Vào nội dung chính
AI CẬP - BÁO CHÍ

Ai Cập : Luật chống khủng bố mới vi phạm tự do báo chí

Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi hôm qua, 16/08/2015, đã phê chuẩn một đạo luật chống khủng bố mới. Luật này dự trù một khoản tiền phạt nặng đối với nhà báo nào đưa tin về các vụ khủng bố trái ngược với những bản thông cáo chính thức.

Nhà báo Ahmed Mansour của kênh truyền thông Qatar al-Jazeera bị bắt tại Đức, theo lệnh truy nã quốc tế do Ai Cập đưa ra. Trong ảnh, ông Ahmed Mansour được trả tự do hai ngày sau, ngày 21/06/2015.
Nhà báo Ahmed Mansour của kênh truyền thông Qatar al-Jazeera bị bắt tại Đức, theo lệnh truy nã quốc tế do Ai Cập đưa ra. Trong ảnh, ông Ahmed Mansour được trả tự do hai ngày sau, ngày 21/06/2015. REUTERS/Fabrizio Bensch
Quảng cáo

Đạo luật gây nhiều tranh cãi trên, đã được đăng trên Công báo, dự trù khoản tiền phạt lên tới 200.000 hoặc 500.000 bảng Ai Cập (khoảng 23.000-58.000 euro) áp dụng đối với tất cả những người đưa tin hay công bố những thông tin “giả mạo” liên quan tới những vụ tấn công khủng bố hoặc chiến dịch chống các tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Ban đầu, chính phủ còn dự định áp dụng mức án tối thiểu 2 năm tù giam. Tuy nhiên, trước phản ứng phẫn nộ của các nhà báo, điều khoản này đã bị bãi bỏ. Thay vào đó là một điều khoản khác cho phép các tòa án “cấm những người bị kết án hành nghề trong khoảng thời gian không quá một năm, nếu vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp”.

Luật chống khủng bố mới được ban hành còn đưa ra án tử hình đối với những người tổ chức, điều hành và tài trợ cho một tổ chức “khủng bố” và hình phạt tù đối với những người bị kết tội tuyên truyền cho hành vi khủng bố.

Đạo luật này khiến giới nhà báo lo ngại sẽ bị đưa ra tòa vì lý do công việc. Hơn nữa, những người phản đối còn cho rằng các khoản tiền phạt được quy định trong đạo luật mới có thể sẽ buộc nhiều tờ báo nhỏ phải đóng cửa và dẫn đến việc giải thể nhiều cơ quan truyền thông độc lập.

Tổng thống al-Sissi hứa ban hành một đạo luật khắt khe hơn “để chống khủng bố” sau khi chưởng lý Hisham Barakat bị sát hại trong vụ đánh bom vào xe của ông, xảy ra ngày 29/06 vừa qua, mà hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Vụ đánh bom trên mở đầu cho hàng loạt các vụ tấn công thánh chiến khác có quy mô lớn chống lại quân lính trên bán đảo Sinai. Quân đội Ai Cập thông báo có 21 quân nhân bị thiệt mạng trong các vụ tấn công trên, nhưng các cơ quan truyền thông đã công bố số liệu thiệt hại nặng nề hơn nhiều, nhờ nguồn tin từ các sĩ quan an ninh.

Năm 2014, ba nhà báo của kênh Al-Jazeera của Qatar đã bị tòa kết án tới 10 năm tù trong phiên xử sơ thẩm vì đã “phỉ báng” đất nước và ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo của cựu Tổng thống Mohamed Morsi, bị quân đội truất quyền vào năm 2013. Họ sẽ được xử phúc thẩm và bản án sẽ được công bố vào cuối tháng này.

Từ khi cựu Tổng thống Morsi bị truất quyền, các nhóm thánh chiến không ngừng tăng cường tấn công vào lực lượng an ninh, giết chết hàng trăm cảnh sát và quân nhân. Trong khi đó, hơn 1.400 người, phần lớn là lực lượng ủng hộ ông Morsi, đã bị giết chết trong các cuộc đàn áp phong trào biểu tình của phe đối lập.

Hàng chục nghìn người khác cũng đã bị bắt giữ, trong đó ít nhất vài trăm người đã bị kết án tử hình tại những phiên tòa diễn ra chóng vánh mà Liên Hiệp Quốc đánh giá “chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại”. Tuy nhiên, hàng chục án tử hình đã được tòa bãi bỏ trong phiên xử giám đốc thẩm. Cũng bị kết án tử hình vào tháng Sáu vừa qua, cựu Tổng thống Morsi đã kháng án.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.