hai Nam Phi, nổi tiếng tự do, Libération cho biết các căng thẳng chủng tộc vẫn còn rất nặng. Nhiều người mang nhiều dòng máu của các chủng tộc khác nhau, chiếm đến 44% dân số thành phố, cảm thấy trong chế độ dân chủ đa chủng tộc hiện nay họ vẫn bị phân biệt đối xử. Ông Angelo Van Wyk cho biết, nếu như trước kia cộng đồng này cảm thấy mầu da mình không đủ trắng để được đối xử bình đẳng, thì hiện nay lại không đủ đen để được như vậy. Trong khi đó, nhiều triệu phú da đen mới nổi lên than phiền vì bị phân biệt đối xử một cách tinh vi.

« 5 triệu đô la tiền quảng cáo, cái giá phải trả cho lòng tự hào dân tộc », là tựa đề bài viết của nhà văn Mark Gevisser. Theo nhà văn, nếu như khát vọng tột bực của Nam Phi dựa trên cuộc đấu tranh một mất một còn để giải phóng khỏi chế độ apartheid, và sau đó là sự tha thứ và hòa giải, đã gặt hái được thành công, thì hiện nay chính khát vọng tột bực đó đã để lại một hệ quả đặc biệt. Đó là trạng thái tâm lý chính trị vừa hưng cảm, vừa trầm cảm. Được ăn cả, ngã về không. Tức là, nếu không trở thành một quốc gia với các thành công thần thoại, người Nam Phi thường tự phỉ nhổ mình như là một trong những đất nước tồi tệ nhất của châu Phi. Nhà văn Mark Gevisser cho rằng, thay vì dốc tiền vào các hoạt động hoành tráng như giải Vô địch bóng đá thế giới, quốc gia này nên tiến hành các thay đổi một cách từ từ.

Hợp pháp hóa cannabis, cuộc tranh luận ngày càng được nhiều nước quan tâm

Nhật báo Le Monde hôm nay, trên trang kinh tế có loạt bài về tình hình sử dụng cần sa hiện nay trên thế giới và các tranh luận xung quanh vấn đề này.

Hơn mười năm sau tuyên bố của các đại diện cộng đồng quốc tế tại Liên Hiệp Quốc (1998), về một thế giới không có ma túy, với dự án cơ bản triệt tiêu việc trồng và tiêu thụ ma túy trong vòng mười năm, Le Monde nhận định cuộc chiến chống ma túy đã thất bại trên mọi phương diện.

Hiện nay khá nhiều quốc gia đã thừa nhận cần sa. Đây là chất ma túy được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, trên các mức độ khác nhau, từ cho phép dùng trong trị liệu đến việc cho phép trong các giới hạn nhất định. Tại bang California, đã diễn ra một biến chuyển mà tờ báo gọi là « cách mạng ». Cuối tháng ba vừa qua, để bù lấp thâm hụt ngân sách khổng lồ, chính quyền địa phương đã tuyên bố sẽ tổ chức vào tháng 11 tới một cuộc trưng cầu dân ý về việc hợp pháp hóa, đánh thuế và điều chỉnh việc sử dụng cần sa. 65% cử tri California ủng hộ giải pháp này.

Tại Hoa Kỳ, năm 2006, 750 nghìn người đã bị bắt vì mang cần sa. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều người ủng hộ việc hợp pháp hóa chất ma túy này, vì cho rằng chống lại nó, chỉ có lợi cho các tổ chức tội phạm. Mặc khác, việc hợp pháp hóa ma túy này rất có lợi về kinh tế. Theo đánh giá của Jeffrey A. Miron, kinh tế gia tại đại học Havard, biện pháp này có thể mang lại cho Nhà nước liên bang 25 tỷ đô la.

Thực tế là, việc sử dụng cần sa đã tăng lên trên khắp nơi mọi, bất chấp mọi cấm đoán. Quá trình hợp pháp hóa cần sa đang từ từ diễn ra. Năm 2009, Mehico và Achentina quyết định không trừng phạt những người buôn bán nhỏ loại ma túy này. Brazil cũng không còn bỏ tù những người tiêu thụ nữa.

Còn tại Pháp, trả lời phỏng vấn Le Monde, nhà xã hội học Michel Kokoreff, Đại học Nancy II, cho biết vấn đề ma túy được nhìn nhận chủ yếu như vấn đề đạo đức chứ không phải vấn đề thực tiễn. Đưa ra con số 800 nghìn người bị bắt vì sử dụng ma túy từ năm 2002 đến năm 2009, với 3 nghìn euro cho một vụ bắt giữ, tổng chi phí lên đến từ 3 tỷ đến 6 tỷ euro. Ủng hộ việc hợp pháp hóa ma túy, ông Kokoreff cho rằng cần phải đưa vấn đề này ra tranh luận.

Nghiên cứu về các tác động của cần sa đến sức khỏe còn rất ít. Theo nghiên cứu của Viện sức khỏe và y tế Pháp năm 2001, được cập nhật năm 2004, việc sử dụng chất này có thể là một tiền đề cho bệnh tâm thần phân liệt. Việc sử dụng đều đặn cần sa có thể gây ra các rối loạn trí nhớ và gây thiểu năng trí tuệ. Theo giáo sư Michel Reynaud, tác giả cuốn « Cannabis và sức khỏe », dùng cannabis sẽ gây ra một hội chứng mất động cơ sống, thể hiện qua sự thờ ơ với học tập và hoạt động xã hội. Theo Ủy ban liên bộ chống ma túy của Pháp, dùng kèm cần sa với thuốc lá có khả năng gây ung thư phổi sớm hơn so với việc chỉ hút thuốc lá.

Vở nhạc kịch « Những người khốn khổ » phiên bản tiếng Anh trở lại Paris 25 năm sau khi ra đời

Để kết thúc mục điểm báo, chúng tôi giới thiệu bài viết về vở nhạc kịch « Những người khốn khổ » quay trở lại công diễn tại Paris trên La Croix. Kỷ niệm 25 năm ra đời phiên bản tiếng Anh do Sir Camero Mackintosh phụ trách, vở nhạc kịch này trở lại Paris công diễn cho đến ngày 4 tháng 7. Trong lịch sử nhạc kịch, đây là một tác phẩm được xem nhiều nhất trên thế giới, với 56 triệu người xem, 10 nghìn buổi diễn tại 42 nước và 300 thành phố, bằng 21 tiếng khác nhau.

Vở diễn kéo dài hơn ba giờ, các phông cảnh nền của vở nhạc kịch được khởi hứng từ chính các họa phẩm của Victor Hugo, vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Các khung cảnh gợi nên không khí lãng mạn, u ám và chao đảo trong « Những người khốn khổ ». Dàn diễn viên đã nhiều năm gắn với vai diễn rất được hâm mộ. Phiên bản tiếng Anh của vở nhạc kịch « Những người khốn khổ », dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn thiên tài Victor Hugo, là một tác phẩm sân khấu lạ thường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.