Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Biến đổi khí hậu : Nhóm GIEC báo động

Sau bốn ngày thảo luận tại Stockholm, Thụy Điển, hôm nay, 27/09/2013, Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu – GIEC – đã cho công bố một phần trong bản báo cáo thứ năm, về hiện tượng biến đổi khí hậu. Các dự báo trong bản báo này đáng lo ngại hơn so với nội dung của bản báo cáo cách nay 6 năm, cũng điều chỉnh lại các dự báo.

Ông Michel Jarraud, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO, phát biểu cạnh Chủ tịch IPCC Rajendra Pachauri (P) nhân buổi giới thiệu báo cáo về khí hậu tại Stockholm (Thụy Điển).
Ông Michel Jarraud, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO, phát biểu cạnh Chủ tịch IPCC Rajendra Pachauri (P) nhân buổi giới thiệu báo cáo về khí hậu tại Stockholm (Thụy Điển). REUTERS/Bertil Enevag Ericson/TT News Agency
Quảng cáo

Các nhà khoa học khẳng định chắc chắn rằng hiện tượng gia tăng nhiệt độ trên trái đất là do các hoạt động của con người, đồng thời cũng điều chỉnh lại các dự báo.Từ nay đến cuối thế kỷ, nhiệt độ trên trái đất tăng thêm 5°C, nước biển dâng thêm 80 cm…

Các kết luận ngày càng bi quan của GIEC tùy thuộc vào các hiểu biết. Các báo cáo của GIEC là bản tổng hợp những công trình nghiên cứu gần đây nhất và hoàn chỉnh nhất trong lĩnh vực thời tiết khí hậu. Cùng với thời gian, các mô hình đánh giá và dự báo cũng thay đổi. Nói một cách khác, công tác nghiên cứu đạt được những tiến bộ.

Sau khi lựa chọn và xem xét lại các công trình nghiên cứu, GIEC làm một báo cáo tổng hợp dầy hàng trăm trang và nộp cho các chính phủ.

Do vậy, các dự báo trong lĩnh vực Đại dương học đã chuyển từ mức đáng lo ngại sang mức báo động : Bản báo cáo thứ tư của GIEC, năm 2007, nhận định là mực nước biển có thể tăng thêm 60 cm vào năm 2100. Bản báo cáo thứ năm, được công bố hôm nay, đưa ra con số 80 cm, từ nay đến cuối thế kỷ, bởi vì trong các tính toán khoa học, giới chuyên gia đã chú ý tới vai trò của vùng Greenland và Nam Cực. Trước đây, các chuyên gia cho rằng hai cực này không góp phần làm tăng mực nước biển, sau đó, họ quan tâm tới tốc độ tan chảy băng ở hai nơi này và nhận thấy hiện tượng này góp phần làm nước biển dâng cao. Ông Jean Jouzel, Phó Chủ tịch GIEC giải thích, khí hậu nóng lên là băng tan chảy nhanh hơn.

Như vậy, trong bốn ngày qua, các chuyên gia đã có những cuộc trao đổi, thảo luận thực sự khoa học. Thách thức không phải chỉ là biết được một cách chính xác tương lai của trái đất hoặc trách nhiệm của con người trong hiện tượng biến đổi khí hậu, mà là xác định các chính sách có thể thực thi để đối phó với hiện tượng này.

Việc kiểm soát sự hâm nóng trái đất đòi hỏi phải làm chủ được hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thu gom khí CO2 trong bầu khí quyển. Để làm việc này, chính phủ các nước phải đầu tư vào các năng lượng tái tạo và giảm thiểu việc sử dụng các năng lượng gây ô nhiễm. Đây là những khoản đầu tư lớn mà cho đến nay, nhiều quốc gia chưa thực hiện.

Một số người còn chờ đợi việc đánh giá về các rủi ro liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu và những hậu quả thiên tai. Nhưng đối với ông Jean Charles Hourcade, kinh tế gia thuộc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Môi trường và Phát triển, thành viên của GIEC, thì việc tính toán như vậy là không khả thi và vô ích. Nói một cách khác, tỷ lệ rủi ro phải đủ lớn thì mới biện minh được cho việc đưa ra các phòng ngừa từ trước.

Liên quan đến việc định lượng cụ thể những rủi ro và thiên tai, đây là điều bất khả thi. Do vậy, kinh tế gia này khuyến nghị hành động thận trọng và khôn khéo, có nghĩa là đầu tư vào kinh tế xanh. Đối với những quốc gia chống lại chính sách phòng ngừa này với lý do có khủng hoảng, ông Hourcade có câu trả lời là sử dụng nguồn vốn của quỹ tiết kiệm. Nhiều nước hiện nay có quỹ tiết kiệm rất lớn mà không biết làm gì. Thay vì khuyến khích đầu tư vào bất động sản, lẽ ra các Nhà nước khuyến khích đầu tư vào kinh tế xanh. Đây là cách duy nhất để có thể thoát ra khỏi khủng hoảng một cách bền vững mà không bị rơi vào vòng xoáy các chu kỳ đầu cơ như trong quá khứ.

Hôm nay, phần báo cáo khoa học đã được công bố, và đến mùa xuân tới, GIEC sẽ cho công bố phần còn lại liên quan đến việc đánh giá các hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu và đưa ra các khuyến nghị. Đây là một trắc nghiệm trong công tác tổ chức chính trị và kinh tế của mỗi quốc gia, cũng như của Liên Hiệp Quốc và 192 quốc gia đã đàm phán các công ước về khí hậu dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc.

Trong khi chờ đợi, có nhiều số liệu gây lo ngại ; Tỷ lệ CO2 trong không khí hiện ở mức cao nhất kể từ 2,5 triệu năm qua. Theo các chuyên gia, nhiệt độ trên trái đất sẽ tăng thêm 4,8°C từ nay đến cuối thế kỷ, tức là cao hơn nhiều so với mức 2°C mà trong các cuộc đàm phán trước đây, các quốc gia đã đề ra như là mục tiêu phấn đấu kìm hãm quá trình hâm nóng trái đất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.