Vào nội dung chính
SYRIA

Vừa khai mạc, hòa đàm Genève về Syria có nguy cơ thất bại

Lần đầu tiên tham dự cuộc thương lượng về hòa bình cho Syria sau ba năm nội chiến, đặc sứ của Tổng thống Bachar Al Assad và các thành viên phe đối lập đã không chịu ngồi vào cùng một bàn hội nghị tại Genève hôm nay 24/01/2014. Thậm chí phía Damas còn đe dọa sẽ rời hội nghị ngày mai nếu cảm thấy « không nghiêm túc ».

Trong đoàn của chính phủ Syria dự hội nghị Genève - Thứ trưởng ngoại giao Faisal Mekdad (G) đến họp riêng với đặc sứ  Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi, ngày 24/01/2014.
Trong đoàn của chính phủ Syria dự hội nghị Genève - Thứ trưởng ngoại giao Faisal Mekdad (G) đến họp riêng với đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi, ngày 24/01/2014. Reuters
Quảng cáo

Đến Genève từ hôm qua sau cuộc họp căng thẳng ở Montreux tập hợp khoảng bốn chục quốc gia và tổ chức, hai đoàn đại biểu Syria sẽ đi thẳng vào vấn đề nhằm cố gắng chấm dứt cuộc chiến đã làm cho trên 130.000 người chết tại Syria và hàng triệu người phải di tản.

Các nhà ngoại giao và quan sát viên không mấy lạc quan về kết quả thương lượng, nhưng cho rằng chỉ cần hai phe chấp nhận ngồi chung trong một gian phòng hội nghị thì đã là một sự kiện. Tuy nhiên điều này đã không diễn ra.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi thoạt tiên phải thảo luận vào 10 giờ GMT với đoàn đại biểu chính phủ Damas do nhà ngoại giao lão luyện, Ngoại trưởng Walid Mouallem dẫn đầu. Sau đó ông Brahimi sẽ gặp gỡ phe đối lập do thủ lĩnh Liên minh Syria Ahmad Jarba lãnh đạo vào 15 giờ GMT.

Theo nguồn tin từ cả hai phe, đối lập đã từ chối ngồi chung bàn hội nghị với chế độ Damas, với lý do chính phủ Syria phải chấp nhận nguyên tắc một chính phủ chuyển tiếp không có ông Assad, trước khi tiến hành mọi đối thoại trực tiếp.

Do không đồng thuận về vấn đề trung tâm này, ông Brahimi có thể cùng với phương Tây và Nga tập trung tìm kiếm các biện pháp ban đầu nhằm giúp đỡ thường dân. Các đại biểu có thể thảo luận về chuyển hàng viện trợ nhân đạo, ngưng bắn từng phần ngay từ đầu hội nghị.

Một phần của phương trình này còn dựa trên năng lực của những « người đỡ đầu » của hai phía. Hôm thứ Tư 22/1 tại Montreux, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không tiếc lời đả kích Damas và đòi hỏi ông Assad phải rời bỏ quyền lực. Về phía Nga đã chứng tỏ sự ủng hộ vừa mạnh mẽ vừa linh hoạt đối với Damas. Hiện không ai biết được trong cuộc đấu tranh ảnh hưởng này, phương Tây, Nga, các vương quốc vùng Vinh và Syria, ai sẽ giành được nước cờ ưu tiên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.