Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Tương lai Fifa nằm trong tay các quan tòa

Đăng ngày:

Hỗn loạn hoàn toàn tại đầu não của bóng đá thế giới : Sepp Blatter và Michel Platini ngày 08/10/2015 vừa qua cùng lúc bị Ủy ban đạo đức của Fifa « treo giò » trong vòng 90 ngày. Ngôi nhà chung của bóng đá thế giới đã tan tác vì các trận bão bê bối tham nhũng không ngừng nổi lên từ bốn tháng qua.

Ngày 08/10/2015, Sepp Blatter và Michel Platini cùng lúc bị Ủy ban đạo đức của Fifa "treo giò" trong vòng 90 ngày.
Ngày 08/10/2015, Sepp Blatter và Michel Platini cùng lúc bị Ủy ban đạo đức của Fifa "treo giò" trong vòng 90 ngày. REUTERS/Olivier Pon/Files
Quảng cáo

Với ông Chủ tịch từ nhiệm thì quyết định kỷ luật của Ủy ban đạo đức dường như không mang nhiều giá trị, đằng nào thì hết hạn treo giò thì hơn một tháng sau ông cũng phải ra đi. Nhưng đối với Michel Platini, danh thủ cựu đội trưởng đội tuyển Quốc gia Pháp thì quyết định trên có thể được coi như tiếng chuông cáo chung cho tham vọng lãnh đạo bóng thế giới chỉ mới nổi lên từ khi Sepp Blatter bỏ cuộc chơi. Trong khi đó làng bóng đá thế giới trước một tương lai vô định, ngơ ngác không biết còn tin vào ai để lãnh đạo ngôi nhà chung Fifa.

Cơn địa chấn ở trung tâm đầu não Fifa được khởi phát từ ngày 27/05 khi tư pháp Mỹ và Thụy Sĩ khởi sự điều tra nghi án tham nhũng trên quy mô lớn trong nội bộ lãnh đạo Fifa với mẻ lưới lớn bắt hàng loạt các chức sắc lãnh đạo của định chế bóng đá thế giới và doanh nghiệp làm ăn liên quan.

Hồ sơ vụ việc này đi vào bước ngoặt mới vào cuối tháng 9 khi ông Blatter bị khởi tố điều tra hình sự, Platini bị các nhà điều tra triệu tập lấy lời khai. Tình tiết khiến hai lãnh đạo cao nhất của định chế quản lý bóng đá thế giới rơi vào tầm ngắm của tư pháp là vụ ông Blatter chi trả cho ông Platini 2 triệu franc Thụy Sĩ một cách mờ ám. Hồ sơ vụ việc mới mở chưa có kết luận, thứ Năm ngày 08/10, Ủy ban đạo đức đã ra quyết định đình chỉ cả hai ông, từng một thời quan hệ huynh đệ với nhau, « trong mọi hoạt động liên quan đến bóng đá ở phạm vi quốc gia cũng như quốc tế trong vòng 90 ngày ». Quyết định kỷ luật có hiệu lực tức thì cùng với khả năng gia hạn thêm 45 ngày.

Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA, vẫn dành cho Platini sự tin cậy và ủng hộ tuyệt đối, sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 15/10 để xem xét vụ việc này. Nhiều liên đoàn quốc gia, trong đó có Đức và Anh, cũng đề nghị ban chấp hành Fifa họp khẩn. Cơ quan điều hành của Fifa cũng đã quyết định tổ chức cuộc họp bất thường vào ngày 20/10 tới. Tại trụ sở Fifa ở Zurich, Phó chủ tịch kỳ cựu của Fifa Issa Hayatou được trao tạm quyền điều hành tổ chức thay Blatter.

Ngôi nhà chung vô chủ

Cùng ngày, Ủy ban đạo đức, vẫn được coi là toà án nội bộ của Fifa, cũng đã ra "án treo" 6 năm đối với ứng viên vào chức Chủ tịch của tổ chức, ông Chung Mong-joon người Hàn Quốc, vì ông này dính vào vụ vận động liên đoàn Hàn Quốc bỏ phiếu trao quyền đăng cai Cúp Bóng đá Thế giới 2022 cho Qatar.

Tổng thư ký Fifa Jérôme Valcke, trước đó không lâu bị bãi chức vì dính vào nghi án tuồn vé xem Cúp Thế giới Brazil 2014 ra chợ đen, lần này cũng nhận mức án treo 90 ngày.

Trong số các án phạt vừa được Ủy ban đạo đức tuyên thì Platini là người lĩnh đòn nặng nhất. Vì quyết định treo giò 90 ngày có thể gây hại đến tham vọng lãnh đạo Fifa. Cho đến giờ ông vẫn là ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất để thắng trong cuộc bầu cử chọn người thay thế Blatter vào 26/02/2016.

Tuy nhiên, sự việc chưa kết thúc ở đây với Michel Platinii. Uỷ ban đạo đức giải thích : « đơn ứng cử của Platini không bị loại một cách tự động với án phạt của uỷ ban mà Ủy ban bầu cử sẽ quyết định ».

Lần lượt từ Blatter đến Platini rồi Chung Mong-joon đã có đơn kháng án kỷ luật của ủy ban đạo đức lên ủy ban khiếu nại của tổ chức.

Về mặt lý thuyết, nếu kháng án bị uỷ ban khiếu nại Fifa bác bỏ, những đối tượng bị kỷ luật có thể kiện lên cấp Toà trọng tài thể thao. Nhưng dẫu gì, nếu muốn bảo vệ uy tín và tham vọng của mình, Michel Platini còn phải vượt qua được cửa ải "Ủy ban bầu cử của Fifa", cấp cơ quan toàn quyền quyết định việc ra ứng cử dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí liêm khiết.

Vậy cơ quan nào có thể tiến hành thẩm định độ liêm khiết của một người ? Đó chính lại là Ủy ban đạo đức, cấp vừa ra án phạt hàng loạt quan chức Fifa.

Dưới thời Blatter, Ủy ban đạo đức vẫn được ví như "cỗ máy chém" của ông Chủ tịch để loại bỏ kẻ thù của mình. Ứng cử vào chức Chủ tịch Fifa cạnh tranh với Blatter năm 2011 là Mohammed Bin Hammam, người Qatar chẳng đã bị loại vĩnh viễn khỏi thế giới bóng đá bởi cái tiểu ban này đó sao ? Mới đây hồi mùa hè năm nay, đến lượt nhân vật người Chilê Harol Mayen Nicholls vừa mới ngỏ ý ra cạnh tranh với Blatter đã bị ngay án phạt treo 7 năm.

Tính độc lập của Ủy ban đạo đức vẫn bị ngờ vực. Theo ý kiến của nhiều người theo dõi hồ sơ này, uỷ ban đạo đức vẫn còn bị Blatter thao túng.

Với việc loại các quan chức dính líu trực tiếp trong việc trao quyền tổ chức hai kỳ Cúp thế giới 2018 tại Nga và 2022 cho Qatar, có vẻ như lần này Ủy ban đạo đức quyết định mạnh tay đập đi xây lại ngôi nhà Fifa. Trong tổng số 22 thành viên của Ban chấp hành đã tham gia vào cuộc bỏ phiếu gây nhiều tranh cãi đó, chỉ có 6 người đến nay không dính gì án kỷ luật của Fifa, còn lại là người bị loại suốt đời khỏi đời sống bóng đá, hoặc bị đình chỉ trách nhiệm có thời hạn hay bị điều tra vì nghi án tham nhũng.

Kể từ khi đại hội tại Nam Phi năm 2010 quyết định tổ chức World Cup 2018 tại Nga và 2022 tại Qatar, báo chí liên tục tung ra nhiều cáo giác các quan chức Fifa tham nhũng hối lộ xung quanh vụ trao quyền đăng cai Cúp thế giới đáng ngờ này. Nhưng các vụ việc vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thông tin báo chí hay có khi bị xếp vào hàng tin đồn. Các cáo giác trên chỉ chính thức chuyển thành nghi án tham nhũng Fifa khi tư pháp Mỹ rồi Thụy Sĩ vào cuộc. Và thế là từ bốn tháng qua, Fifa liên tục bị cuốn vào cái vòng xoáy hỗn loạn từ nay mang tên « Fifagate ».
Tương lai của làng bóng đá thế giới đang nằm trong tay của các quan tòa, luật sư.

Tuyển bóng đá Việt Nam : Mục tiêu là vượt qua người Thái

06:36

P.V. ông Quang Tuyen

Chuyển qua sân cỏ tại Việt Nam. Hôm thứ Năm trong tuần tiếp tục trong khuôn khổ vòng loại cho Cúp Thế giới2018, đội tuyển quốc gia bóng đá Việt Nam trên sân nhà Mỹ Đình - Hà Nội đã tiếp đội tuyển Irak. Trước đối thủ mạnh hơn hẳn về nhiều mặt, các tuyển thủ Việt Nam đã có một lối chơi hiệu quả, cầm hòa đối thủ bằng tỷ số 1-1. Lẽ ra thầy trò huấn luyện viên Miura đã có một chiến thắng quý giá trước Irak nếu không bị dính phạt quả phạt 11 mét do hậu vệ để bóng chạm tay trong vòng cấm vào những giây cuối cùng của thời gian đá bù giờ.

Dù nuối tiếc với kết quả hòa với Irak, nhưng người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn cảm thấy thỏa mãn. Thầy trò huấn luyện viên Miura dường như đã lấy lại niềm tin của dư luận sau nỗi thất vọng trước trận thắng đội Đài Loan bị đánh giá là "ăn may" trước đó hơn hai tuần. Trận cầm hòa Irak đã tạo nhiều hưng phấn cho các cầu thủ trong trận đối mặt sắp tới với đội Thái Lan, trận đấu mà một lần nữa người hâm mộ Việt Nam lại đặt kỳ vọng vào các cầu thủ Việt Nam sẽ vượt qua nỗi sợ người Thái để giành chiến thắng.

Trở lại với trận gặp Irak cùng với bình luận viên bóng đá Quang Tuyến :

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.