Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nam Phi kỳ vọng vào Cúp bóng đá Thế giới 2010

Đăng ngày:

Là quốc gia đầu tiên của châu Phi được vinh dự tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới, Nam Phi đang kỳ vọng rất nhiều vào sự kiện thể thao này để để thực sự cất cánh. Là lá phổi kinh tế, kinh đô tài chính của châu Phi, là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng gần một nửa dân số Nam Phi còn sống dưới ngưỡng nghèo khó.

Reuters
Quảng cáo

20 năm trước đây, Nam Phi còn là một quốc gia bị cộng đồng quốc tế tẩy chay để phản đối chính sách phân biệt chủng tộc do một thiểu số người da trắng nắm quyền. Cục diện quốc gia này đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi nhà đấu tranh vì quyền lợi của người da đen, Nelson Mandela được trả tự do năm 1990.

Tiếp theo đó là hồi chuông báo tử của chế độ partheid sau cuộc tuyển cử tự do và dân chủ đầu tiên năm 1994, là một chu kỳ thịnh vượng kinh tế kéo dài suốt 15 năm qua. Đà tăng trưởng đó chỉ bị chựng lại vào ba tháng cuối 2008, khi toàn thế giới phải đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất từ sau Thế chiến thứ hai.

Tiềm năng lớn của Nam Phi

Nam Phi hiện là nền kinh tế lớn nhất của châu Phi với tổng sản phẩm nội địa 280 tỷ đô la. Trong số 20 công ty nặng ký nhất của châu Phi, 14 đơn vị thuộc Nam Phi.

Song song với đà vươn lên ấy, vai trò chính trị của Nam Phi trên trường quốc tế ngày càng lớn mạnh : Nam Phi đã nhiều lần đứng ra đóng vai trò trung gian để giải quyết xung đột giữa các nước châu Phi, tham gia các chiến dịch duy trì hòa bình dưới màu cờ Liên Hiệp Quốc, và gần đây nhất là Pretoria tham gia G20, câu lạc bộ các quốc gia có trọng lượng kinh tế đáng kể nhất trên hành tinh.

Với diện tích lớn hơn gấp đôi so với Pháp, mở ra Đại Tây dương và Ấn Độ Dương, Nam Phi là một quốc gia giàu về tài nguyên thiên nhiên. Nam Phi là nhà sản xuất platine số 1 của thế giới, là nguồn cung cấp vàng quan trọng hàng thứ ba trên hành tinh và đứng thứ tư về khối lượng kim cương tung ra địa cầu.

Điểm mạnh của nền công nghiệp nước này tập trung vào khu vực khai thác quặng mỏ, ngành công nghệ xe hơi và chế biến thực phẩm. Nhưng do hạ tầng cơ sở yếu kém, Nam Phi lại phụ thuộc nhiều vào năng lượng của nước ngoài.

Kể từ khi chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc năm 1994, tăng trưởng trung bình hàng năm của quốc gia này ở vào khoảng 5%. Đấy chính là yếu tố giúp cộng đồng người da đen nhanh chóng làm giàu.

Trong hai mươi năm qua, mạng lưới kinh tế nước này đã có những bước tiến rất dài trong nhiều lĩnh vực. Trong ngành tài chính chẳng hạn, Johannesburg trở thành một trong số 20 sàn chứng khoán quan trọng nhất trên thế giới, được mệnh danh la "kinh đô tài chính" của toàn châu Phi.

Một phép màu khác là Nam Phi đã không bị cuốn vào cơn bão tài chính 2008-2009, nhờ vào một hệ thống ngân hàng lành mạnh. Khác hẳn với châu Âu và châu Mỹ, chính quyền Pretoria đã không phải chi ra đồng nào để mua lại các khoản nợ khó đồi của các nhà băng.

Thất nghiệp -SIDA và phạm pháp

Tuy vậy, quý tư 2008 cũng là thời điểm đen tối đối với nền dân chủ đa chủng tộc còn non trẻ này : năm ngoái, Nam Phi đã phải cho gần 900 ngàn nhân viên nghỉ việc. Bất chấp công cuộc chuẩn bị Cúp Bóng đá Thế giới, trong 5 tháng đầu năm nay, Nam Phi đã sa thải 170 ngàn người lao động.

Nạn thất nghiệp trên quê hương ông Nelson Mandela ở vào bậc nhất thế giới : Theo thống kê chính thức tỷ lệ người không có việc làm lên tới hơn 23%, nhưng theo thẩm định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OCDE trên thực tế có đến 43% số người trong tuổi lao động không có việc làm và có đến 30% dân số Nam Phi trong tình trạng suy dinh dưỡng.

Nam Phi là nơi có số người bị nhiễm siêu vi HIV cao nhất thế giới ( một phần sáu số người bị SIDA trên toàn cầu).

Một nhược điểm khác của quốc gia đang trỗi dậy này là tệ nạn xã hội, tỷ lệ phạm pháp thuộc hạng cao nhất thế giới. Đến nay, hình ảnh của Nam Phi gắt liền với ba con số : mỗi năm xảy ra 20 ngàn án mạng, 120 ngàn vụ cướp và 55 ngàn vụ hiếp dâm.

Cúp Bóng đá Thế giới là cô hội ngàn năm một thuở để Pretoria trưng ra với cộng đồng quốc tế một bộ mặt khác của Nam Phi, đồng thời sự kiện này cũng mang lại cho đất nước với gần 50 triệu dân này một niềm hy vọng mới

Nam Phi và Cúp bóng đá Thế giới

Nam Phi đã chi ra ít nhất 4 tỷ euro để chuẩn bị cho mùa bóng đá thế giới năm nay và đang kỳ vọng gặt hái được nhiều thành tựu.Nhà nước đã dành ra ba tỷ rưỡi euro để xây dựng hạ tầng cơ sở, trong số này phải kể đến việc xây dựng năm sân vận động vừa được khánh thành, trùng tu lại năm sân cỏ khác, nâng cấp các sân bay quốc tế, xây dụng hệ thống cầu đường, đưa vào hoạt động một đường xe lửa cao tốc, tuyển dụng và đào tạo thêm 44 ngàn nhân viên cảnh sát.

Ngoài ra chín thành phố tiếp đón các đội bóng quốc tế năm nay cũng đã chi ra trên dưới một tỷ euro để tô điểm lại bộ mặt thành phố.

Để đổi lại, theo thẩm định của văn phòng cố vấn Grant Thornton, cúp bóng đá mang lại 0,5% GDP cho Nam Phi. Chỉ riêng sự kiện thể thao này tạo được công việc làm cho từ 700 000 đến một triệu người. Đây là một thành tựu cũng không nhỏ khi biết rằng, hai người trên năm trong tuổi lao động không có việc làm.

Từ nay cho đến ngày khai mạc Cúp Bóng đá Thế giới, hơn 30 đội tuyển quốc gia, báo chí, du khách… sẽ lần lượt quy tụ về Nam Phi và theo thẩm định của Grant Thornton, trong một tháng diễn cúp bóng đá thế giới, khách nước ngoài sẽ đem lại cho Nam Phi khoảng 9 tỷ euro.

Điều nằm ngoài dự trù của nước chủ nhà có lẽ là lượng du khách sẽ thấp hơn mong đợi. Bộ Du lịch Nam Phi cho biết hiện mới chỉ có khoảng 300 000 người đăng ký, trong lúc ban tổ chức chờ đợi đến gần nửa triệu người hâm mộ, nhân dịp này tham quan đất nước của ông Nelson Mandela.

Theo giới trong ngành, một trong những nhược điểm của Nam Phi là do nằm tận Nam bán cầu, giá vé máy bay thường quá đắt so với túi tiền của giới yêu thích bóng đá. Thêm vào đó là lo ngại đối với một quốc gia có tỷ lệ tội phạm, mất an toàn cao.

Theo giám đốc tiếp thị của tập đoàn khách sạn quốc tế Sun, đứng đầu 37 khách sạn lớn ở Nam Phi, về phương diện du lịch, tác động của cúp bóng đá đối với nước chủ nhà năm nay không đáng là bao.

Dù vậy Pretoria vẫn tỏ ra lạc quan về tác động lâu dài Cúp Nam Phi 2010 : liên tục trong một tháng kể từ lễ khai mạc ngày 11/6, ngày nào hình ảnh của Nam Phi cũng được truyền đi khắp thế giới.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từng tuyên bố sự kiện thể thao này sẽ vĩnh viễn làm thay đổi hình ảnh của Nam Phi trong mắt cộng đồng quốc tế.

Mặt trái của chiếc mề đay

Pretoria đã có rất nhiều nỗ lực để tô điểm lại hình ảnh của Nam Phi, nhưng để có đất xây dựng sân vận động, mở rộng đường, thì chính quyền cũng đã phải di dời nhiều hộ gia đình đi nơi khác.

Chính sách tái định cư của Nam Phi đưa họ về những khu nhà ổ chuột, mà điển hình là khu township Blikkiesdorp, nơi mà hiện có khoảng 15 ngàn người sinh sống. Đây là một bãi rác nằm sát cạnh phi trường quốc tế của Cap Town : sáu hay bảy nguời sống trong một căn chòi ọp ẹp lợp tôn đơn sơ, dơ dáy, chỉ rộng khoảng 18 thước vuông. Những đứa trẻ chào đời ở Blikkiesdorp không hề có khai sinh. Đây cũng là nơi vi trùng lao và siêu vi HIV hoành hành.

Trả lời tờ báo Anh Quốc The Guardian, bà Sandy Rossouw, một phụ nữ 42 tuổi, trước đây sống cách khoảng 200 thước sân vận động Green Point Stadium , ở Cap Town. Bà bị đuổi khỏi nhà vì cúp bóng đá thế giới và bây giờ bà bị đưa về Blikkiesdorp, nơi mà người ta phải đi bộ đến ba giờ đồng hồ mới tới một thị trấn gần đó để mua được một khúc bánh mì.

Sandy tự hỏi tại sao chính phủ Nam Phi lại không dành ra số tiền ba, bốn tỷ euro để cải thiện đời sống cho người dân, xây cho họ một căn nhà tươm tất, thay vì xây sân vận động để rồi một khi cúp bóng đã đi qua, thì Nam Phi lại còn phải bảo trì công trình đó ?

Phải đợi thêm nhiều tháng nữa mới biết được Cúp Bóng đá Thế giới mang lại những thành tựu cụ thể nào cho kinh tế Nam Phi, nhưng dù muốn dù khống, sự kiện thể thao quốc tế này không thể là chiếc đũa thần làm tan biến tất cả những thách thức đang đặt ra cho chính quyền Pretoria. Chỉ biết trước rằng nếu tổ chức thành công, người dân ở vùng Nam bán cầu này, bất luận đen hay trắng, giàu hay nghèo, cũng sẽ tự hào khi thấy Nam Phi là quốc gia đầu tiên trên toàn châu lục đang viết nên một trang sử của bóng đá quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.