Vào nội dung chính
AI CẬP - CHÍNH TRỊ

Chính phủ Ai Cập từ nhiệm trước bầu cử Tổng thống

Hôm nay, 24/02/2014, theo AFP, Thủ tướng Ai Cập Hazem el-Benlaoui chính thức đệ đơn xin từ chức cùng với toàn bộ chính phủ, nhưng không đưa ra một lý do nào cụ thể. Tuyên bố từ nhiệm của chính phủ Ai Cập được đưa ra trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn vào vào giữa tháng 4.

Ông Hazem el-Beblawi, Thủ tướng trong chính phủ vừa đệ đơn từ chức, tại Abu Dhabi, 27/10/2013
Ông Hazem el-Beblawi, Thủ tướng trong chính phủ vừa đệ đơn từ chức, tại Abu Dhabi, 27/10/2013 REUTERS/Ben Job/Files
Quảng cáo

Theo luật pháp Ai Cập, để có quyền ra ứng cử Tổng thống, tướng Abdel Fattah al-Sissi, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó thủ tướng, phải từ nhiệm và rời bỏ các chức vụ trong quân đội. Nhiều người cho rằng việc từ nhiệm của chính phủ là để mở đường cho ông Sissi ứng cử Tổng thống.

Quyết định từ nhiệm của chính phủ được thông qua sau cuộc họp kéo dài 15 phút với các bộ trưởng. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng mãn nhiệm ca ngợi thành tích của chính phủ trong gần bảy tháng cầm quyền, trong bối cảnh an ninh bất ổn và kinh tế khó khăn, với các làn sóng bạo lực liên tiếp diễn ra cùng với sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Morsi.

Thủ tướng Hazem el-Benlaoui, với sự hậu thuẫn của quân đội, được bổ nhiệm vào mùa hè năm ngoái sau khi Tổng thống Mohamed Morsi, thuộc phong trào Huynh đệ Hồi giáo bị lật đổ ngày 03/07/2013. Tướng Sissi, tư lệnh quân đội, được coi là người đạo diễn cuộc hạ bệ viên Tổng thống được bầu lên theo thể thức dân chủ. Sau một thời gian lan truyền tin ông Sissi sẽ ra ứng cử Tổng thống, gần đây, tướng Sissi không che dấu ý định nắm quyền nguyên thủ Ai Cập.

Tướng Sissi được coi là người có uy tín nhất trong quân đội, và cũng được rất nhiều người dân coi như là một « người hùng ». Được coi là hiện thân cho sự ổn định của đất nước, ông Sissi có rất nhiều khả năng giành chiến thắng.

Theo một số nhà bình luận, việc Tướng Sissi ứng cử Tổng thống, ba năm sau cuộc "cách mạng sông Nil", cho thấy sự trở lại của quân đội, trên thực tế đã nắm quyền liên tục tại Ai Cập trong hơn nửa thế kỷ, từ khi nền quân chủ bị xóa bỏ năm 1952-1953 cho đến khi ông Moubarak bị hạ bệ năm 2011.

Thời gian từ đây đến khi bầu cử, cựu Thủ tướng Hazem el-Benlaoui được giao nhiệm vụ điều hành các công việc nội vụ của Ai Cập.

Giải thích lý do cuộc từ nhiệm tập thể nói trên, người phát ngôn của chính phủ Hani Salah giải thích với AFP rằng quyết định này xuất phát từ « cảm nhận rằng (chính phủ) cần phải được thay máu mới ». Tuy nhiên, trong hiện tại người phát ngôn chính phủ cũng chưa xác định được các bộ trưởng nào sẽ được giữ lại trong chính phủ mới.

Chính phủ trước khi từ nhiệm đã đưa ra hai kế hoạch phục hồi kinh tế, với các đầu tư từ một số quốc gia giầu có vùng Vịnh Persique, tuy nhiên các kế hoạch này bị phản đối ngay cả trong hàng ngũ thân cận với Tướng Sissi.

« Cách mạng » lâm nguy hay bước đi đầu tiên của giai đoạn « quá độ dân chủ » ?

Về viễn cảnh chính trị Ai Cập, trả lời AFP, lãnh đạo cánh tả Hamdeen Sabbahi – người duy nhất chính thức ứng cử Tổng thống cho đến nay - bày tỏ lo ngại về khả năng một chính quyền độc đoán sẽ thống trị đất nước. Theo ông, kể từ khi Tổng thống Morsi bị hạ bệ, hơn 1.400 người thiệt mạng (theo Amnesty International), chủ yếu trong hàng ngũ phe Huynh đệ Hồi giáo. Còn hiện tại, các nhà tranh đấu trẻ trở thành đối tượng của các đàn áp.

Theo ứng cử viên Tổng thống Hamdeen Sabbahi, cuộc « cách mạng » lật đổ Hosni Moubarack, chấm dứt 30 năm chế độ độc tài hồi đầu năm 2011, đang lâm nguy, các thanh niên làm nên phong trào 2011, rồi tham gia vào phong trào chống Morsi hồi tháng 6/2013, « cảm thấy cuộc cách mạng của họ bị đánh cắp (…) bởi nhiều đồng chí của họ bị bỏ tù, một số người bị giết hại ngay trước mặt họ ».

Về phần mình, Thủ tướng mãn nhiệm cho rằng Ai Cập vừa trải qua giai đoạn đầu tiên của « cuộc quá độ dân chủ », mà quân đội đã hứa hẹn khi lật đổ ông Moris, với cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp vừa diễn ra hồi tháng 1/2014. Trong cuộc bỏ phiếu này, hơn 98% cử tri bỏ phiếu thuận, nhưng trên thực tế cuộc trưng cầu – bị giới trẻ tẩy chay – chỉ được gần 39% cử tri tham gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.