Vào nội dung chính
NAM PHI 2010

Nam Phi, tủ kính bạc tỷ của bóng đá thế giới

Hôm nay, 11/06/2010, Cúp Bóng Đá Thế Giới lần thứ 19 khai mạc tại Nam Phi. Đây là lần đầu tiên, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh được tổ chức tại châu lục đen. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy trên trang nhất : Nam Phi, tỷ kính bạc tỷ của bóng đá thế giới. »

Cổ động viên Nam Phi trước giờ khai mạc Cúp Bóng Đá Thế Giới 2010
Cổ động viên Nam Phi trước giờ khai mạc Cúp Bóng Đá Thế Giới 2010 Ảnh: Reuters
Quảng cáo

Ngoài ý nghĩa biểu tượng, Cúp Bóng Đá Thế Giới còn là một thách thức kinh tế có tầm cỡ đối với nước tổ chức, đối với Liên đoàn bóng đá quốc tế, FIFA. Các con số sau đây tự nó nói lên điều này : Kinh tế Nam Phi có thể hưởng lợi 10 tỷ €. FIFA sẽ có thu nhập khoảng 2,7 tỷ €. Đó là chưa kể những khoản lợi về sau, ví dụ quảng bá cho hình ảnh Nam Phi qua đó phát triển du lịch.

Trong giải Cúp Bóng Đá Thế Giới năm 2006 tại Đức, đã có tới 26 tỷ lượt người trên thế giới xem vô tuyến truyền hình. Đây là cơ hội bằng vàng trong lĩnh vực quảng cáo không chỉ đối với nước tổ chức, với FIFA mà còn đối với cả doanh nghiệp khi đứng ra tài trợ, các tập đoàn sản xuất dụng cụ thiết bị thể thao như Nike, Adidas, Puma, và đủ loại sản phẩm dịch vụ khác.

Theo thẩm định của văn phòng nghiên cứu tiếp thị GfK, chỉ riêng tại Pháp, trong tháng sáu và tháng bẩy này, số lượng vô tuyến truyền hình được bán ra sẽ tăng thêm khoảng 200 ngàn. Đương nhiên, các thành tích thể thao cũng đem lại niềm vui, nỗi buồn, gây có tác động về xã hội, chính trị và kinh tế vĩ mô, đến tâm lý của người dân, những người tiêu thụ.

Cúp Bóng Đá Thế Giới có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nam Phi, quốc gia thoát khỏi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid cách nay 16 năm.

Báo Les Echos nhận định sự kiện thể thao này sẽ giúp làm tăng khoảng 05% tổng sản phẩm quốc nội của Nam Phi. Nhưng mối lợi chính là về lâu dài, nhất là đối với ngành du lịch.

Là cường quốc kinh tế số một tại châu lục đen, ngay từ năm 2005, Nam Phi tiến hành đầu tư khoảng 3,5 tỷ € để xây dựng, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa hệ thống giao thông, tuyển dụng thêm hơn 40 ngàn cảnh sát.
Thế nhưng, những khoản lợi thu về trước mắt có thể không cao. Theo dự báo ban đầu, số du khách sẽ đến Nam Phi để xem bóng đá vào khoảng 480 000, nhưng theo ước tính gần đây nhất, con số này có thể giảm xuống chỉ còn 370 000. Thậm chí, một số chuyên gia còn nói đến con số xấp xỉ 200 000. Các tỉnh và thành phố lớn, những nơi đón tiếp các trận đấu, như Johannesburg, Durban, Le Cap, nhờ có số du khách thì kinh tế có thể khởi sắc, nhưng chỉ ở mức độ khiêm tốn. Cần phải chờ đợi từ 3 hoặc 5 năm nữa, thì may ra, ngành du lịch Nam Phi mới có thể phát triển nhờ tác động của Cúp Bóng Đá Thế Giới.

Trong khi đó, theo Les Echos, FIFA được hưởng lợi nhiều nhất. Doanh thu của FIFA đã tăng 60% trong bốn năm qua. Chủ tịch FIFA Sepp Baltter tuyên bố là những người bi quan nhất đã không bỏ lỡ dịp để chỉ trích mạnh mẽ việc trao cho Nam Phi quyền tổ chức Cúp Bóng Đá 2010. Giờ đây, mọi người có thể hài lòng nhận thấy là FIFA có thể tự hào nhận thấy rằng sự lựa chọn này là đúng, ít nhất về mặt tài chính và các khoản thu nhờ Cúp Bóng Đá Thế Giới gia tăng.

Từ 2007 đến 2010, thu nhập của FIFA đã tăng từ 2 đến 3,2t ỷ đô la trong đó có 2 tỷ về quyền phát truyền hình và 1,2 tỷ đến từ tiếp thị, quảng cáo và bán sản phẩm liên quan.

Khác với các giải trước, về mặt tiếp thị, lần này, FIFA lựa chọn giải pháp ít nhà bảo trợ nhưng họ phải trả giá cao, đổi lại, các quảng cáo của họ sẽ rõ hơn, ít bị nhiễu bởi các đối thủ cạnh tranh khác. Vé xem bóng đá cũng tăng giá. Tiền bán vé ở Cúp Bóng Đá 2010 lên tới 80 triệu đô la thay vì 50 triệu như cách nay bốn năm.

Với những khoản thu khổng lồ như vậy, FIFA trở nên « rộng rãi » hơn đối với các đội tuyển tham gia. Tiền chi cho các đội tuyển tăng từ 261 triệu lên 420 triệu đô la. Như vậy, mỗi đội sẽ được chu cấp ít nhất là 8 triệu đô la và giải thưởng cho đội vô địch thế giới là 30 triệu đô la.

Cũng do thu nhập tăng, lần đầu tiên, FIFA còn chi ra 40 triệu đô la để trả tiền cho một số câu lạc bộ chấp nhận để các cầu thủ tham gia đội tuyển quốc gia.

Les Echos cho biết thêm, vốn riêng của FIFA trong năm 2009 lên tới hơn 1 tỷ đô la, thừa đủ để tổ chức này tài trợ cho một Cúp Bóng Đá Thế Giới trong trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng về nguồn thu.

*

Trang nhất hầu hết tất cả các báo ra tại Pháp hôm nay đều chạy tựa về Cúp Bóng Đá Thế Giới. Mỗi tờ báo đều muốn đưa đến cho độc giả nhiều thông tin dưới mọi góc độ về cuộc hội tụ đỉnh cao của bóng đá thế giới Nam Phi 2010.

« Hy vọng, hào hứng, cuồng nhiệt hay tự hào » là những từ được lặp lại nhiều nhất trên các trang báo. Tờ La Croix khẳng định hôm nay là « cuộc hội tụ lớn của niềm tự hào châu Phi » Báo Le Figaro gọi Cúp Bóng Đá Thế Giới này là « thời khắc tự hào » của châu Phi. Đáng tự hào vì lần đầu tiên lục địa đen tổ chức ngày hội bóng đá và có 6 đại điện tham dự. Tờ báo còn phấn khích ví von rằng : « trong vòng một tháng, mặt trời sẽ không còn mọc ở đàng đông nữa mà là ở phương nam».

Libération còn ra thêm phụ trang đặc biệt cho Cúp Bóng Đá Thế Giới. Tờ báo nhấn mạnh Cúp Bóng Đá Thế Giới lần này mở ra nhiều hy vọng cho Nam Phi và cả châu lục.

Báo L’Humanité nhận định Cúp Bóng Đá Thế Giới Nam Phi là một « biểu tượng ». Tựa trang nhất của tờ báo « Khi châu Phi làm nên lịch sử ». Tờ báo còn dành 20 trang cho bài viết của các đặc phái viên đã đi ngang dọc đất nước của Nelson Mandela.

Tất nhiên, các báo đều không thể quên nhắc tới đội tuyển Pháp, hôm nay, có trận mở màn với Uruguay trong tình hình khá phức tạp, hy vọng xen lẫn hoài nghi. Tờ báo thể thao L’Equipe nhận thấy trận khai cuộc của đội tuyển Pháp đang trở thành mối lo của quốc gia. Tờ báo thể thao còn bày tỏ mối nghi ngại với đội tuyển nhà « Thế giới bóng đá đang trong ngày hội, nhưng trừ chúng ta – tức đội tuyển Pháp».

Bất ổn xã hội - Cái giá phải trả cho sự phát triển ở Trung Quốc

Nhìn sang châu Á, báo Le Monde đặc biệt đến quan tâm đến những sự kiện mới nổi lên trong xã hội Trung Quốc thời gian gần đây. Từ làn sóng phạm tội mù quáng, trong vòng chưa đầy hai tháng đã giết chết 15 trẻ em trong các trường học tại 5 tỉnh, rồi nạn tự tử dây chuyền tại một nhà máy của tập đoàn Foxconn và đến làn sóng đình công của các công nhân trong các xưởng hãng nước ngoài.

Tờ báo đặt câu hỏi : « Đâu là cái giá xã hội phải trả cho việc tăng trưởng ? », « Tại sao những người công nhân ngụ cư lại phản kháng ? » Trước hết Le Monde nhận thấy những hiện tượng bất thường kể trên xảy ra tại Trung Quốc gần đây, phản ánh một sự mất ổn định xã hội, mà theo tác giả bài báo thì đã lên đến mức đáng báo động đối với Trung Quốc. Mất ổn định vẫn luôn là cơn ác mộng ám ảnh nhà nước đảng trị này.

Tờ báo nhắc lại những vụ bạo lực xảy ra gần đây, thí dụ hôm 31/05, một phụ nữ vô cớ dùng dao tấn công hành khách trên một chuyến tàu trong một tỉnh vùng đông bắc. Ngày hôm sau, tại tỉnh Hồ Nam, một nhân viên bưu điện xả súng vào ba thẩm phán của tòa án địa phương chỉ vì người đàn ông này cho rằng tòa án đã phân chia tài sản không công bằng trong vụ ly dị vợ của anh ta. Những vụ việc như vậy giờ đây chính quyền khó có thể giấu nhẹm đi được.

Theo con số thống kê được một viện nghiên cứu khoa học xã hội ở Trung Quốc đưa ra hồi đầu năm thì số lượng các vụ tội phạm và bạo lực ở nước này đã tăng 10% trong năm 2009 với 53 triệu vụ giết người, cưỡng hiếp và cướp có vũ trang.

Theo một giáo sự về tội phạm học tại Bắc Kinh thì tình trạng tội phạm ở Trung Quốc đã bùng phát mạnh từ lâu nay, nhưng các quan chức địa phương vẫn cố gắng bưng bít bởi vì chính tỷ lệ tội phạm sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai thăng quan tiến chức của họ.

Theo tác giả bài báo, các nhà nghiên cứu xã hội học Trung Quốc đều khẳng định căn nguyên của vấn nạn trên là tình trạng bất bình đẳng trong lòng một hệ thống dựa trên trấn áp đồng thời lại bất công và tha hóa. Trong cái hệ thống đó, có những người thì được miễn trừ mọi chuẩn mực hay kỷ cương, nhưng chính họ lại muốn được thấy dân chúng phải tuân thủ chuẩn mực và kỷ cương mà họ đặt ra. Và vì thế mà một số người bị áp bức đã muốn phá cái kỷ cương trật tự đó bằng những hành động trả thù đời, trả thù xã hội. Họ có cảm giác đang sống trong một thế giới đầy đủ, hào nhoáng nhưng bản thân lại không được tiếp cận.

Còn về những nỗi bất bình của công nhân trong các nhà máy, được thể hiện bằng những phản ứng đòi yêu sách cũng là một vấn đề xã hội đáng quan tâm. Các nhà nghiên xã hội Trung Quốc nhận thấy thế hệ công nhân trẻ ngày nay là lực lượng trụ cột trong các xí nghiệp. Chính vì được giáo dục, được tiếp cận với thông tin nhiều hơn lớp cha anh nên họ ý thức được các quyền lợi của mình. Theo bài báo, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thế hệ công nhân trẻ này không chấp nhận các quy định áp đặt bởi các công đoàn nhà nước dưới sự chỉ đạo của đảng và họ đã chọn cách đình công để đòi yêu sách.

Theo nhận định của một nhà kinh tế , giáo sư đại học Bắc kinh thì vụ đình công ở nhà máy của Honda cho thấy cần phải cấp bách lập ra một công đoàn thực sự để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.