Vào nội dung chính
ANH - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Anh – EU bắt đầu căng thẳng

Chính phủ David Cameroon 2 vừa được thành lập sau thắng lợi tại bầu cử Quốc hội vừa qua đã bắt đầu có những phản ứng bất đồng với Bruxelles. Trong lúc Liên hiệp châu Âu kêu gọi các nước thành viên hãy nhận thêm người tị nạn để cứu giúp thuyền nhân Địa Trung Hải thì bộ trưởng nội vụ Anh lạnh lùng nói hãy trả họ về nước. Bà Theresa May vừa trở lại văn phòng sau ngày tái đắc cử hồi tuần trước. Tương tự vậy, bộ trưởng tài chính tái đắc cử George Osborne từ hôm qua đã sang Brussels để họp với các lãnh đạo châu Âu và gấp rút đòi đàm phán lại về quyền lợi và nghĩa vụ của nước Anh trong liên minh. 

Bà bộ trưởng Nội vụ Theresa May tới họp nội các Cameron 2 ngày 12/5/2015.
Bà bộ trưởng Nội vụ Theresa May tới họp nội các Cameron 2 ngày 12/5/2015. REUTERS/Suzanne Plunkett
Quảng cáo

 Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thêm thông tin:

Mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ để đòi quyền lợi cho nước Anh trong liên minh châu Âu, nhưng sự có mặt của ông George Osborne bị bộ trưởng tài chính các nước lảng tránh và bỏ rơi. Politico là tờ báo hàng đầu hiện nay về chính trị châu Âu, xuất bản ở Bruxelles, chạy bài bình luận rằng câu chuyện đáng chú ý nhất trong cuộc họp bộ trưởng tài chính các nước Liên hiệp châu Âu là chuyện nước Anh thì muốn bàn về vị trí của mình, còn bộ trưởng Pháp thì gạt đi và lái sang chuyện Hy Lạp. Phiên bản miễn phí của tờ báo này từ vài tuần nay bắt đầu được phát miễn phí ở các ga tàu điện ngầm ngay trung tâm Luân Đông.

Sức nóng từ Liên hiệp châu Âu chỉ mất ba giờ đồng hồ đi xe lửa cao tốc Eurostar từ Bỉ sang là tràn ngập trên các lối đi vào khu tài chính hay tòa nhà quốc hội cùng các văn phòng của chính phủ Anh. Có lẽ vì vậy mà sáng hôm nay tờ nhật báo Telegraph của Anh chạy hàng tin rằng bộ trưởng Osbone cảnh báo Liên hiệp châu Âu đừng coi thường quyết tâm của Anh quốc muốn thay đổi nội dung các hiệp ước mà nước Anh từng ký kết.

Hồi tuần trước ngay khi có kết quả bầu cử sơ bộ thì ông là người đầu tiên được thủ tướng David Cameron mời gặp và nhanh chóng tuyên bố tái bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng tài chính, cộng thêm nhiệm vụ mới là chánh văn phòng có đủ thẩm quyền để liên kết tất cả các bộ ngành để đàm phán với Liên hiệp châu Âu.

Còn trên dưới một tháng nữa là đến ngày họp các nguyên thủ quốc gia của Liên hiệp châu Âu và như vậy có thể thấy rất rõ là chính phủ Anh muốn đem câu chuyện Liên hiệp châu Âu ra làm ván bài chính trị để thắng điểm trong thời gian nay. Việc hầu như là giữ nguyên bộ máy cũ và nhanh chóng lập chính phủ để quay lại hoạt động trong vòng vài ngày sau kỳ bầu cử cho thấy đảng Bảo thủ quyết tâm thắng ván bài này.

Con bài thuyền nhân  Địa Trung Hải

Đây là vấn đề rất khó vì nước Pháp đã sớm lên tiếng mời di dân làm đơn xin tị nạn ở Pháp chứ đừng chờ vượt biên sang đến tận nước Anh rồi mới xin tị nạn. Các nước khác cũng theo đuôi yêu cầu thẳng nước Anh hãy nhận thêm người tị nạn. Ở trong nước thì ngay trước khi hết nhiệm kỳ, ủy ban điều tra về trại di dân đưa ra một báo cáo gây chấn động về tình trạng bết bát trong hệ thống giam giữ di dân và qui trình tị nạn và giới thiệu Thụy Điển như là mô hình để noi theo. Đảng tự do dân chủ là tiếng nói ủng hộ mạnh nhất cho người tị nạn và hàng chục đảng viên mất ghế nghị sĩ quốc hội sẽ trở thành sức ép dư luận mạnh nhất trên báo chí, mà tuyến đầu có lẽ sẽ là bà Sarah Teather, người đã bỏ không tranh cử quốc hội để sang châu Phi tham gia các nhóm cứu trợ cho di dân ngay tại chỗ.

Như vậy, vấn đề di dân sẽ là quân cờ khó khăn nhất cho chính phủ của đảng Bảo thủ mà nước cờ đầu tiên trong mấy ngày vừa qua chính là báo chí, mà mục tiêu đầu tiên theo bình luận của tờ báo chuyên về chính trị ở châu Âu là Politico đã chỉ ra là tập đoàn truyền thông BBC. Cơ quan này bị chỉ trích là có quan điểm bất lợi cho đảng Bảo thủ trong thời gian tranh cử, và ngôi sao nổi tiếng của đài là Andrew Marr đã phải xin lỗi vì hiểu sai ý của thủ tướng về dự luật tái cho phép giới quí tộc Anh tổ chức cưỡi ngựa săn thú để tiêu khiển.

Một trong số các nhân vật mới được bổ sung vào chính phủ của đảng bảo thủ là ông John Whittingdale, trước đây từng cố vấn cho bà đầm thép Margaret Thatcher, bây giờ phụ trách bộ văn hóa, tức là cơ quan giám sát hoạt động của đài BBC và khoản tiền thuế truyền hình trên dưới 5 triệu euro làm ngân sách hoạt động cho đài. Hàng tít trên tờ Politico nhận định BBC đang trong tình trạng phải đấu tranh để giữ lại mạng sống. Ngoài thế mạnh về chính trị được thể hiện qua lá phiếu bầu quốc hội hồi tuần trước, đảng Bảo thủ còn được ủng hộ từ phía các tập đoàn tài chính thể hiện qua sự tăng giá của nhiều cổ phiếu trong vài ngày qua.

Di dân trong Liên hiệp cũng thành vấn đề 

Nhưng công dân châu Âu, ngoại trừ Ireland, không có quyền bỏ phiếu quốc hội ở Anh, cho nên thái độ của họ không ảnh hưởng đến số phận của chính phủ Anh. Một trong số những điểm quan trọng trong chương trình tranh cử của đảng Bảo Thủ là sẽ sớm ra luật thay đổi chính sách trợ cấp xã hội cho công dân châu Âu đang sống và làm việc ở Anh. Theo luật mới thì họ sẽ phải sống đủ 4 năm mới có quyền xin trợ cấp xã hội hay nhà cửa, và như vậy sẽ cắt giảm được rất nhiều cho ngân sách như hiện nay. Đảng Bảo thủ tin rằng chính sách đó sẽ giới hạn bớt người nghèo từ các nước châu Âu sang ăn bám và không ảnh hưởng đến những người được tuyển sang làm việc với lương cao và kéo theo là đóng góp nhiều tiền thuế vào cho ngân sách.

Có rất nhiều công dân châu Âu sang Anh làm việc và trong đó có không ít người gốc Việt Nam, như tôi có biết một anh người Pháp gốc Việt sang đây làm trong ngành ngân hàng, và đúng là chính sách cứng rắn đối với công dân châu Âu không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của những người như anh. Tuy nhiên, điều đó có thể ảnh hưởng đến tình trạng giấy tờ của vợ anh ta hay chồng của những trường hợp tương tự, nếu là công dân của nước khác ví dụ như là Việt Nam, thì sẽ không được cấp thẻ cư trú dễ dàng như hiện nay nữa, đặc biệt là khi nước Anh rút khỏi hiệp ước châu Âu về nhân quyền.

Một trong số các nhân vật mới trong chính phủ Anh là bộ trưởng tư pháp Michael Gove chính là người kiên quyết đòi rút khỏi hội đồng nhân quyền châu Âu để bảo đảm quyền lợi cho nước Anh. Thế nhưng lực lượng mới nổi lên trong chính trường Anh là Đảng dân tộc xứ Scotland thì lại tuyên bố sẽ kiên quyết đấu tranh để giữ lại vị trí như hiện nay của nước Anh trong liên hiệp châu Âu và sẽ trở thành phe đối lập chính trong quốc hội. Có thể nói là chính trị nước Anh trong vòng một tháng tới đây sẽ vô cùng lý thú và trở thành tâm điểm quan tâm cho tất cả các nước Liên hiệp châu Âu.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.