Vào nội dung chính
G8

Mỹ-Châu Âu bất đồng về phương cách thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới.

Hôm qua, 8 nước công nghiệp phát triển nhất, G8, họp tại Huntsville, vùng Muskoka, Canada nhằm thảo luận về phương cách phục hồi nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính. Mặc dù có cùng nhận định là sự phục hồi kinh tế thế giới còn mong manh, nhưng, các thành viên G8 đã lộ rõ bất đồng sâu sắc về phương thức thúc đẩy tăng trưởng, giúp cho các nền kinh tế khởi sắc nhanh chóng và vững chắc.

Ảnh chụp lãnh đạo G8 và khách mời tham gia cuộc họp tại  Huntsville, Canada ngày 25/06/2010
Ảnh chụp lãnh đạo G8 và khách mời tham gia cuộc họp tại Huntsville, Canada ngày 25/06/2010 Reuters
Quảng cáo

Một bên là Hoa Kỳ, với sự ủng hộ của Canada mong muốn là các nước tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng. Bên kia là các nước châu Âu, đứng đầu là Đức, lại muốn chấm dứt những khoản chi ngân sách, thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng, để tránh tái diễn khủng hoảng giống như trường hợp Hy Lạp.

Ngay trước khi bắt đầu G8, tổng thống Mỹ Barack Obama đã gây áp lực, kêu gọi các các thành viên phải phối hợp hành động, bởi vì các nền kinh tế có quan hệ chằng chịt với nhau. Thông điệp của lãnh đạo Mỹ hướng vào các nước châu Âu cũng như các nước đang trỗi dậy. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, ông Timothy Geithner, đã nhấn mạnh rằng các nước châu Âu cần phải lựa chọn tiến hành cải cách và đề ra những chính sách có thể cho phép đạt được mức độ tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới. Ông còn cảnh cáo là thế giới « sẽ không thể phụ thuộc vào Mỹ như trong quá khứ ». Nói một cách khác, theo Washington, để thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh, trước mắt, châu Âu không nên hạn chế chi tiêu, cần phải tiếp tục chi tiêu, thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Châu Âu cũng như các nước đang trỗi dậy không nên trông đợi vào sự phục hồi của nền kinh tế số một thế giới, để hưởng lợi.

Bị dồn vào chân tường, châu Âu buộc phải giải thích về chiến lược của mình và cho rằng các chính sách khắc khổ, cắt giảm chi tiêu công trong thời gian qua tại một số nước như Đức, Anh, Tây Ban Nha và cả Pháp, không ảnh hưởng gì đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng.

Thực ra, cuộc khủng hoảng tài chính công tại Hy Lạp gây lo ngại cho châu Âu, nhất là trong bối cảnh một số nước khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý cũng đang lâm vào khó khăn. Châu Âu đã phải trả giá đắt về tài chính và uy tín chính trị cho việc cứu Hy Lạp. Chính vì vậy, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh David Cameron đã đi đầu trong việc vận động châu Âu phải có chính sách giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Thủ tướng Đức chống chế rằng tranh luận bên trong G8 giúp cho các thành viên hiểu nhau hơn nhưng bà cũng nói thẳng là đã đến lúc phải giảm các thâm hụt và châu Âu không cần một sự tăng trưởng dựa trên những thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ, xin dấu tên, nói với AFP rằng theo quan điểm của Washington thì về trung hạn, không có mâu thuẫn giữa việc giảm các thâm hụt và nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng.

Bất đồng về phương cách phục hồi kinh tế thế giới không chỉ xẩy ra giữa Hoa Kỳ và châu Âu trong G8. Đây cũng sẽ là chủ đề tranh luận mạnh mẽ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, khai mạc vào tối nay tại Toronto, Canada. Lần này, có thể Hoa Kỳ và châu Âu liên kết với nhau để kêu gọi Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ ba thế giới phải có trách nhiệm hơn, nên khuyến khích nhu cầu tiêu thụ trong nước, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu, hưởng lợi từ sự khởi sắc của thị trường các nước phương Tây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.