Vào nội dung chính
AI CẬP

Quốc tế lên án Ai Cập giải tán biểu tình đẫm máu

Ngay sau khi chính quyền Cairo dùng vũ lực giải tán biểu tình vào ngày hôm qua 14/08/2013, quốc tế đồng loạt lên án và chỉ trích hành động này. Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền ngăn chặn bạo lực và tổ chức bầu cử. Pháp đề nghị đưa vụ việc ra trước Liên Hiệp Quốc.

Việc quân đội Ai Cập dùng sức mạnh để dẹp biểu tình làm gần 350 người thiệt mạng - REUTERS /A. Waguih
Việc quân đội Ai Cập dùng sức mạnh để dẹp biểu tình làm gần 350 người thiệt mạng - REUTERS /A. Waguih
Quảng cáo

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định cuộc đàn áp hôm qua là « một đòn nặng nề đối với nỗ lực hòa giải và hy vọng chuyển tiếp dân chủ của nhân dân Ai Cập ». Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền chuyển tiếp và quân đội « cố gắng hơn nữa để ngăn chặn bạo lực » và « đưa ra các giải pháp mang tính xây dựng, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp, và tổ chức bầu cử Quốc hội và tổng thống ».

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ không hề nói một lời nào về khoản viện trợ quân sự hàng năm 1,3 tỷ đô la cho quân đội Ai Cập. 

Về phần mình, 10 giờ sáng hôm qua, tức vài giờ sau cuộc tấn công của cảnh sát, Pháp triệu mời đại sứ Ai Cập đến phủ Tổng thống. Paris yêu cầu Cairo « ngừng ngay mọi hành động đàn áp » và khẳng định đã đề nghị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và các đối tác chủ yếu hành động để « đưa ra khẩn cấp một lập trường quốc tế chung theo hướng này ». Đức yêu cầu « nối lại ngay lập tức các đàm phán » để ngăn chặn « một cuộc tắm máu mới ». 

Ngay trước đó, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng kêu gọi « cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Hội đồng Bảo an, cùng Liên đoàn Ả Rập » có ngay phản ứng để chấm dứt « cuộc thảm sát này ». Theo thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, chính thái độ nhẹ nhàng của cộng đồng quốc tế đối với « cú đảo chính » ở Ai Cập, đã « khuyến khích chính quyền hiện tại tính đến chuyện dùng vũ lực hôm nay ».

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul thì so sánh việc « quân đội can thiệp chống lại thường dân biểu tình » ở Ai Cập với những gì diễn ra vào thời kỳ đầu của cuộc phản kháng tại Syria, trước khi chuyển sang xung đột vũ trang. 

Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ « nỗi quan ngại vô cùng lớn » trước biến cố kể trên. Người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu Catherine Ashton lên án « bạo lực và sự đối đầu không thể dẫn đến bất cứ một giải pháp nào ».

Bà Catherine Ashton đã có mặt tại Cairo trước đó ít ngày, với tư cách là đặc phái viên của Châu Âu, để tìm cách tháo gỡ khủng hoảng, nhưng những nỗ lực của lãnh đạo ngoại giao Châu Âu đã không đạt kết quả.

Trong vấn đề này, giữa các nước thành viên Liên Âu cũng có khá nhiều khác biệt. Một số nguyên thủ ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ, trong khi đó, một số nhà ngoại giao thì không chấp nhận Hồi giáo cực đoan và đồng ý với việc quân đội can thiệp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.