Vào nội dung chính
SYRIA

Khối Ả Rập tìm lập trường chung trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo

Hôm nay 24/08/2014, Ngoại trưởng các nước Ả Rập họp tại Djeddah, thành phố lớn thứ hai của Ả Rập Xê Út, để tìm tiếng nói chung về tình hình Syria, đặc biệt liên quan đến đà bành trướng nhanh chóng của tổ chức « Nhà nước Hồi giáo » tại Trung Cận Đông. Hội nghị bất ngờ này diễn ra sau Hoa Kỳ tuyên bố, có khả năng tiến hành các cuộc không kích nhắm vào lực lượng thánh chiến của « Nhà nước Hồi giáo » tại Syria.

Ngoại trưởng các nước Ả Rập họp tại Ả Rập Xê Út để tìm tiếng nói chung về tình hình Syria - REUTERS /Faisal Al Nasser
Ngoại trưởng các nước Ả Rập họp tại Ả Rập Xê Út để tìm tiếng nói chung về tình hình Syria - REUTERS /Faisal Al Nasser
Quảng cáo

Theo chuyên gia Pháp về đạo Hồi, ông Mathieu Guidère, giáo sư đại học Toulouse 2, sử dụng vũ lực thôi như Hoa Kỳ đang tiến hành, không đủ để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo, bởi tổ chức này không chỉ bao gồm các chiến binh, do vậy cần phải có một hoạt động ngoại giao song song, tại Liên Hiệp Quốc và khu vực.

Theo chuyên gia Pháp, « Hoa Kỳ đã thuyết phục được các nước có lập trường hết sức đối lập nhau như Ả Rập Xê Út và Iran chấp nhận cùng ủng hộ cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Như vậy cùng một lúc có một hành động quân sự và một hoạt động chính trị và ngoại giao để ủng hộ mục tiêu này ».

Thông tín viên RFI tại Cairo, Alexandre Buccianti, giải thích

« Chính khả năng Mỹ không kích các cơ sở của Nhà nước Hồi giáo tại Syria, khiến các Ngoại trưởng Ả Rập họp lại. Kể từ hơn một năm nay, Ai Cập, Jordani, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Qatar và Ả Rập Xê Út, các thành viên của Nhóm tiếp xúc Ả Rập về Syria đã không nhóm họp.

Diễn biến quân sự, cùng với những thay đổi chính trị tiếp theo đòn không kích mà Washington có thể thực hiện tại Syria, là các nội dung chính của chương trình hội nghị. Theo nguồn tin Ai Cập, các Ngoại trưởng sẽ xem xét khả năng kêu gọi tất cả các bên trong khủng hoảng Syria, ngoài Nhà nước Hồi giáo, tham gia các đàm phán mới.

Qatar có thể phải chịu nhiều áp lực, để nước này ngừng hỗ trợ tài chính và trang bị vũ khí cho lực lượng thánh chiến Syria. Theo Ai Cập, Qatar tiến hành hoạt động hỗ trợ này qua trung gian Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng nghìn người Ai Cập, Jordani và Ả Rập Xê Út đã đầu quân vào lực lượng thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo tại Syria. Can thiệp quân sự Mỹ có thể bẻ gẫy thế cân bằng lực lượng hiện nay, và như vậy có thể khiến các thánh chiến quân đột ngột trở về nước, reo rắc bạo lực ».

Đối diện với các cáo buộc ủng hộ phe thánh chiến, Qatar tự bào chữa, đặc phái viên RFI, Laxmi Lota, cho biết. « Giống như nhiều nước khác, Qatar ủng hộ đối lập Syria, nhưng không tài trợ cho Nhà nước Hồi giáo », Ngoại trưởng Qatar Khalid Bon Mohamed al-Attiyah khẳng định.

Trước cáo buộc Qatar tài trợ cho lực lượng thánh chiến qua một số tổ chức từ thiện, chính phủ Qatar đã thông qua một luật Hồi tháng trước, nhằm mục tiêu kiểm soát các hoạt động nhân đạo. Kể từ đây các hiệp hội và cá nhân muốn nhận tài trợ phải được phép của chính quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.