Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Châu Âu đạt thỏa thuận thúc đẩy tăng trưởng nhưng với các phương tiện hạn chế

Sau nhiều kế hoạch thắt lưng buộc bụng, vào rạng sáng ngày hôm nay, 29/06/2012, Liên Hiệp Châu Âu đã đạt được một « hiệp ước về tăng trưởng ». Thế nhưng, giới chuyên gia cho rằng kế hoạch này không đủ để thúc đẩy nền kinh tế các nước trong khu vục đồng euro đang trong tình trạng suy thoái.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi (trái), Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Thủ tướng Ý Mario Monti (phải) trong hội nghị thượng đỉnh tại Bruxelles ngày 29/06/2012.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi (trái), Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Thủ tướng Ý Mario Monti (phải) trong hội nghị thượng đỉnh tại Bruxelles ngày 29/06/2012. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Theo Chủ tịch châu Âu Herman Van Rompuy, Hội nghị Thượng đỉnh tại Bruxelles đã đạt đồng thuận chi 120 tỷ cho các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng ngay lập tức. Số tiền này tương đương 1% tổng sản phẩm nội địa của Liên Hiệp Châu Âu.

Dưới áp lực của Đức, cho tới nay, các hội nghị của châu Âu đều tập trung vào việc thắt chặt kỷ cương chi tiêu và vào tháng Ba vừa qua, châu Âu đã ký một « hiệp ước về ngân sách ». Thế nhưng, tại nhiều nước châu Âu, làn sóng bất bình xã hội ngày càng gia tăng do các chính sách thắt lưng buộc bụng, trong lúc triển vọng kinh tế ở châu Âu ngày càng u ám. Tất cả các yếu tố này đã buộc Liên Hiệp Châu Âu phải đưa vấn đề tăng trưởng vào trong chương trình nghị sự của mình.

Sự kiện ông François Hollande được bầu làm tổng thống Pháp, đầu tháng Năm vừa qua, đã góp phần thúc đẩy xu hướng đòi phải có tăng trưởng. Kinh tế phát triển thì mới có thể hướng tới tái lập cân bằng ngân sách. Tổng thống Pháp tuyên bố thẳng là ông từ chối cho phê chuẩn « hiệp ước về ngân sách » nếu như văn bản này không được bổ sung một chương về việc thúc đẩy tăng trưởng.

« Hiệp định về tăng trưởng » bao gồm các đề xuất của Ủy ban châu Âu, chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các quỹ hiện có để tài trợ cho các dự án đầu tư mói.

Cụ thể, vốn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) sẽ được bổ sung 10 tỷ euro, cho phép định chế này huy động được khoảng 60 tỷ euro để tài trợ cho các dự án liên quan đến phát minh sáng chế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng năng lượng có hiệu quả và các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược.

Đồng thời, BCE sẽ phát hành một loại công trái chung - Project bonds - huy động khoảng 5 tỷ euro cho các dự án hạ tầng cơ sở trong lĩnh vực giao thông, năng lượng.

Cuối cùng, các nước châu Âu muốn phân bổ lại khoản tiền 55 tỷ euro trong quỹ hỗ trợ cơ cấu, vẫn chưa được sử dụng từ lâu nay.

Từ đầu cuộc khủng hoảng 2008 đến nay, châu Âu phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng về nợ công, chưa tạo được một cú nhẩy vọt nào về tăng trưởng. Khu vực đồng euro thậm chí còn bị suy thoái và tình trạng tiêu cực này có nguy cơ gia tăng nếu cuộc khủng hoảng kéo dài.

Do vậy, châu Âu cần đến một « hiệp ước về tăng trưởng ». Điều đáng chú ý là các biện pháp nêu trong thỏa thuận này, cho đến nay, vẫn vấp phải sự chống đối quyết liệt của Đức. Thế nhưng, giờ đây, Thủ tướng Angela Merkel lại chấp nhận.

Giải thích về sự thay đổi thái độ của Đức, giới quan sát nêu ra một số yếu tố : Hôm nay, 29/06, Nghị viện Đức sẽ thảo luận và bỏ phiếu phê chuẩn « hiệp ước về ngân sách » của châu Âu. Để có được sự ủng hộ của đảng Xã hội Dân chủ (SPD), có lập trường gần giống Pháp, trong cuộc bỏ phiếu bà Merkel cần đạt được một thỏa thuận với châu Âu. Mặt khác, Thủ tướng Đức có thể nhận định rằng tình hình Tây Ban Nha và Ý đang rất nguy ngập, có thể dẫn tới sự tan rã của khối đồng euro. Hơn nữa, tháng Chín năm tới, nước Đức có bầu cử lập pháp, bà Merkel muốn nhanh chóng cải thiện tình hình châu Âu, để có thể tập trung vào cuộc vận động tranh cử.

Thế nhưng, theo giới phân tích, kế hoạch này quá khiếm tốn so với nhu cầu hiện nay. Bà Frédérique Cerisier, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng BNP Paris Bas nhận định là « hiệp ước về tăng trưởng » không nặng ký lắm, hơn nữa, thỏa thuận này lại không bao gồm các khoản chi mới của Nhà nước. Vẫn theo chuyên gia này, kế hoạch 120 tỷ sẽ không giúp cân bằng lại các tác động của các chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay.

Về phần mình, giáo sư Paul De Grauwe, thuộc London School of Economics, tuy ủng hộ một kế hoạch tăng trưởng như vậy, nhưng cũng cho rằng mức độ tài chính được huy động còn khá hạn chế. Hơn nữa, cần phải có thời gian để triển khai các dự án sẽ được tài trợ trong khuôn khổ « hiệp ước về tăng trưởng », làm giảm tác động tức thời của các biện pháp này đối với tăng trưởng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.