Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Nobel Văn học 2010 Vargas Llosa, niềm tự hào của châu Mỹ La tinh

Đăng ngày:

Cả châu Mỹ Latinh tự hào về giải Nobel Văn học năm nay, Mario Vargas Llosa. Nhà văn người Peru này định nghĩa vai trò của người cầm bút  : "Bảo vệ tự do, dân chủ để đóng góp vào các tiến bộ xã hội (...) Văn học là một mối nguy hiểm đối với các chế độ độc tài".

Tạp Chí Đặc Biệt
Tạp Chí Đặc Biệt RFI
Quảng cáo

Giải Nobel Văn học 2010 về tay nhà văn người Peru mang quốc tịch Tây Ban Nha, Mario Vargas Llosa. Cả châu Mỹ Latinh từ Mêhicô đến Brazil, từ Achentina đến Colombia đều tự hào khi thấy một gương mặt nổi bật trong văn đàn khu vực được vinh danh.

Tại Cuba, chính quyền La Habana bất chấp những bất đồng sâu đậm với giải Nobel Văn học năm nay cũng phải nhìn nhận ông Vargas Llsa là nhà văn lớn nhất ” trong thế giới sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha". Tổng thống Peru nói đến một hiện tượng văn học, một niềm tự hào của cả một dân tộc, một quốc gia.

Đây là lần thứ ba ban giám khảo vinh danh nền văn học Châu Mỹ Latinh, sau nhà văn Mêhicô Octavio Paz (1990) và cây đại thụ của văn đàn Colombia, Gabriel Garcia Marquez (1982). Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh những sáng tác « phản ánh xác thực về cơ cấu quyền lực và những hình ảnh sắc bén của sự kháng cự, nổi dậy và thất bại của cá nhân »

Là tác giả của hơn 30 tác phẩm bao gồm nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận cùng với một vài vở kịch, đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Việt Nam, năm 1994 nhà văn Mario Vargas Llosa được trao tặng giải thưởng Cervantes. Đây là giải thưởng cao quý nhất của văn đàn Tây Ban Nha. 

Phát biểu ngay sau khi hay tin được trao tặng giải Nobel Văn học năm nay, văn sĩ Mario Vargas Llosa cho biết ông thật bất ngờ :

"Không, tôi thực sự không nghĩ là mình sẽ được vinh dự này. Thậm chí tôi còn không nghĩ là được có tên trong danh sách các ứng viên. Nhưng đương nhiên là tôi rất vui mừng đón nhận tin vui này. Đây là một vinh dự đối với nền văn học châu Mỹ La tinh và đối với những tác phẩm được viết bằng tiếng Tây Ban Nha.

Tôi sẽ tiếp tục làm việc với tinh thần trách nhiệm của một người cầm bút như đã từng làm trong suốt thời gian qua và sẽ bảo vệ tất cả những gì quan trọng đối với Peru, đối với châu Mỹ La tinh cũng như là đối với cả thế giới : tự do, dân chủ. Đó là bổn phận của một nhà văn”

Từ 10 năm nay tên tuổi của ông nằm trong danh sách của Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Tên thật là Jorge Mario Pedro Vargas Llosa, sinh năm 1936 ở miền Nam Peru. Thuở bé ông từng sống với mẹ và ông bà ngoại tại Bolivia, mãi đến năm lên 10 ông mới về lại Peru. Mario Vargas Llosa tốt nghiệp cử nhân văn khoa đại học Lima, một thành phố không để lại cho ông nhiều kỷ niệm đẹp. Ám ảnh trong thời kỳ sống ở Lima là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời một trong những tác phẩm nổi tiếng sau này : "La ciudad y los perros" (1963).

Hoàn tất luận án tiến sĩ tại Madrid, Mario Vargas Llosa đã đến định cư tại Paris. Tại đây ông đã sống bằng nghề dịch thuật, dậy học và viết báo. Cũng tại Paris cây bút người Peru này cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay mang tựa đề « Los Jefes ».

Mario Vargas Llosa thành danh với "La ciudad y los perros" và hai năm sau đó tiểu thuyết  “Conversación en La Catedral” hay  “Đối thoại trong quán rượu La Catedral” được xem là một tuyệt tác.

Trả lời đài RFI hồi năm ngoái nhân dịp trường đại học Bordeaux 3 vinh danh sự nghiệp của ông, nhà văn Mario Vargas Llosa nhấn mạnh đến vị trí riêng biệt của văn học Pháp trong con đường sáng tác của ông :

« Văn học Pháp có một vị trí hết sức quan trọng trước hết là đối với cuộc đời tôi và tiếp theo đó là đối với sự nghiệp của tôi. Chính các văn hào Pháp đã đã làm tôi say mê với văn học. Tôi đã tìm thấy những tấm gương nơi các nhà văn Pháp như là Jean paul Sartre hay Albert Camus. Họ đã đem lại cho tôi rất nhiều : từ cách sáng tác, đến văn phong và cả về phương diện tư tưởng. Trong tất cả các nền văn học tôi được tiếp cận thì văn học Pháp vẫn có một chỗ đứng riêng biệt ».

Đoạn tuyệt với chủ nghĩa cộng sản

Ngoài sự nghiệp văn chương nhà văn Mario Vargas Llosa còn nặng nợ với con đường chính trị. Năm 1990, ông ra tranh cử tổng thống Peru trong liên minh trung hữu nhưng đã bị ứng cử viên Alberto Fujimori đánh bại. Ba năm sau đó ông sang định cư hẳn tại Madrid và trở thành công dân Tây Ban Nha.

Vào thập niên 60 thế kỷ trước, ông đã bị nhân vật Fidel Castro và cuộc cách mạng Cuba làm mê hoặc. Ông từng đến La Habana sinh sống một thời gian. Nhưng không hiểu vì lý do gì, năm 1971, nhà văn người Peru này đã đột ngột trở lại châu Âu. Từ đó trở đi ông không ngừng chỉ trích lãnh tụ Cuba. Vargas Llosa vĩnh viễn quay lưng lại với chủ nghĩa cộng sản, đoạn tuyệt luôn với người bạn văn thân thiết là Marquez.

Trả lời báo chí hôm qua (7/10) từ New York giải Nobel Văn học 2010 giải thích về sự dấn thân của mình : “Văn học giúp cho chúng ta có một cái nhìn phê phán. Đấy chính là yếu tố vì sao tất cả mọi chế độ độc tài đều có những biện pháp kiểm duyệt (…) Các nhà độc tài đều tìm cách kiểm soát giới nhà văn do văn chương luôn là một mối đe dọa tiềm tàng của quyền lực (…) Những áng văn hay tạo ra những con người không dễ dậy bảo”

Và ông kết luận : phát huy văn học là khuyến khích một xã hội tự do, dân chủ, đa nguyên và chấp nhận sự đa dạng trong cuộc sống.

Thế nhưng theo giải Nobel Văn học năm nay thì : « Viết văn là một công việc của một con người đơn độc. Họ giam mình với những bóng ma. Để tạo dựng nên một cốt truyện thì phải mất nhiều tháng, mà cũng có khi là nhiều năm, ta không thể biết trước được. Độc giả là những người phán xét để biết được là nhà văn đó có làm việc nghiêm chỉnh hay không, có xứng đáng cầm bút hay không. Giải thưởng Nobel là điều hết sức khích lệ. Điều đó chứng tỏ là tôi đã không hoài công ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.