Vào nội dung chính
LIBAN - SYRIA

Đối lập Liban kêu gọi biểu tình lớn chống Syria

Tang lễ chỉ huy trưởng tình báo Liban, tướng Wissam Al-Assan, thiệt mạng trong vụ khủng bố mới đây, diễn ra vào ngày hôm nay 20/10/2012 tại Beyrouth. Vụ khủng bố đẫm máu khiến ít nhất 3 người chết và 126 người bị thương tại thủ đô Liban gây chia rẽ trong xã hội nước này. Nhiều chính trị gia Liban và chuyên gia ghi ngờ có bàn tay của chế độ Damas đằng sau cuộc khủng bố.

Đám đông giương cờ Liban và rước linh cữu tướng Wissam Al Assan, trong lễ truy điệu tại thủ đô Beyrouth, 21/10/2012
Đám đông giương cờ Liban và rước linh cữu tướng Wissam Al Assan, trong lễ truy điệu tại thủ đô Beyrouth, 21/10/2012 REUTERS
Quảng cáo

Theo phóng viên RFI, vài giờ trước đám tang tướng Wissam Al-Assan, không khí rất căng thẳng tại Beyrouth cũng như trên toàn Liban. Tại thủ đô, một số nhóm thanh niên dùng các lốp xe bị đốt cháy và thùng rác ngăn cản nhiều tuyến đường.

Tại Tripoli, thành phố quê hương của thủ tướng đương nhiệm Najib Mikati, người ta nghe thấy tiếng súng và lựu đạn nổ suốt đêm qua, ở vùng giáp ranh giữa các khu phố của người theo hai hệ phái Hồi giáo Sunni và Alawi. Hôm qua, thứ Bảy 20/10, một thủ lĩnh Sunni thân cận với Hezbollah, đã bị giết chết tại Tripoli.

Đối lập Liban chống chế độ Damas kêu gọi những người ủng hộ tham gia tuần hành đông đảo trong đám tang tướng Wissam Al-Assan. Cố chỉ huy tình báo Liban sẽ được mai táng bên cạnh cố thủ tướng Rafic Hariri. Nhà hoạt động chính trị nổi tiếng Hariri cũng bị sát hại trong một vụ khủng bố bằng bom năm 2005, mà nhiều người cho rằng do chính quyền Syria chủ mưu. Vụ khủng bố giết hại cố thủ tướng Hariri đã gây ra một làn sóng phản đối chống Syria chưa từng thấy tại Liban, khiến quân đội Syria phải rút khỏi nước này ngay trong năm 2005.

Về khả năng sụp đổ của chính phủ đương nhiệm tại Liban, thông tín viên RFI Paul Khalifeh cho biết chi tiết :

« Tình hình hiện tại rất nghiêm trọng. Nhiều tiếng nói phản đối dữ dội. Đối lập muốn nhân sự tức giận của người Liban sau cái chết của tướng Al-Assan, để gây áp lực lật đổ chính phủ, bị cáo buộc là tay sai của chính quyền Syria và lực lượng Hezbollah.

Nhưng thủ tướng Najib Mikati đã kháng cự lại được những áp lực đầu tiên và tuyên bố ông sẽ không rời chức vụ để bảo vệ quyền lợi của đất nước.

Trên thực tế, chính phủ Liban được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Mỹ, các nước châu Âu chủ chốt và các nước Ả Rập tại vùng Vịnh. Đại sứ các nước Mỹ, Pháp và Anh tại Beyrouth đã kêu gọi người Liban đoàn kết và thống nhất.

Tất cả các nước này đều lo ngại, nếu chính phủ hiện thời sụp đổ, sẽ xuất hiện một khoảng trống quyền lực và từ đó có thể Liban sẽ rơi vào hỗn loạn ».

Cũng liên quan đến vụ khủng bố tại Beyrouth, phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khẳng định, đây là « hệ quả của thảm kịch tại Syria » và « điều này càng cho thấy tổng thống Bachar al-Assad phải ra đi ».

Trong khi đó, Iran, đồng minh của chế độ Damas, thì một mặt lên án vụ khủng bố, mặt khác cáo buộc Israel là kẻ chủ mưu, nhằm gây chia rẽ người Liban.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.