Vào nội dung chính
AI CẬP - VĂN HÓA

Các viện bảo tàng Ai Cập trả giá đắt do bất ổn chính trị, mất an ninh

Tổ chức Giáo dục Khoa học Văn hóa Liên Hiệp Quốc – UNESCO – đã quyết định phải hỗ trợ viện bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo Cairo, Ai Cập. Đây là một trong những viện bảo tàng cổ nhất và quan trọng nhất về nghệ thuật Hồi giáo trên thế giới. Ngày 24/01/2013, viện bảo tàng này đã bị hư hại nặng trong một vụ khủng bố tấn công vào tổng hành dinh cảnh sát ở gần đó.

Các chuyên gia đang phục chế các cổ vật tại viện bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo, Cairo, Ai Cập (ảnh chụp 26/01/2014)
Các chuyên gia đang phục chế các cổ vật tại viện bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo, Cairo, Ai Cập (ảnh chụp 26/01/2014) REUTERS/Amr Abdallah Dalsh
Quảng cáo

Theo thông tín viên RFI tại Cairo, nhìn thoạt qua, viện bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo ở trong tình trạng thảm họa. Mặt trước của viện bảo tàng trống huếch hoác. Các ô hoa văn trang trí bằng sứ Kutahia Thổ Nhĩ Kỳ đã biến mất.

Sức ép của vụ nổ làm cho chiếc cổng gỗ bị hư hại. Theo những hình ảnh được công bố, bên trong khu nhà viện bảo tàng còn tệ hại hơn. Một cột đèn bị bom hất tung vào giữa nhà. Trần nhà bị sập. Một số nhà trong khu bảo tàng hầu như không còn mái. Mảnh kính rơi vãi khắp nơi, các tủ kính bị sập và các cổ vật trưng bày bị vỡ vụn. Vào thời điểm xẩy ra vụ khủng bố, viện bảo tàng đang trưng bầy một bộ sưu tập bao gồm các loại đèn mamelouke, các bình sứ được trang trí rất đẹp, các hoa văn bằng gỗ trang trí cho các đền thờ Hồi giáo. Những cổ vật này lại bị hư hỏng nhiều nhất.

Chính quyền Ai Cập đang cho thẩm định thiệt hại. Các chuyên gia Ai Cập đã bắt tay vào công việc, với sự trợ giúp của các đồng nghiệp UNESCO. Đại sứ Ai Cập tại tổ chức quốc tế này ngay lập tức đã lên tiếng báo động, kêu gọi giúp đỡ. Hiện giờ, người ta đang chờ đợi bản báo cáo của các chuyên gia thẩm định chi phí trùng tu khu nhà và các cổ vật.

Xin nhắc lại là viện bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo đã phải đóng cửa trong vòng 7 năm để trùng tu, với sự hợp tác của viện bảo tàng Louvre của Pháp. Cơ sở này mới mở cửa trở lại năm 2010. Vào thời điểm đó, việc trùng tu, sang sửa tốn 10 triệu euro.

Viện bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo không phải là nơi duy nhất bị hư hại kể từ sau cuộc nổi dậy, lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarack, ngày 25/01/2011. Viện bảo tàng Ai Cập, ở quảng trường Tahrir, Cairô, đã bị những kẻ trộm cắp đập phá vào thời điểm xẩy ra cuộc nổi dậy. Lực lượng an ninh thì vắng mặt, chính những người biểu tình đã bắt giữ những kẻ trộm cắp và canh giữ viện bảo tàng cho đến khi chế độ Mubarack sụp đổ.

Năm ngoái, tranh thủ thời điểm lộn xộn sau vụ hạ bệ Tổng thống Mohamed Morsi, thuộc tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, kẻ trộm đã tấn công viện bảo tàng Ai Cập tại Mallawi, ở miền trung. Hơn 10 ngàn cổ vật bị mất và nhiều cổ vật khác bị đập phá. Cũng tại nơi này, những người tranh đấu, bảo vệ di sản đã có mặt đầu tiên tại hiện trường. Bộ trưởng phụ trách Các công trình cổ đại, tuy tại chức, đã không dám đến nơi này vì lý do mất an ninh.

Hiện giờ, toàn nước Ai Cập đang hứng chịu cảnh đập phá của những tên kẻ trộm chuyên đào mộ cổ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.