Vào nội dung chính
BÓNG ĐÁ - KINH DOANH - ĐẠO LÝ

Các nhà tài trợ kêu gọi FIFA nhanh chóng giải quyết khủng hoảng

Sau vụ nhiều giới chức cao cấp của FIFA bị bắt tại Thụy Sĩ hôm 26/05/2015, các nhà tài trợ chính của Liên đoàn bóng đá thế giới yêu cầu định chế này giải quyết khủng hoảng để phục hồi uy tín. Các tập đoàn nổi tiếng như Visa, Adidas, Coca-Cola, McDonald hay Huyndai, đều theo dõi sát tình hình và có các phản ứng ở mức độ khác nhau. Theo các chuyên gia, giới tài trợ lo sợ bê bối nói trên về dài hạn sẽ khiến cho hình ảnh của chính công ty họ bị mất giá.

Biểu tình do Liên đoàn lao động Thụy Sĩ tổ chức tại Zurich, phản đối tổ chức Cúp bóng đá tại Qatar, 03/10/2013. Khẩu hiệu trong ảnh : "Thẻ đỏ cho FIFA".
Biểu tình do Liên đoàn lao động Thụy Sĩ tổ chức tại Zurich, phản đối tổ chức Cúp bóng đá tại Qatar, 03/10/2013. Khẩu hiệu trong ảnh : "Thẻ đỏ cho FIFA". REUTERS/Arnd Wiegmann
Quảng cáo

Theo AFP, Visa - tập đoàn đứng đầu thế giới về công nghệ thanh toán toàn cầu - là nhà tài trợ có thái độ quyết liệt nhất. Visa ra thông báo bày tỏ nỗi thất vọng lớn và dọa sẽ xét lại hợp đồng với FIFA, nếu định chế này không hành động nhanh chóng. Trong thông cáo của Visa có đoạn : « Với những thông tin được phát giác hiện tại, chúng tôi rất thất vọng và lo ngại cho FIFA. Với tư cách là nhà tài trợ, chúng tôi chờ đợi FIFA ngay lập tức có các biện pháp, để giải quyết các vấn đề này. (…) Điều này phải được tiến hành thông qua việc tái xây dựng một văn hóa đạo lý ứng xử nghiêm khắc ». Visa là nhà tài trợ đứng hàng thứ sáu của tổ chức bóng đá thế giới.

Cuộc điều tra nhắm vào 14 nghi phạm, trong đó có chín giới chức FIFA và năm lãnh đạo của các tổ chức có quan hệ với bóng đá, đặc biệt liên quan đến nghi vấn về các bất minh trong việc trao quyền tổ chức giải Vô địch 2018 cho Nga và giải 2022 cho Qatar. Tư pháp Hoa Kỳ nghi ngờ các giới chức FIFA đã nhận khoảng 150 triệu đô la tiền hối lộ trong những năm 1990. Bên cạnh đó, tư pháp Mỹ cũng cáo buộc một công ty thể thao nổi tiếng (nhưng tên tuổi không được chỉ rõ) đã hối lộ 160 triệu đô la, trả dần trong 10 năm, để trở thành nhà cung cấp độc quyền cho đội tuyển quốc gia Brazil. Công ty bị nghi vấn nói trên dường như không ai khác ngoài tập đoàn Nike.

Đặc biệt nghiêm trọng là, theo một báo cáo của Liên đoàn lao động quốc tế ITCU, hồi tháng 3/2014, thì kể từ năm 2010, có đến 1.200 người lao động Nepal và Ấn Độ, làm việc tại Qatar để chuẩn bị World Cup 2022, đã chết vì bị đày ải như nô lệ. Cứ cung cách này, ITCU ước tính, sẽ có 4.000 người lao động chết trước khi Cúp 2022 khai mạc.

Hai nhà tài trợ khác của FIFA - hãng Adidas, đối thủ của Nike và Coca-Cola – cũng ra thông điệp, yêu cầu ông Sepp Blatter phải minh bạch hơn và có biện pháp giải quyết khủng hoảng. Công ty đồ uống Budweiser và tập đoàn ăn nhanh McDonald’s cũng thông báo đã tiếp xúc với FIFA và theo dõi sát diễn biến tình hình.

Thông cáo của McDonald’s – được báo mạng Time dẫn lại - nhấn mạnh : « McDonald’s cam kết hành động để việc kinh doanh trên toàn cầu được diễn ra trên cơ sở tôn trọng các quyền con người. Chúng tôi đã bày tỏ với FIFA mối quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Qatar ». Trên thực tế, tình trạng lao động nô lệ trên các công trường chuẩn bị cho World Cup ở Qatar đã được thông tin rộng rãi ngay từ năm 2012, với con số 237 người thiệt mạng trong năm.

Theo các chuyên gia, các đối tác hay nhà tài trợ của FIFA đang ở trong một tình thế khó khăn, họ lo ngại rằng của uy tín và nhãn mác của công ty sẽ mất giá, khi tiếp tục gắn liền với hình ảnh Cúp bóng đá của FIFA.

Dù sao, các nhà tài trợ cũng không thể có thái độ quá mạnh. Chủ tịch tập đoàn 21 Sports&Entertainment Marketing Group giải thích : các nhà tài trợ đã đặt nhiều tiền để tên tuổi của hãng được gắn liền với Cúp bóng đá thế giới, do vậy họ cũng sẽ phải để cho FIFA có thời gian để lập lại trật tự.

Quốc tế áp lực FIFA

Trước cuộc bỏ phiếu bầu tân chủ tịch FIFA - trong đó chủ tịch mãn nhiệm Joseph Blatter, bị rất nhiều chỉ trích, là người gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử -, hôm qua, Liên Hiệp Quốc tuyên bố đang xem xét lại các quan hệ đối tác với Liên đoàn bóng đá Quốc tế. Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric, nhắc lại chủ trương của tổ chức này là sử dụng các sự kiện thể thao lớn để truyền bá các thông điệp về phát triển, khoan dung và hòa bình. Điều dường như không thể nào thực hiện được trong bối cảnh khủng hoảng và bê bối trầm trọng hiện nay tại FIFA. Hiện tại Liên Hiệp Quốc chưa đưa ra bất cứ một quyết định chính thức nào.

Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron hôm nay yêu cầu ông Blatter ra đi. Người đứng đầu chính phủ Anh hy vọng tham nhũng tại FIFA chấm dứt, minh bạch được tái lập. Nước Pháp kêu gọi hoãn cuộc bầu chủ tịch, trong bối cảnh khủng hoảng nghiêm trọng.

Cho đến nay, Bộ Nội vụ Thụy Sĩ khẳng định chưa có ý định thẩm vấn trực tiếp cá nhân Chủ tịch mãn nhiệm Blatter, cho dù trụ sở của FIFA đã bị khám xét.

Trong khi đó, theo một số nhà quan sát, vụ điều tra lớn nhắm vào Liên đoàn bóng đá thế giới đã mở ra một mặt trận mới giữa Nga và Mỹ. Matxcơva cáo buộc Washington mưu đồ phá hoại Cúp bóng đá 2018 mà Nga đăng cai.

Dù bị phản đối, ông Blatter dường như vẫn được đa số thành viên FIFA ủng hộ

Về nội tình của FIFA trước cuộc bầu cử tân chủ tịch, sau chấn động vừa qua, một số tiếng nói cất lên chống lại chủ tịch mãn nhiệm 79 tuổi người Thụy Sĩ. Cựu danh thủ Michel Platini, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Châu Âu kêu gọi ông Blatter từ chức, và đề nghị hoãn bỏ phiếu, tuy nhiên yêu cầu không được chấp nhận. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Châu Âu bày tỏ tin tưởng ứng cử viên duy nhất ra tranh cử với chủ tịch mãn nhiệm, hoàng thân Jordani Ali Bin Hussein, 39 tuổi (nguyên phó chủ tịch FIFA), có thể sẽ dành chiến thắng trong bối cảnh này.

Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay, chỉ có liên đoàn bóng đá Châu Âu, và một số ít liên đoàn quốc gia như Mỹ, Canada hay Úc là công khai ủng hộ ứng cử viên người Jordani, người có khả năng mang lại cải cách cho FIFA. Thể thức bầu cử của FIFA là mỗi quốc gia một phiếu bầu. Trong số 209 thành viên FIFA, sẽ có hơn 50 phiếu của Châu Âu chống lại chủ tịch mãn nhiệm, trong khi đó Châu Phi, với 54 thành viên khác, sẽ dồn phiếu cho Blatter, được tôn vinh như người có công lớn cho Cúp bóng đá đầu tiên tại lục địa đen năm 2010. Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Châu Á, với 46 quốc gia, là một người ủng hộ nhiệt thành của Blatter. Còn bản thân Liên đoàn Jordani, quê hương của đối thủ của ông Blatter, cũng không ủng hộ đồng hương. Tình hình không thật rõ ràng tại Trung Mỹ và Bắc Mỹ (với 35 phiếu), khi một loạt các lãnh đạo bóng đá của khu vực này bị câu lưu. Hai khu vực còn lại, Châu Đại Dương (10 phiếu) và Nam Mỹ (10 phiếu) có trọng lượng tương đối không đáng kể.

Trước áp lực quốc tế, và nội bộ, sáng nay lãnh đạo mãn nhiệm FIFA kêu gọi các thành viên « đoàn kết để tiến về phía trước ». Kết quả bỏ phiếu, theo dự kiến sẽ được công bố trong khoảng thời gian từ 16 giờ 30 đến 19 giờ 30.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.