Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - SLOVAKIA - BREXIT

Liên Hiệp Châu Âu « hậu Brexit » với Slovakia làm chủ tịch

Sau Hà Lan, kể từ hôm nay, 01/07/2016, đến lượt Slovakia – một quốc gia nhỏ vùng Trung Âu - đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu trong vòng 6 tháng. Sau cú sốc cử tri Anh Quốc quyết định rời châu Âu, cách nay một tuần, nhiệm kỳ chủ tịch của Slovakia hứa hẹn nhiều sóng gió. Làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang dâng cao tại Slovakia, trong khi đó chính quyền Bratislava lại khá nghi ngại Bruxelles.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker (T), và thủ tướng Slovakia, Robert Fico tại Bratislava, ngày 30/06/2016.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker (T), và thủ tướng Slovakia, Robert Fico tại Bratislava, ngày 30/06/2016. SAMUEL KUBANI / AFP
Quảng cáo

Thông tín viên Alexis Rosenzweig tường trình từ Bratislava,

« Thường xuyên trục trặc với Bruxelles do các mối liên hệ với cánh cực hữu hay quyết liệt chống lại chính sách phân bổ định mức đón tiếp người tị nạn, thủ tướng Slovakia Robert Fico giờ đây lại đóng vai trò một trong các trụ cột của châu Âu.

Sau 12 năm gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời là thành viên của khối tự do đi lại Shengen và khu vực đồng euro, Slovakia không muốn để Đức hay Pháp quyết định tương lai chung của châu Âu. Nhà chính trị học Martin Michelot, chuyên gia về Trung Âu, thuộc Viện Europeum, nhận định : ‘‘Cho dù tầm quan trọng của chức chủ tịch luân phiên có phần suy giảm trong những năm gần đây, Slovakia vẫn đứng trước một áp lực thực sự khi phải đại diện cho một số nước Trung Âu, vào thời điểm mà các nước này bị xem như là một nhóm gây trở ngại trong lòng Liên Hiệp Châu Âu’’.

Theo ông, ‘‘Slovakia chắc chắn sẽ phải nỗ lực để đưa ra được một hoặc hai đóng góp quan trọng vào tháng 12 tới, có thể coi như những tham gia thực sự của Trung Âu vào tiến trình xây dựng châu Âu’’.

Về mặt chính thức, các ưu tiên của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Slovakia là lĩnh vực kinh tế, chính sách nhập cư và tị nạn, tuy nhiên, nổi lên hàng đầu vẫn là vấn đề Brexit, cụ thể là trong thượng đỉnh của khối 27 nước, dự kiến sẽ họp tại thủ đô Slovakia vào giữa tháng 9/2016 ».

Hôm qua, trước ngày đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu, phát biểu trong một cuộc họp báo, thủ tướng Slovakia nói thẳng : « Những quyết định hệ trọng về tương lai của châu Âu không thể được quyết định chỉ bởi hai hay ba quốc gia thành viên, hay các nước sáng lập Liên Hiệp Châu Âu ». Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, sáu nước sáng lập Liên Hiệp Châu Âu đã có một cuộc họp, tiếp theo đó là cuộc hội kiến giữa lãnh đạo ba nước Pháp, Đức và Ý về vấn đề này vào hôm thứ Hai, 27/06.

Nhật hối thúc Anh và Đức trấn an thị trường

Theo Reuters, hôm qua, 30/06/2016, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã kêu gọi hai đồng nhiệm Đức và Anh, thiết lập lại niềm tin của các thị trường tài chính sau cú sốc Brexit. Ông Shinzo Abe cho biết đã điện đàm với các đồng nhiệm Anh và Đức. Ba lãnh đạo thống nhất là các nước khối G7 phải gia tăng hợp tác trong việc này.

Trong thông cáo của chính phủ Nhật có đoạn : « Thủ tướng (Abe) kêu gọi Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu cộng tác và đưa ra một thông điệp rõ ràng để xóa tan những lo ngại trên các thị trường và gấp rút tăng cường khả năng dự báo ».

Quyết định rời Liên Hiệp Châu Âu của cử tri Anh hôm 23/06 khiến thị trường châu Âu và Nhật Bản rung chuyển. Đồng yen Nhật Bản tăng vọt, gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Nhật và khả năng phục hồi kinh tế nói chung của nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.