Vào nội dung chính
KHỦNG BỐ

Kenya : Interpol truy lùng « Góa phụ trắng »

Kenya vẫn còn tang tóc sau vụ tấn công khủng bố tại trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi. Cảnh sát hình sát quốc tế đang truy lùng một phụ nữ bí ẩn người Anh, Samantha Lewthwaite, có biệt danh « Góa phụ trắng ». Theo yêu cầu của Kenya, Interpol ra « thông báo đỏ », yêu cầu bắt giữ nhân vật này trong một vụ việc khác. Đây không phải lần đầu tiên mà cái tên Samantha Lewthwaite xuất hiện trong một vụ khủng bố tại Kenya, khiến ít nhất 67 người chết.

Nhân vật Samantha Lewthwaite, được mệnh danh là "Góa phụ trắng", bị tình nghi can dự vào vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Nairobi, thủ đô Kenya.
Nhân vật Samantha Lewthwaite, được mệnh danh là "Góa phụ trắng", bị tình nghi can dự vào vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Nairobi, thủ đô Kenya. REUTERS/Interpol/Handout via Reuters
Quảng cáo

Samantha Lewthwaite, 29 tuổi, còn được biết với tên Natalie Webb, bị truy nã tại Kenya vì sở hữu thuốc nổ và mưu đồ gây một tội ác. Cảnh sát Nairobi nghi ngờ người này đã đứng đằng sau một vụ khủng bố năm 2011, tại Mombasa, một thành phố ở vùng biên giới Kenya.

Người phụ nữ mệnh danh « Góa phụ trắng » bắt đầu được biết đến từ năm 2005. Samantha Lewthwaite là vợ của một trong các thủ phạm vụ tấn công khủng bố ở tầu điện ngầm Luân Đôn, khiến 56 người thiệt mạng vào năm đó. Góa phụ lên án hành động của người chồng, rồi bỏ trốn khỏi nước Anh và biệt tích sau đó. Samantha Lewthwaite tới Nam Phi và nhận được một hộ chiếu giả tại đó vào năm 2008.

Chính quyền Kenya đưa ra các thông tin mâu thuẫn về vụ khủng bố ở trung tâm thương mại tại Nairobi. Báo chí Anh bàn luận nhiều về sự tham gia của « Góa phụ trắng » trong cuộc khủng bố vừa qua, nhưng các « Shebab » Somali đứng đằng sau vụ tấn công này thì phủ nhận mọi can thiệp của người nước ngoài.

Theo giới quan sát, cho đến nay không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy nhân vật bí ẩn này tham gia vào cuộc tấn công. Anh là nơi có cộng đồng người Somalia lớn nhất tại Châu Âu, ước tính khoảng từ 100.000 đến 200.000 người. Vụ khủng bố xẩy ra tại Nairobi đánh thức những hồi ức đau đớn trong cộng đồng Somalia tại đây. Một người gốc Somalia đã tham gia vào vụ khủng bố hụt, tiếp theo vụ đánh bom tầu điện ngầm 2005.

Theo Viện nghiên cứu Luân Đôn RUSI, khoảng 50 người Anh đầu quân vào phong trào Shebab, tạo thành một trong các đơn vị quan trọng nhất người ngoại quốc của phong trào thánh chiến Hồi Giáo này. Somalia, đất nước trong nhiều năm bị coi là tham nhũng và tồi tệ nhất thế giới, đã hàng chục năm chìm trong nội chiến.

Cuối năm 2011, quân đội Kenya, theo thỏa thuận với chính phủ liên bang Somalia, đã tham gia vào cuộc truy quét các nhóm vũ trang thuộc lực lượng Shebab, bị cáo buộc bắt cóc các khách du lịch và nhân viên nhân đạo quốc tế tại Kenya. Mới đây vào tháng 5/2013, thủ tướng Anh David Cameron thừa nhận, chủ nghĩa khủng bố ở Somalia « không chỉ là việc của riêng Somalia, (…) chính ở đây an ninh của thế giới bị đe dọa ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.