Vào nội dung chính
Ả RẬP - KINH TẾ

Biến động tại các nước Ả Rập gieo hoang mang trên thị trường dầu mỏ

Biến động tại vùng Bắc Phi vẫn là tiêu điểm các nhật báo Pháp. Tờ báo kinh tế Les Echos, lo ngại tác động của khủng hoảng Libya đến giá dầu trên thế giới. « Đe dọa của một cú sốc dầu mỏ mới » là tựa đề trên trang nhất Le Figaro.  Trong khi đó, Le Monde và Libération quan tâm đến những ngày khủng khiếp diễn ra tại thành phố Benghazi, nơi những người nổi dậy đã chiếm được từ tay binh sĩ trung thành với Kadhafi sau các đụng độ đẫm máu.

Sàn giao dịch giá dầu tại New York 24/02/2011
Sàn giao dịch giá dầu tại New York 24/02/2011 REUTERS/Brendan McDermid
Quảng cáo

« Dầu mỏ : những kịch bản khiến các thị trường hoảng sợ » là tựa đề chính trên trang nhất của nhật báo Les Echos hôm nay. Ngày hôm qua, giá một thùng dầu brent (tức loại dầu thô hỗn hợp được dùng làm đơn vị đo lường tiêu chuẩn trên thị trường dầu mỏ thế giới) đã có lúc tăng đến 120 đôla, tức là cao hơn so với ngày hôm trước hơn 10 đôla.

Les Echos nhận định, chính cuộc nổi dậy và nguy cơ nội chiến tại Libya là nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu bốc lên rất cao. Hiện tại, các nước Châu Âu phụ thuộc khá nhiều vào dầu mỏ đến từ Libya. Trong số các nước phụ thuộc nhiều nhất phải kể đến : Ý, Aixơlen hay Áo (với tỷ lệ hơn 20% dầu tiêu thụ đến từ Libya).

Theo Le Figaro, trong một động thái khá bất ngờ, Thủ tướng Nga Vladimir Putin, tại Bruxelles, đã đưa ra nhận định : cơn bão giá dầu là một hiểm họa lớn đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Dù điều này tương đối khó giải thích, vì Nga là nhà sản xuất dầu mỏ đứng đầu thế giới, nhận xét của Thủ tướng Nga, theo Le Figaro là rất xác đáng.

Với mức độ tiêu thụ toàn cầu, 86 triệu thùng dầu thô/một ngày, quy theo giá 100 đô la/thùng, một năm chi phí cho dầu mỏ của nền kinh tế thế giới là hơn 3000 tỷ đô la, chiếm 4,7% tổng sản lượng kinh tế thế giới. Nếu giá dầu tăng đến 120 đô la, tỷ lệ này sẽ vượt quá mức 5,5%, khiến cho « tăng trưởng kinh tế bị cản trở ». Trên đây là phân tích của ngân hàng Deutsche Bank.

Kể từ năm 1970 đến nay, 5 cuộc suy thoái toàn cầu (1974, 1980, 1990 2001 và 2008) đều đến tiếp sau một đợt giá dầu tăng vọt. Việc giá dầu tăng vọt tương ứng với các biến cố chính trị và quân sự lớn, như cuộc chiến tranh giữa Israel và liên quân Ai Cập – Syria năm 1973, cách mạng Iran 1979, hay chiến tranh vùng vịnh 1990. Tiếp theo đó, là đợt nhu cầu dầu mỏ tăng đột biến năm 2000, còn đối với năm 2008, là nhu cầu tăng đột ngột của hàng loạt quốc gia đang trỗi dậy.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, việc giá dầu đột ngột tăng vọt không phải lúc nào cũng dẫn đến suy thoái kinh tế, như thực tế đã xảy ra vào giữa những năm 2002-2006. Đó cũng là lý do khiến Phụ tá Giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, John Lipsky, cho rằng,  trong hiện tại, ít có khả năng việc giá dầu tăng vọt sẽ có tác động lớn đến những triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong cuộc họp của nhóm G20 tại Paris, thứ Bảy tuần trước (19/02/2011), Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới là 4,4% năm nay, dựa trên giả thuyết giá dầu chỉ là xấp xỉ 95 đôla, có nghĩa là thấp hơn rất nhiều so với giá dầu hiện nay.

Theo Les Echos, các thị trường đang lo ngại và chuẩn bị ứng phó với ba kịch bản liên quan đến việc xung đột, đang ngày càng nghiêm trọng hơn, tại khu vực Bắc Phi và Cận Đông.

Kịch bản thứ nhất, nếu cuộc khủng hoảng lan sang Algeria, thì tình hình sẽ khó kiểm soát, bởi lượng dầu mà Algeria cung cấp cho Châu Âu còn lớn hơn của Libya. Les Echos lo ngại các cuộc biểu tình mới của đối lập, và việc tình trạng khấn cấp vừa được chính quyền Alger rỡ bỏ ngày hôm qua.

Kịch bản thứ hai là cuộc khủng hoảng tại Libya chuyển thành nội chiến. Hiện tại, lượng dầu xuất từ Libya đã giảm xuống gần một nửa, theo đánh giá của Goldman Sachs. Nếu thay đổi chế độ, việc khai thác sẽ trở lại bình thường. Nhưng nếu nội chiến nổ ra thì tình hình rất căng thẳng. Mặc dù Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (Opep), có thể tăng lượng dầu cung cấp cho thị trường, nhưng cần phải có thời gian để các biện pháp bổ sung được áp dụng.

Kịch bản thứ ba, theo Les Echos, là tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn tại Ả Rập Xê Út, vốn chỉ cách Bahrain có 26 km. Năm 1995, những người Hồi giáo Shia Ả Rập Xê Út đã từng tham gia vào các cuộc biểu tình tại Bahrain. Ngày thứ Tư tuần này, để ngăn ngừa các phản kháng trong nước, vua Abdallah của Ả Rập Xê Út đã công bố một chương trình trợ giúp xã hội trị giá hàng chục tỷ đô la.

Libya : tại Benghazi, tự do phải trả bằng máu

Về tình hình Libya, dưới tựa đề « Benghazi, tự do phải trả bằng máu », là bài phóng sự do đặc phái viên Libération gửi về từ thành phố lớn thuộc miền đông Libya, nơi mà phe nổi dậy vừa giành được. Trại lính Fadhil, nằm tại trung tâm thành phố, là nơi xung đột đẫm máu đã nổ ra. Lính đánh thuê và binh sĩ trung thành với Khadhafi đã xả súng vào những người nổi dậy.

Tại bệnh viện Al-Jala, bác sĩ trưởng khoa phẫu thuật đã đưa phóng viên đến với các thi thể cháy đen không còn có thể nhận dạng được ai ra ai, của 15 sĩ quan, bị lực lượng trung thành với Kadhafi hạ sát, rồi dùng xăng đốt, vì không tuân lệnh bắn vào những người nổi dậy. Bệnh viện Al-Jala đã đón nhận 243 người chết, và 125 người bị thương nặng. Việc chăm sóc trở nên hết sức khó khăn, vì các y tá phần lớn là người Châu Á, Ấn Độ hay Ukraina, vừa nhận được lệnh của sứ quán quay trở về nước.

Một giám đốc ngân hàng ẩn danh, người chứng kiến tận mắt ba ngày đẫm máu, đã kể lại với Libération diễn biến của các biến cố vừa qua. Tại một trong các lối vào của trại lính, người ta nhìn thấy một cánh cửa vỡ tan do thuốc nổ. Ngay bên cạnh đó, là một hàng chữ đen : « xe ô tô của liệt sĩ Mahdi Mohammed Ziou », với một mũi tên chỉ về hướng chiếc xe hơi tan nát, bên cạnh đó là bức hình người thanh niên.

Tất cả bắt đầu vào ngày thứ Tư 16/02/2011, những người mặc thường phục thân Kadhafi đã dùng vũ khí thô sơ tấn công vào đoàn hàng trăm người tới nghĩa trang để tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc phản kháng lần trước. Nhiều người thiệt mạng. Cuộc tuần hành mang các nạn nhân vừa qua đời, ngày hôm sau, đã bị đàn áp bằng súng. Lại thêm nhiều người chết.

Đến ngày Sáu 18/02/2011 vừa qua, trong lúc tình thế vẫn còn chưa rõ ràng. Phe nổi dậy bao quanh trại lính vẫn còn chưa quyết định hành động, thì đúng lúc đó, chính nhân vật Mahdi Mohammed Ziou kể trên đã mở màn cho trận chiến, với việc lao thẳng chiếc xe chứa đầy chai đựng khí đốt vào cổng, mở ra một lối cho đoàn nổi dậy tràn vào khu trại lính, buộc toàn bộ lực lượng trung thành với Kadhafi phải bỏ chạy.

Miến Điện : nhà đối lập Aung San Suu Kyi kiên trì chủ trương “bất bạo động

Trong khi tại vùng Bắc Phi, cuộc cách mạng dân chủ ở Libya, có cơ chuyển thành nội chiến, thì tại Miến Điện, bất bạo động là đường lối đấu tranh của phe đối lập. Nhật báo La Croix hôm nay đưa độc giả đến với tiếng nói của giải Nobel Hòa bình, bà Aung San Suu Kyi tại Miến Điện, qua cuộc phỏng vấn, được đăng trên trang nhất, mang tựa đề « Mãi mãi là cuộc chiến bất bạo động ».

Nhà đối lập Aung San Suu Kyi khẳng định, trong các hoạt động vì sự phát triển của xã hội dân sự và kêu gọi chính phủ chú ý tới các yêu sách của đối lập, điều quan trọng là những người công dân bình thường trong xã hội hiểu được rằng : « chính họ là người sở hữu quyền lực giúp cho họ đạt được những điều mà họ muốn ». Vấn đề quan trọng nhất là củng cố các năng lực của các công dân Miến Điện. Để đạt được điều này bà Aung San Suu Kyi lựa chọn con đường bất bạo động.

Được hỏi về mối quan hệ giữa con đường bạo lực mà cha bà, người anh hùng của dân tộc Miến Điện, tướng Aung San, đã sử dụng để đánh đuổi thực dân Anh, với cuộc đấu tranh hiện nay của nhà đối lập, bà Aung San Suu Kyi cho biết có sự khác biệt lớn giữa cuộc đấu tranh đánh đuổi ngoại bang, và cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay. Tuy nhiên, nhà đối lập Miến Điện cũng khẳng định, mặc dù sẽ mãi mãi lựa chọn bất bạo động, vừa như một chủ trương mang tính nguyên tắc và một chiến lược hành động cụ thể, bà sẽ không lên án những người sử dụng bạo lực để chống lại chế độ độc tài, nếu như những người đó cho rằng chỉ có bạo lực mới có thể giúp họ chống lại độc tài, bởi bạo lực là điều duy nhất mà họ biết đến trên mảnh đất Miến Điện.

Đối với Aung San Suu Kyi, con đường bất bạo động buộc người ta phải đương đầu với nhiều nguy hiểm hơn là con đường nổi dậy vũ trang, bởi kẻ độc tài sẵn sàng dùng bạo lực để đè bẹp những người không có tấc sắt trong tay.

Giải Nobel Hòa bình hy vọng, sẽ giúp cho chính quyền hiểu được rằng thay đổi dân chủ không đáng sợ. Dân chủ không phải là sự trả thù. Vấn đề quan trọng cuối cùng, theo bà, là phải đối thoại và lắng nghe lẫn nhau.

Triển lãm Lausanne : họa sĩ Tây Ban Nha đầu thế kỷ XX rất khó sáng tác theo phong cách « hiện đại »

Dân chủ hóa và hiện đại hóa là những phong trào khởi nguồn từ Châu Âu, nhưng ngay tại chính Châu Âu, ngay vào đầu thế kỷ XX, cũng có những nơi, các ý tưởng « hiện đại » là điều không được xã hội thấm đẫm chất Công giáo chính thống thời đó chấp nhận. Cuộc triển lãm tranh vẽ của các họa sĩ Tây Ban Nha, do Quĩ Hermitage thực hiện, tại Lausanne (Thụy Sĩ) (từ nay cho đến ngày 25/05/2011) « El modernismo. De Sorolla à Picasso » (Tính hiện đại. Từ Sorolla đến Picasso), được Le Monde giới thiệu, cho thấy, đầu thứ kỷ XX, tại quê hương của danh họa Picasso, đã không có chỗ đứng cho các họa sĩ vẽ theo phong cách hiện đại.

Từ « modernismo » mới được chấp nhận đưa vào từ điển Viện Hàn lâm Hoàng gia Tây Ban Nha vào năm 1899, với định nghĩa như sau : « Yêu thích thái quá những gì thuộc về đương đại, mà khinh thường những gì thuộc về thời trước, đặc biệt là trong nghệ thuật và văn học ».

Danh họa Joaquin Sorolla (1863-192), người nổi tiếng nhất trong các họa sĩ Tây Ban Nha thời ấy và tranh ông cũng nổi bật nhất trong cuộc triển lãm này, cũng chỉ dám thử nghiệm một cách rụt rè một số chấm phá theo trường phái ấn tượng trên các cảnh vật, chứ không dám chuyển sang các nhân vật.

Điều này có thể giải thích được, bởi không gian văn hóa Tây Ban Nha lúc đó hoàn toàn chìm trong một nền văn hóa truyền thống, được quan niệm chính thống tôn sùng hết đỗi, coi như là hết sức thiêng liêng, kể cả nghệ thuật truyền thống cũng được gắn một vầng hào quang linh thiêng.

Chỉ có ít người dám đi lệch ra khỏi luồng chính. Đó là trường hợp một họa sĩ không có tên tuổi gì, tên là Ignacio Pinazo (1849-1916). Hành nghề theo lối vẽ cổ truyền chính thống để kiếm sống, ông đã vẽ riêng cho mình những bức họa thiên nhiên và cảnh sinh hoạt với một phong cách hết sức mới mẻ. Triển lãm Lausanne dành một gian bừng sáng cho Ignacio Pinazo.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.