Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - HOA KỲ

Phương cách giải quyết nợ công châu Âu là trọng tâm Thượng đỉnh G8

Khủng hoảng nợ trong vùng euro sẽ là trọng tâm hội nghị 8 cường quốc hàng đầu thế giới khai diễn trong ngày 19/05/2012 tại Washington. Rất nhiều khả năng quan điểm « ưu tiên kích thích tăng trưởng » của tân tổng thống Pháp sẽ được Hoa Kỳ hậu thuẫn.

Phủ tổng thống Mỹ - Nhà Trắng - Washington
Phủ tổng thống Mỹ - Nhà Trắng - Washington RFI/Đức Tâm
Quảng cáo

Tân tổng thống Pháp François Hollande, ba ngày sau khi nhậm chức, lần đầu tiên sẽ hội kiến với đồng sự Hoa Kỳ, Barack Obama vào trưa nay 18/05/2012 tại Nhà Trắng. Cuộc tiếp xúc đầu tiên này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Pháp được giới phân tích đặc biệt theo dõi, vì là khởi điểm của hai sự kiện quan trọng diễn ra ngay sau đó : Thượng đỉnh G8 tại Camp David vào thứ Bảy và Thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây dương NATO tại Chicago vào hai ngày Chủ nhật và thứ Hai.

Hội nghị G8 là cơ hội để tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Ý Mario Monti thuyết phục các nhà lãnh đạo của khối 8 quốc gia có nền công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới chuyển hướng chính sách kinh tế ưu tiên cho tăng trưởng, hơn là thắt lưng buộc bụng theo quan điểm của thủ tướng Đức Angela Merkel.

Theo giới phân tích, đường lối của đảng Xã Hội mới lên cầm quyền tại Pháp có nhiều cơ may được nhiều hậu thuẫn, mở đường cho nỗ lực tái định hướng phát triển trong khu vực euro và giảm nhẹ gánh nặng cho đại đa số dân chúng có mức thu nhập thấp bị tác động suốt những năm gần đây vì khủng hoảng nợ.

Tuy Hoa Kỳ là siêu cường số một và chống lại mọi biện pháp « can thiệp của Nhà nước » vào vận hành kinh tế, nhưng trong những ngày gần đây, tổng thống Obama liên tục đưa ra những lời tuyên bố thuận lợi cho quan điểm của Pháp và Ý trong nỗ lực mưu tìm kế sách thoát khủng hoảng nợ, bằng biện pháp đặt công ăn việc làm và kích thích tăng trưởng lên hàng ưu tiên thay vì chỉ tập trung giảm chi ngân sách.

Theo nhận định của cố vấn an ninh quốc gia phủ tổng thống Tom Donilon thì « trách nhiệm giải quyết khủng hoảng trực thuộc thẩm quyền của các nhà lãnh đạo Âu châu nhân Thượng đỉnh ngày 23/05/2012 tới », nhưng ông nhấn mạnh giải pháp của châu Âu sẽ « rất quan trọng » cho Hoa Kỳ, vì châu Âu là bạn hàng số một.

Xác xuất tái đắc cử của tổng thống Obama vào ngày 6/11/2012 sắp tới tùy thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ. Tuy đã tìm lại được tăng trưởng sau khủng hoảng 2008, nhưng kinh tế Hoa Kỳ còn rất mong manh, không kể tỷ lệ thất nghiệp 8,1%, gấp ba tỷ lệ trước 2008. Chủ nhân Nhà Trắng theo dõi từng biến động tại châu Âu, e ngại một ngọn gió bất lợi cho tăng trưởng kinh tế Mỹ. Từ khi nhậm chức vào tháng Giêng năm 2009, tổng thống Obama đã nhiều lần thúc giục châu Âu đi theo mô hình vực dậy kinh tế của Washington, bơm 800 tỷ đô la kích cầu.

Theo các viên chức cao cấp tại Mỹ thì tình trạng trì trệ ở châu Âu đã làm cho các biện pháp kinh tế của chính quyền Dân Chủ ở Mỹ không mang lại kết quả như ý. Tuy Washington thận trọng tuyên bố là « không có ý đồ khai thác sự khác biệt giữa François Hollande và Angela Merkel » nhưng cố vấn an ninh Tom Donilon cho biết là « cuộc thảo luận tại Camp David sẽ tập trung vào một mục đích chung và chặt chẽ tìm phương án tối ưu để thoát khủng hoảng và trở lại con đường phát triển bền vững ».

Nội dung nhận định này không khác gì tuyên bố của tân tổng thống Pháp ngay từ lúc còn đang vận động tranh cử. Tình trạng nguy ngập của Hy Lạp cộng với nạn thất nghiệp lên đến 24,4 % tại Tây Ban Nha và hơn 14% tại Bồ Đào Nha là những luận điểm thuyết phục nhất buộc G8 phải nhanh chóng đổi phương án.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.