Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO

Chống Nhà nước Hồi giáo, Mỹ muốn lập liên minh lớn bên ngoài NATO

Nhà nước Hồi giáo là một chủ đề chính trong ngày làm việc thứ hai của khối NATO đang diễn ra tại Anh Quốc. Việc thúc đẩy thành lập một liên minh rộng lớn chống Nhà nước Hồi giáo càng trở nên thúc bách hơn, sau biến cố con tin thứ hai, nhà báo Mỹ Steven Sotloff, bị giết hại. Hôm nay 05/09/2014, theo Reuters, bên lề thượng đỉnh NATO, Hoa Kỳ và một số quốc gia đồng minh chủ chốt đã nhóm họp để bàn về chiến lược cụ thể nhằm ngăn chặn lực lượng Nhà nước Hồi giáo, hiện đã xâm chiếm nhiều khu vực rộng lớn tại Irak và Syria.

Tổng thống Hoa Kỳ Obama (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại thượng đỉnh Nato, Newport, 05/09/2014.
Tổng thống Hoa Kỳ Obama (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại thượng đỉnh Nato, Newport, 05/09/2014. REUTERS/Larry Downing
Quảng cáo

Chủ đề chống Nhà nước Hồi giáo là trung tâm của bữa tối hôm qua giữa lãnh đạo các nước NATO. Lãnh đạo các nước NATO đồng thanh lên án các hành động man rợ, phi nhân của Nhà nước Hồi giáo. Khả năng Nhà nước Hồi giáo, với khoảng 2.000 chiến binh xuất thân từ các nước Châu Âu, xuất khẩu khủng bố trở lại các nước Phương Tây, cũng gây nhiều lo ngại. 

Hôm nay, khối NATO đã thông qua kế hoạch tăng cường các lực lượng phản ứng nhanh, có khả năng triển khai trong vài ngày, nếu khủng hoảng bùng nổ, tại miền Đông, nơi đang đối mặt với đe dọa từ Nga, cũng như về phía đông nam, trước đe dọa của các lực lượng thánh chiến. Trước đó, NATO đã triển khai nhiều tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước có biên giới trực tiếp với Irak và Syria. 

Tuy nhiên, điều mà Hoa Kỳ mong muốn là xây dựng một liên minh chống lại Nhà nước Hồi giáo bên lề khuôn khổ truyền thống của NATO. Một nhóm nhỏ lãnh đạo các nước NATO, bao gồm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Canada và Úc đã tham gia vào cuộc họp sáng nay tại Newport, theo một số nguồn tin ngoại giao. Tính hợp pháp của một can thiệp quân sự quốc tế tại Trung Đông, nếu có, và khả năng không kích vào các vị trí của Nhà nước Hồi giáo tại Syria, khi đa số các nước Phương Tây không chấp nhận Tổng thống Syria Bachar Al Assad là đối tác, là những vấn đề then chốt được bàn thảo.

Trong cuộc họp nói trên, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định cần tấn công Nhà nước Hồi giáo « để ngăn cản lực lượng này chinh phục thêm các vùng đất mới », đặc biệt là « hỗ trợ các lực lượng Irak và các lực lượng khu vực để tự họ có khả năng đương đầu với kẻ thù », mà không cần đến quân đội các nước bên ngoài. Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh liên quân chống Nhà nước Hồi giáo sẽ không tham chiếm trên bộ.

Ngoại trưởng Mỹ hy vọng một kế hoạch ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo sẽ được thảo ra trước khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc họp vào tuần cuối tháng 9.

Cho đến nay, Hoa Kỳ là lực lượng chính mang lại các hỗ trợ cho Irak trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, đặc biệt với hơn 1000 cuộc không kích tại miền Bắc Irak. Nhiều nước, trong đó có Mỹ và Pháp, đã cung cấp vũ khí cho người Kurdistan, đang ở tuyến đầu chống phe thánh chiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.