Vào nội dung chính
TRUNG CẬN ĐÔNG

Ai Cập : Thêm gần 700 người ủng hộ cựu Tổng thống Morsi bị án tử hình

Theo AFP, hôm nay 28/04/2014, tại Ai Cập gần 700 người ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi bị kết án tử hình trong một phiên tòa sơ thẩm. Cũng hôm nay, tư pháp Ai Cập thông báo giữ nguyên bản án tử hình đối với 37 bị cáo, trong số 529 người bị xét xử cuối tháng trước. Việc chính quyền Ai Cập ra phán quyết tử hình hàng loạt, chưa từng có trong lịch sử đương đại theo Liên Hiệp Quốc, bị cộng đồng quốc tế nhất loạt lên án.

Một số bị cáo Huynh đệ Hồi giáo.
Một số bị cáo Huynh đệ Hồi giáo. REUTERS/Al Youm Al Saabi Newspaper
Quảng cáo

Phán quyết tử hình đối với 683 bị cáo, trong đó trong đó có lãnh tụ tối cao của phong trào Huynh đệ Hồi giáo Mohammed Badie, được đưa ra tại tòa án tỉnh Minya (miền Trung), cũng bởi chính người thẩm phán ra phán quyết tử hình với hơn 500 bị cáo cuối tháng trước. Trên thực tế, chỉ có khoảng 50 bị cáo nhận án tử hình hôm nay là đang bị giam giữ, số còn lại được tại ngoại hoặc đang lẩn trốn.

683 bị cáo bị xét xử lần đầu tiên vào ngày hôm qua 27/04, vì bị cáo buộc tham gia các bạo lực ngày 14/08/2013, được coi là ngày đẫm máu nhất trong lịch sử Ai Cập gần đây. Vào ngày này, binh sĩ và cảnh sát đã giải tán hai cuộc tập hợp của những người thân Morsi tại thủ đô Cairo, khiến 700 người chết. Biến cố này khiến Ai Cập rơi sâu vào vòng xoáy bạo lực, kể từ khi tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập bị quân đội lật đổ ngày 03/07/2013.

Kể từ đó đến nay, bạo lực xẩy ra thường xuyên khiến hơn 1.400 người chết và 15.000 người bị bắt giữ. Tháng 12/2013, phong trào Huynh đệ Hồi giáo bị chính quyền coi là « khủng bố ». Bản thân lãnh đạo phong trào, ông Mohammed Badie, 71 tuổi, hiện đang bị giam giữ tại Cairo, có khả năng cũng bị án tử hình trong một số vụ án khác.

Theo luật Ai Cập, án tử hình phải được phê chuẩn bởi « Mufti », một chức sắc Hồi giáo có thẩm quyền giải thích luật của đạo Hồi.

Liên quan đến vụ án 529 người bị kết án tử hình cuối tháng 3/2014, mà 492 người được chuyển sang án chung thân hôm nay, giới luật gia đều cho rằng phiên tòa đã không tôn trọng thủ tục tố tụng, cũng như các quyền căn bản của các bị cáo.

Ông Khaled El-Komy, người phụ trách phối hợp nhóm luật gia bào chữa cho những người này, khẳng định 60% trong số các bị cáo có bằng chứng ngoại phạm. Người phụ trách Avaaz, một trang mạng kêu gọi ủng hộ các bị cáo, nhận xét « đây không phải là một vụ xử án, mà là một hành động hận thù của chính quyền chống lại các công dân (…) ».

Về phần mình, chính quyền lâm thời, thực tế do quân đội lãnh đạo, cam đoan rằng tư pháp hoạt động độc lập và các bản án nặng đều được xem xét kỹ lưỡng.

Kể từ tháng 12/2013, ít nhất 1.000 người hoạt động Hồi giáo đã bị kết án từ 6 năm đến tù chung thân sau các phiên tòa nhìn chung diễn ra hết sức chóng vánh. Ngoài 529 người nói trên (mà đại đa số án được giảm xuống chung thân), còn ít nhất hai người nữa bị án tử hình.

Hoa Kỳ bị lên án vì chính sách "không nhất quán" đối với Ai Cập

Gần một tháng trước bầu cử Tổng thống Ai Cập (26-27/05/2014), Hoa Kỳ muốn cải thiện quan hệ với đồng minh chiến lược Ai Cập. Ngoại trưởng Ai Cập sẽ tới Hoa Kỳ vào tuần tới. Washington cũng nới bỏ một phần lệnh đình hoãn các trợ giúp quân sự cho Cairo, sau biến cố ông Morsi bị quân đội lật đổ. 10 trực thăng chiến đấu và 650 triệu đô la viện trợ quân sự đã được Hoa Kỳ cấp cho Ai Cập. 

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích chính sách không nhất quán của Hoa Kỳ đối với chính quyền Ai Cập, muốn cải thiện quan hệ với Cairo trong bối cảnh tình trạng nhân quyền trở nên tồi tệ. Theo một giới chức lãnh đạo Ai Cập xin giấu tên, tình hình tại khu vực Bắc Phi và Trung Cận Đông sau các phong trào mùa xuân Ả Rập đang ở trong một bước ngoặt hết sức đáng ngại, đặc biệt là Libya đang rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, với một chính quyền không đủ khả năng kiểm soát lãnh thổ.

Cũng hôm nay, một tòa án Ai Cập đã cấm hoạt động đối với Phong trào Mùng 6 tháng Tư, tức phong trào thanh niên có vai trò chủ chốt trong cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Moubarack đầu năm 2011, và vẫn tiếp tục biểu tình chống chế độ do quân đội lãnh đạo hiện nay.

Ngày 26/04, theo Reuters, hàng trăm người tuần hành tại Cairo để yêu cầu hủy bỏ luật giới hạn biểu tình (được ban bố tháng 11/2013), đòi hỏi mỗi cuộc biểu tình phải được cảnh sát cho phép trước khi diễn ra. Nhiều chân dung của Tướng Sissi, con người quyền lực nhất Ai Cập và ứng cử viên Tổng thống được lòng dân chúng nhất hiện nay, đã bị đốt cháy. Cảnh sát không phản ứng khi bị người biểu tình ném đá. Trước đó, ba trong số những người lãnh đạo cuộc nổi dậy 2011 chống nhà độc tài Moubarack đã bị kết án 3 năm tù, vì vi phạm luật biểu tình nói trên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.