Vào nội dung chính
NAM Á

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải : Ấn Độ và Pakistan thành viên mới ?

Hôm nay 11/09/2014, thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) khai mạc tại Dushanbe, thủ đô Tajikistan. Các thành viên của tổ chức này sẽ thảo luận về quy chế gia nhập, mở đường cho Ấn Độ và Pakistan tham gia vào tổ chức này trong thượng đỉnh 2015 tại Nga.

Ảnh Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO - Tháng 9/2013.
Ảnh Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO - Tháng 9/2013. Reuters
Quảng cáo

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ra đời sau thỏa ước năm 2001 tại thành phố Thượng Hải, là một tổ chức liên chính phủ khu vực bao gồm sáu quốc gia, Nga, Trung Quốc và bốn nước Cộng hòa Liên Xô cũ, Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Năm nước tham gia với tư cách quan sát viên là Ấn Độ, Pakistan, Iran, Afghanistan và Mông Cổ, cùng ba đối tác là Belarus, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước thềm hội nghị này, tờ báo của chính quyền Nga Rossiiskaia gazeta hôm qua loan tin, theo đó, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov khẳng định Ấn Độ, Pakistan và Iran có thể gia nhập tổ chức này trong thời gian tới. Trang mạng Nga "Tiếng nói nước Nga" dẫn lời Ngoại trưởng Nga : « tại thượng đỉnh ở Duschanbe, trong hai ngày 11 và 12/09, các quyết định sẽ được đưa ra để hoàn tất việc xác định các tiêu chí gia nhập của các thành viên mới vào SCO. Điều này sẽ cho phép tổ chức này khẳng định quá trình mở rộng trong nhiệm kỳ Nga làm chủ tịch ».

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – với tiền thân là « nhóm Thượng Hải 5 » thành lập năm 1996, thoạt tiên để giải quyết các tranh chấp biên giới của các láng giềng Châu Á trong thời kỳ hậu Liên Xô - có mục tiêu không chỉ gia tăng các hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ giữa các quốc gia thành viên, mà còn phát triển hợp tác trong các lĩnh vực chính trị và quân sự. Với sự tham gia của hai cường quốc nguyên tử Nam Á, tổng dân cư của SCO chiếm đến 40% dân số toàn cầu.

Theo chuyên gia Nga Boris Volkhonsky, đứng đầu Ban Châu Á của Viện nghiên cứu chiến lược Nga, có bài đăng trên tờ Russia & India Report, việc Ấn Độ - cường quốc kinh tế thứ ba Châu Á - gia nhập SCO khiến SCO có vai trò lớn hơn nhiều trong việc đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, như vấn đề hòa bình tại Afghanistan hậu 2014. Cùng với Afghanistan, tình hình Ukraina hiện nay là một nội dung chủ yếu được bàn thảo tại thượng đỉnh SCO.

Cũng theo báo mạng Nga nói trên, Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ việc Pakistan gia nhập SCO, nhưng không mặn mà với việc chấp nhận Ấn Độ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.