Vào nội dung chính
NAM PHI 2010

An ninh cho Cúp bóng đá thế giới, mối đau đầu của Nam Phi

Trong thời gian tổ chức Cúp bóng đá thế giới, Nam Phi là quốc gia có tỷ lệ cảnh sát tính theo đầu người cao nhất thế giới, 186 000 cảnh sát cho 46 triệu dân. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn nhân viên bảo vệ thuộc các công ty tư nhân cũng được huy động.

Cảnh sát Nam Phi luyện tập chống cướp tại Sandton, ngày 17/05/2010
Cảnh sát Nam Phi luyện tập chống cướp tại Sandton, ngày 17/05/2010 Ảnh: REUTERS
Quảng cáo

Ngoài mối đe dọa khủng bố, nguy cơ gây rối, bạo động của các cổ động viên hooligan từ nước ngoài tới, chính quyền Nam Phi còn phải đối phó với nạn trộm cắp, cướp giật, trấn lột có vũ trang.

Cách nay sáu năm, khi Nam Phi được lựa chọn đứng ra tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2010, đã có nhiều tiếng nói bầy tỏ lo ngại về khả năng tổ chức và đặc biệt là vấn đề an ninh của nước này. Theo một nghiên cứu về mức độ cạnh tranh trên thế giới do Học viện Quốc tế Phát triển Quản trị Thụy Sĩ thực hiện, được tạp chí The Economist trích dẫn, thì Nam Phi đứng hàng đầu trong số 133 quốc gia nguy hiểm nhất về tội phạm. Theo số liệu chính thức, tính trung bình, mỗi ngày có 50 vụ giết người, 100 vụ cưỡng hiếp, 330 vụ trấn lột có vũ trang và 550 vụ đánh nhau, xô xát bạo lực.

Theo web site swissinfo.ch của Thụy Sĩ, từ tháng tư năm 2008 đến tháng ba năm 2009, tại Nam Phi, hơn 18 000 người đã thiệt mạng do bạo lực. Cũng trong thời gian nói trên, số vụ trộm cắp trong các xí nghiệp tăng 108% và đột nhập lấy trộm, trấn lột có vũ trang tại tư gia tăng 44%. Còn các vụ móc túi, cướp giật trên đường phố thì nhiều vô kể và khó thống kê nếu nạn nhân không đi trình báo cảnh sát.

Chính vì vậy, trong dịp Cúp bóng đá thế giới, chính quyền Nam Phi đã tuyển dụng thêm 45000 nhân viên an ninh, chi ra hơn 120 triệu € để mua thêm trực thăng, các thiết bị chống bạo động. 56 toà án đặc biệt được lập ra để có thể nhanh chóng xét xử những hành vi phạm tội liên quan đến Cúp bóng đá thế giới.

Đầu tháng sáu này, ông Nathi Mthethwa, bộ trưởng phụ trách ngành cảnh sát tuyên bố là Nam Phi sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, từ những vụ trộm cắp lặt vặt cho đến những hành vi tội phạm của các băng đảng. Nhưng ông cũng nói thêm là cho dù cảnh sát có hiện diện đông đảo đến đâu thì cũng khó ngăn chặn được hết những kẻ tội phạm tấn công du khách.

Ông bộ trưởng Nam Phi có lý khi thận trọng như vậy.

Hôm thứ ba, ngày 08/06, bốn nhà báo Trung Quốc bị trấn lột ngay tại thành phố Johannesburg. Những tên cướp có vũ trang đã tấn công chiếc xe hơi chở các nhà báo, lấy tiền bạc, máy ảnh. Sau vụ này, một nhà báo Trung Quốc dặn các đồng nghiệp là khi đi xe hơi thì tuyệt nhiên không được hạ kính xe vì bất kỳ lý do gì. Khi ra khỏi xe, phải rất chú ý, để tất cả các đồ đạc trong cốp xe.

Công sứ Trung Quốc ở Johannesburg bổ xung, không nên phô trương sự giàu có, hạn chế tối đa dùng tiền mặt. Các phóng viên khi giơ máy ảnh lên chụp cũng phải nhìn trước nhìn sau, đề phòng bị cướp giật và bảo đảm an toàn tính mạng.

Rạng sáng ngày mồng 09/06, kẻ trộm có vũ trang đã “tới thăm” hai nhà báo Bồ Đào Nha và một phóng viên người Tây Ban Nha, tại một khu nhà thuê sang trọng ở phía tây bắc Johannesburgsang. Nhà báo Bồ Đào Nha Antonio Simoes kể lại là khi ông tỉnh giấc thì thấy hai kẻ trộm trong phòng. Một kẻ dí súng vào đầu ông và bắt ông im lặng. Kẻ kia lục soát và lấy đi tất cả tiền bạc, quần áo, máy ảnh, hộ chiếu. Đại diện cảnh sát Nam Phi thì chỉ biết an ủi các nạn nhân là rất may trong vụ này, không có ai bị thương.

Ông Johan Burger, nguyên là cảnh sát, hiện làm tại Viện Nghiên Cứu An Ninh, ISS, một tổ chức độc lập có uy tín tại Nam Phi khẳng định là chính quyền nước này đã làm hết sức mình để bảo đảm an ninh, nhưng ông cũng khuyên các du khách nước ngoài phải rất cảnh giác, đặc biệt là ở những khu phố lân cận với các sân vận động. Các cổ động viên không nên mặc áo mầu sắc của đội tuyển, vì dễ bị nhận diện, kẻ cắp đeo bám, bởi vì các vụ móc túi, cướp giật đồ đạc trên đường phố chiếm tới 60% các vụ cướp, trấn lột có vũ trang.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.