Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

2013: Khu vực euro tiếp tục suy thoái kinh tế

Đăng ngày:

Sau khi đã giảm 0,6% vào năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội - GDP - của khối đồng tiền chung châu Âu lại tiếp tục giảm thêm 0,3 % trong năm nay. Thất nghiệp sẽ còn tăng trong năm 2013 và có tới 9 thành viên không thể giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước xuống dưới ngưỡng 3 % như quy định. Ủy ban châu Âu đã phác họa ra bức tranh kinh tế u ám như trên đối với 17 nước trong khối euro.  

2013: Kinh tế khu vực đồng euro tiếp tục khó khăn (Getty Images/Photodisc/Ken Welsh)
2013: Kinh tế khu vực đồng euro tiếp tục khó khăn (Getty Images/Photodisc/Ken Welsh)
Quảng cáo

« Suy thoái kinh tế, thất nghiệp bùng nổ » : Trung bình tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng euro năm nay sẽ lên tới 12 % và sẽ còn có khuynh hướng tăng thêm vào năm tới. Tây Ban Nha và Hy Lạp chưa biết sẽ phải làm gì để đem lại việc làm cho người dân, khi có tới trên dưới 27 % dân số trong tuổi lao động bị thất nghiệp.

Pháp : Giảm thâm hụt ngân sách, nhiệm vụ bất khả thi

Liên quan đến tình trạng kinh tế Pháp, Ủy ban châu Âu đưa ra những con số không mấy khả quan : Với một tỷ lệ tăng trưởng gần như ở số không, Pháp không đạt được mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống còn 3 % vào cuối năm 2013 ; chỉ số tiêu thụ vốn được coi là động lực chính, trong năm nay sẽ chỉ tăng 0,2 % ; sức mua của người dân tuột dốc do thất nghiệp và một số các biện pháp tăng thuế ; tỷ lệ tiết kiệm trung bình của người dân Pháp trong năm nay dự trù giảm 15 % so với năm ngoái.

Khi lên cầm quyền, tổng thống François Hollande cam kết hạ thâm hụt ngân sách Nhà nước xuống còn 3 % vào cuối năm 2013, nhưng mục tiêu đó chỉ có thể hoàn thành, nếu kinh tế vững mạnh và tăng trưởng GDP tối thiểu phải ở mức từ 0,8 đến 1,2 %. Với một tỷ lệ tăng trưởng chỉ là 0,1 % như dự báo của Ủy ban châu Âu vừa cho thấy, bội chi ngân sách của Pháp trong tài khóa 2013 sẽ là 3,7 % GDP. Ngoài ra, theo dự phóng của Ủy ban châu Âu, 2014 tiếp tục là một năm khó khăn : Cho dù GDP được dự trù tăng thêm 1,2 % vào năm tới, nhưng đây là một thành tích quá kém cỏi để cho phép đẩy lui thất nghiệp hay hướng tới mục tiêu giảm bội chi ngân sách.

Thông tín viên Quentin Dickinson từ Bruxelles cho biết thêm chi tiết :

« Theo các chuyên gia của Ủy ban châu Âu, Pháp không thể giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước xuống dưới mức 3,7 % GDP vào năm nay. Nếu như chính phủ Pháp không thay đổi đường lối, có nguy cơ là bội chi ngân sách sẽ tăng lên thành 3,9 % vào đầu 2014. Nợ công so với GDP của Nhà nước Pháp thì đã vượt xa quy định 60 % và hiện đang ở mức 93,4 % GDP trong năm 2013 và sẽ tăng lên thành 95 % vào năm tới.

Nhìn đến tỷ lệ thất nghiệp, tình hình có khuynh hướng thêm đen tối : Nnăm nay 10,6 % dân số Pháp trong tuổi lao động không có việc làm và bước sang năm 2014, tỷ lệ này sẽ là 11 %.

Cuối cùng, nếu như tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Pháp gần như ở số không, thì tin vui duy nhất được Ủy ban châu Âu đưa ra, đó là Liên Hiệp Châu Âu đang từng bước thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng tin vui đó mới chỉ là một dự báo mà thôi ».

Về câu hỏi chính quyền Pháp sẽ làm gì để giảm bội chi ngân sách theo như quy định của Hiệp ước ổn định châu Âu vào cuối 2014, tất cả mọi người chờ đợi nội các Ayrault sẽ tăng thuế hàng loạt.

Trả lời báo chí ngày 25/02/2013, bộ trưởng Ngân sách Jérôme Cahuzac nói rõ là chính phủ phải thu thêm 6 tỷ euro để « cân bằng hóa » các khoản chi tiêu. Để đạt được mục tiêu đó, từ nay cho đến giữa tháng 3, chính phủ sẽ thông báo về chính sách thu thuế mới. Có nhiều khả năng Nhà nước tăng thuế đánh vào dầu diesel, tăng thuế đánh vào các hộ gia đình có thu nhập cao, đánh thuế các khoản lương hưu trí, và đương nhiên là đánh thuế vào các sản phẩm tài chính.

Dù vậy, trả lời đài RFI Pháp ngữ, bộ trưởng Kinh tế Pháp Pierre Moscovici cố gắng trấn an dư luận, khi khẳng định là chính phủ thiên về giải pháp cắt giảm chi tiêu công cộng hơn là đánh thuế người dân.

Thất nghiệp : Paris bị bó tay

Sau những dự phóng bi quan của Ủy ban châu Âu, chính phủ Pháp tiếp tục nhận thêm một gáo nước lạnh từ phía cơ quan môi giới việc làm, Pôle Emploi : Số người thất nghiệp tăng liên tiếp trong 20 tháng qua. Hiện tại có tới 3,2 triệu người ghi danh tìm việc làm và 1/4 trong số đó đã mất việc từ một năm nay. Tham vọng của tổng thống François Hollande « đảo ngược tình thế » trên thị trường lao động Pháp vào cuối 2013 coi như tiêu tan.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Mathieu Plane, thuộc Cơ quan quan sát về tình hình kinh tế Pháp - OFCE - để hy vọng « đảo ngược tình thế » trên thị trường lao động, Pháp phải bảo đảm một tỷ lệ tăng trưởng tối thiểu là 1,5 %.

Nói cách khác, cho dù GDP có tăng 0,8 % như dự báo của Paris trước đây, chính phủ Pháp cũng không hy vọng đẩy lui nạn thất nghiệp. Sang năm, ngay cả trong trường hợp khả quan nhất - tức là kinh tế Pháp tăng 1,4 % vào năm 2014 thì tỷ lệ tăng trưởng đó cũng chưa thể cho phép chủ nhân điện Elysée mạnh dạn thông báo với người dân rằng kinh tế Pháp đủ vững mạnh để bảo đảm công ăn việc làm cho mọi nhà.

Pháp không phải là một trường hợp duy nhất : Một triệu chỗ làm trong khu vực đồng euro đã bị xóa bỏ chỉ riêng trong năm 2012 và Ủy ban châu Âu dự trù là tình trạng này sẽ tiếp diễn vào năm nay, tức là từ nay đến cuối năm, tại 17 nước sử dụng đồng euro sẽ lại có thêm ngần ấy người bị gạt ra ngoài thị trường lao động. Nhưng cũng phải nói là vào lúc mà cả châu Âu gặp khó khăn, thì Đức có thể tự hào với tỷ lệ thất nghiệp là 5,7 % (2013) và Áo là một trong những thành viên hiếm hoi có chỉ số nói trên dưới 5 %.

Tây Ban Nha, họa vô đơn chí

Nhìn sang bên kia dãy núi Pyrénées, Tây Ban Nha đang lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn : Với gần 27 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm ; theo dự báo của Ủy ban châu Âu, thâm thủng ngân sách Nhà nước trong tài khóa 2013 sẽ là 6,7 % GDP và sẽ tăng lên thành 7,2 % vào năm tới. Đương nhiên, Madrid đã nỗ lực trong việc giảm bội chi ngân sách vốn đã đạt tới mức kỷ lục 10,2 % vào năm ngoái, nhưng mức thâm hụt trên dưới 7 % GDP vừa nêu cao hơn gấp đôi so với quy định của châu Âu.

Thủ tướng Rajoy đã thông qua một kế hoạch khắc khổ 150 tỷ euro trong 3 năm và vừa thông báo kế hoạch thứ nhì với hy vọng « tiếp sức cho thị trường lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp cỡ nhỏ ». Theo giới quan sát, những hứa hẹn vực dậy kinh tế, cải thiện tình trạng ngân sách Nhà nước hay đẩy lùi thất nghiệp của Madrid đều sẽ khó thực hiện khi biết rằng tổng sản phẩm nội địa của quốc gia này trong năm 2013 giảm 1,4 %.

Nhìn đến một chỉ số khác là nợ công so với tổng sản phẩm nội địa : Năm ngoái, tổng nợ công của Tây Ban Nha tương đương với 88 % GDP, nhưng do khó khăn kinh tế chồng chất, và GDP sụt giảm, chỉ số này nhảy vọt lên thành 96 % trong tài khóa 2013 và sẽ vượt quá ngưỡng 100 % vào năm tới.

Chiều hướng gia tăng này càng đáng lo ngại khi biết rằng vào năm 2008 - tức là trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ - , tỷ lệ nợ công/GDP của Tây Ban Nha là 40 %. Khi đó, nợ công của Tây Ban Nha so với tổng sản phẩm nội địa còn thấp hơn cả so với quy định 60% của châu Âu.

Hiện tượng vỡ bong bóng địa ốc năm 2008 đánh gục hàng loạt các tập đoàn tài chính và ngân hàng Tây Ban Nha. Khu vực này đã liên tục phải cải tổ, nhưng đã ba năm qua vẫn chưa hồi phục. Vào mùa xuân năm ngoái, Bankia ngân hàng lớn thứ tư trên toàn quốc đã phải cầu viện chính phủ và cũng muốn tránh để ngành tài chính, ngân hàng của mình bị đánh sập vì nợ xấu, chính quyền Madrid đã bơm tiền vào cho nhiều tập đoàn ngân hàng. Đây là lý do giải thích vì sao bội chi ngân sách Nhà nước đã tăng đột ngột (10,2 % GDP) vào năm 2012.

Qua tác động dây chuyền, vì muốn tránh để cho Madrid trở thành mục tiêu tấn công của các nhà đầu cơ, Bruxelles đã phải thống nhất về một kế hoạch hỗ trợ cho ngành ngân hàng Tây Ban Nha. Kế hoạch đó có thể lên tới 100 tỷ euro. Thế nhưng cuối cùng Madrid chỉ cần đến gói hỗ trợ 40 tỷ của châu Âu.

Thông tín viên RFI từ Madrid François Musseau phân tích thêm :

« Gáo nước lạnh đối với chính quyền thuộc cánh bảo thủ của ông Mariano Rajoy. Ông đã cam kết đưa Tây Ban Nha tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm vào cuối năm nay hay tệ lắm là vào đầu năm tới. Vấn đề đặt ra là Bruxelles đã đưa ra những kết luận hoàn toàn trái ngược với những gì thủ tướng Rajoy đã cam kết với người dân. Thất nghiệp ở Tây Ban Nha không thuyên giảm mà còn có khuynh hướng gia tăng thêm. Như vậy sẽ có từ 25 đến 27 % dân số trong tuổi lao động không có công việc làm. Đây là mức cao lịch sử.

Một kỷ lục đáng buồn khác là nợ công của Tây Ban Nha mấp mé ngưỡng 100 % so với GDP. Thâm hụt ngân sách Nhà nước trên đà gia tăng từ nay đến cuối năm 2014. Đấy là chưa kể Madrid sẽ phải trả nợ 40 tỷ euro cho châu Âu trong khuôn khổ kế hoạch cứu nguy ngành ngân hàng Tây Ban Nha.

Tóm lại, nhiều tin xấu dồn dập ập đến Madrid vào lúc thủ tướng Mariano Rajoy đang cố gắng thuyết phục người dân tiếp tục thắt lưng buộc bụng để cải thiện tình hình. Có nhiều khả năng đảng cầm quyết sẽ phải tăng thuế, đặc biệt là TVA. Mặt khác, chính quyền Madid cũng sẽ phải cắt giảm hàng loạt các khoản chi tiêu, kể cả những khoản mà nội các Rajoy từng hứa là sẽ không đụng tới, chẳng hạn như là lương hưu và các khoản trợ cấp thất nghiệp ».

Hiệp ước tăng trưởng của Châu Âu ?

Sát cạnh Tây Ban Nha là Bồ Đào Nha : Từ tháng 9/2012, Lisboa đã đạt được thỏa thuận với Bruxelles để « nới lỏng thời hạn thi hành chính sách khắc khổ ». Vào tháng 5/2011, Bồ Đào Nha nhận được gói hỗ trợ 78 tỷ euro của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Đổi lại, chính quyền nước này cam kết giảm bội chi ngân sách xuống còn 3 % GDP vào cuối năm nay.

Nhưng trong bối cảnh kinh tế lún sâu thêm vào khủng hoảng sau ba năm tăng trưởng ở số âm, (GDP Bồ Đào Nha cho năm 2013 tiếp tục giảm 3,2 %) nội các của thủ tướng Pedro Passos Coelho đã thương lượng với các nhà tài trợ để dời mục tiêu 3 % thâm thủng ngân sách sang năm tới.

Nhìn chung, 7 trong số 17 thành viên khối euro trong năm nay sẽ trông thấy tổng sản phẩm nội địa của mình tiếp tục đi xuống. Đó là trường hợp của Hy Lạp, Chypre, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Slovenia và Hà Lan. Khá hơn một chút kinh tế Pháp và Bỉ sẽ tăng theo thứ tự, là 0,1 và 0,2 %.

Đầu tàu kinh tế của khu vực đồng euro là Đức cũng chỉ trông thấy GDP của mình tăng 0,5 % mà thôi. Những ai theo dõi sát về thời sự châu Âu còn nhớ rằng cách nay đúng một năm cũng Ủy ban châu Âu đã dự báo là tăng trưởng kinh tế của eurozone trong năm 2013 đạt 1,3 % (của Pháp là 1,4 %).

Lần này cũng vậy Bruxelles báo trước một viễn cảnh kinh tế tươi sáng hơn cho mùa xuân 2014. Thế nhưng, đâu là động lực tạo ra tăng trưởng cho khu vực đồng euro ?

Thông thường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa là hai nguồn lực đem lại thịnh vượng kinh tế. Khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu có thể kỳ vọng vào cả hai đầu máy kinh tế đó hay không khi biết rằng tăng trưởng trong khối đang suy sụp, tỷ lệ thất nghiệp trung bình lên của eurozone đã vượt quá ngưỡng 12 %, hàng xuất khẩu đang phải đương đầu với một đồng euro cao giá so với đô la Mỹ và so với đồng yen Nhật Bản ?

Trong trường hợp cụ thể của Bồ Đào Nha : Kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này trong quý 4/012 chỉ tăng 1 %, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả năm là 5,8 %. Vấn đề đặt ra là 60 % xuất khẩu của Bồ Đào Nha là để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các đối tác trong khu vực đồng euro và Tây Ban Nha là đối tác thương mại quan trọng nhất của Bồ Đào Nha. Trong bối cảnh toàn khối euro lâm vào suy thoái kinh tế, Tây Ban Nha tăng trưởng ở số âm, chắc chắn ngành xuất khẩu của Bồ Đào Nha chưa thể khởi sắc trở lại. Cộng thêm với nạn thất nghiệp đang hoành hành, tiêu thụ nội địa và đầu tư trong nước coi như cũng đều bị đóng băng. Vậy thì đâu sẽ là động lực tạo ra tăng trưởng cho Bồ Đào Nha ?

Một số chuyên gia kinh tế ít bi quan hơn cho rằng, báo cáo về tình hình kinh tế của khối euro vừa được Ủy ban châu Âu công bố hôm 22/02/2013 là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy chính sách khắc khổ mà Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu áp đặt kể từ hơn 3 năm qua đã không đem lại kết quả mong muốn.

Bruxelles bắt đầu lúng túng : Một mặt vẫn phải duy trì chính sách khắc khổ để tạo lòng tin với các nhà đầu tư, nhưng mặt khác thì châu Âu đã ý thức được rằng « con giun xéo lắm cũng oằn ». Sức chịu đựng của người dân trước các chính sách thắt lưng buộc bụng cũng có hạn.

Biết đâu suy thoái kinh tế lại là điểm khởi đầu để Bruxelles tìm ra một hướng đi mới cho chính sách kinh tế của khu vực đồng euro ?

Một tín hiệu châu Âu vừa bắn đi là Ủy viên châu Âu đặc trách về chính sách kinh tế và tiền tệ Olli Rehn tuyên bố : Trong vấn đề quản lý ngân sách, châu Âu sẽ « cứu xét từng trường hợp một ». Điều đó báo trước trong tường hợp bị suy thoái kinh tế, Ủy ban châu Âu có thể cho phép một quốc gia tạm ngưng áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu triệt để hòng dành ưu tiên cho tăng trưởng.

Điểm thứ nhì đáng lưu ý : Hiệp ước ổn định châu Âu vẫn duy trì hai tiêu chuẩn quan trọng là tỷ lệ thâm hụt ngân sách Nhà nước không được vượt quá ngưỡng 3 % GDP và mức nợ Nhà nước không được quá 60 % GDP.

Tuy nhiên, gần đây, các giới chức Bruxelles không chỉ nói tới bội chi ngân sách Nhà nước 3 % mà nói đã nói tới « mức bội chi ngân sách cơ cấu » tức là khoản thâm hụt ngân sách trung bình được tính trên một khoảng thời gian nhất định. Cụ thể là trong trường hợp của Pháp, nếu căn cứ vào mức thâm hụt ngân sách trong một năm thì tỷ lệ thâm hụt so với GDP của Pháp trong năm 2013 là 3,7 %, nhưng nếu tính theo tiêu chuẩn « bội chi ngân sách cơ cấu » thì tỷ lệ đó rơi xuống còn 1,9 %.

Tuy nhiên đây sẽ là một công cụ đo lường khá phức tạp mà cho tới nay, giới chuyên gia ở Bruxelles chưa hoàn toàn đồng ý về phương thức tính toán.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.