Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 trên đất Nga sẽ không có đội Nga?

Đăng ngày:

Sau bản báo cáo McLaren, nêu bật tình trạng doping cấp Nhà nước tại Nga, lãnh đạo của 19 cơ quan quốc gia chống doping họp lại tại Dublin (Ireland) ngày 11/01/2017 đã cho rằng.Nga nên bị trục xuất ra khỏi mọi cuộc thi đấu thể thao, kể cả Cúp Bóng Đá Thế Giới mà nước này tổ chức năm 2018. Đây là rắc rối mới nhất mà Matxcơva phải đối phó sau khi hệ thống dùng chất kích lực trái phép do chính Nhà Nước Nga tổ chức bị vạch trần.

Liệu đội tuyển Nga có bị cấm thi đấu tại chính World Cup 2018 ở Nga hay không? Ảnh minh họa: Logo Cúp Bóng Đá Thế giới 2018.
Liệu đội tuyển Nga có bị cấm thi đấu tại chính World Cup 2018 ở Nga hay không? Ảnh minh họa: Logo Cúp Bóng Đá Thế giới 2018. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Bản thông cáo công bố sau cuộc họp hôm 10/01 nêu rõ : « Dưới ánh sáng của bản báo cáo McLaren thứ hai, lãnh đạo (các cơ quan quốc gia phòng chống doping) đã yêu cầu khai trừ mọi tổ chức thể thao Nga ra khỏi tất cả các cuộc thi đấu quốc tế ». Báo cáo được nhắc đến là bản phúc trình của luật gia người Canada McLaren, đã cho thấy rõ sự tồn tại của một hệ thống doping được thể chế hoá tại Nga, điều mà Matxcơva cực lực phủ nhận.

Chủ tịch cơ quan phòng chống doping của Mỹ Travis Tygart xác nhận với trang web chuyên theo dõi thời sự thế vận insidethegames rằng đề nghị trục xuất sẽ bao gồm cả Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 tổ chức tại Nga.

Về việc có để cho Nga tiếp tục đăng cai Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 hay không, quan điểm của Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới rất rõ : Không có gì thay đổi. Theo ông Gianni Infantino, chủ tịch FIFA, không có lý do gì để cấm không cho Nga tổ chức World Cup 2018. FIFA, theo ông, không phải là sen đầm thế giới, cũng không phải là cảnh sát quốc tế chống doping. Tuy nhiên FIFA sẽ không coi nhẹ các cáo buộc nêu lên trong bản báo cáo McLaren.

Các quan chức trong lãnh vực phòng chống doping họp tại Dublin – trong đó có các đại diện Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp và Đức – cũng cho rằng nên cho các vận động viên Nga tham gia với tư cách cá nhân vào các cuộc thi quốc tế với điều kiện là những người này đáp ứng đầy đủ các cuộc kiểm tra chống doping.

Vào đầu tháng 12 vừa qua, luật gia Richard McLaren đã công bố phần cuối bản báo cáo về tệ nạn dùng doping ở Nga mà phần đầu đã được đưa ra công chúng trước khi khai mạc Thế Vận Hội Rio, cho thấy cả một hệ thống doping được thể chế hóa ở Nga. Phần hai của cuộc điều tra cho thấy là đã có hơn 1000 vận động viên Nga trong hơn 30 bộ môn thể thao đã « được hưởng » chế độ doping đó.

Chính quyền phủ nhận nhưng thể thao Nga tiếp tục bị tẩy chay

Trung thành với lập trường cố hữu cố hữu của mình, chính quyền Nga đã phủ nhận mọi cáo buộc. Theo hãng tin R-Sport, được Ria Novosti trích dẫn, phó thủ tướng Nga Vitali Mutko đã lớn tiếng kêu gọi : « Đừng chú ý đến các báo cáo đó. Đó chỉ là một cuộc tấn công cố ý, nhằm hạ uy tín ngành thể thao Nga ».

Dẫu sao thì vào mùa hè 2016, gần như toàn bộ các vận động viên điền kinh Nga cùng với rất nhiều tuyển thủ trong các bộ môn thể thao khác bị cấm tham dự Thế Vận Hội Rio. Nga cũng bị loại hoàn toàn khỏi Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic diễn ra sau đó cũng tại Brazil.

Gần đây, một loạt tuyển thủ Nga đã bị tước các huy chương mà họ đã giành được tại Olympic Bắc Kinh 2008 và Luân Đôn 2012, sau khi có kết quả dương tính với xét nghiệm doping.

Mới đây, ngày 13/12/2016, Nga cũng đã bị tước quyền đăng cai Giải Vô Địch trượt băng lòng máng thế giới (bobsleigh và skeleton) dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm 2017 tại thành phố Sochi.

Ở bộ môn biathlon, tức là hai môn phối hợp trượt tuyết đường trường và bắn súng, nhà vô địch người Pháp Martin Fourcade đã đe dọa là sẽ tẩy chay các trận đấu trong khuôn khổ Cúp Thế Giới, nếu Liên Đoàn Biathlon Quốc Tế rộng lượng đối với các vận động viên Nga bị tố cáo doping. Bản báo cáo MacLaren có nêu tên của 31 vận động viên biathlon của Nga phạm tội doping.

Vô Địch Bóng Ném Thế giới 2017 : Pháp muốn rửa mối hận 2016

Thắng Brazil trong trận ra quân ngày 11/01/2017, thắng tiếp Nhật Bản trong trận thứ hai ngày 13/01 : Phải chăng đội tuyển bóng ném Pháp đang trên đà củng cố quyền bá chủ với kỷ lục mới là sáu chức vô địch thế giới ? Đây là điều được cho là nằm trong tầm tay của các « Chuyên Gia » – biệt hiệu của đội tuyển bóng ném Pháp - vì lẽ giải vô địch thế giới năm nay diễn ra ở Pháp (11-29/01/2017), với lợi thế sân nhà rõ nét. Đối với đội tuyển Pháp, đây còn là dịp để rửa mối hận năm 2016, khi Pháp để vuột chức Vô Địch Thế Vận Hội vào tay đội tuyển Đan Mạch.

Phải nói là nhân giải Vô Địch Thế giới Bóng Ném năm nay, Pháp là ứng viên nặng ký nhất vào chức vô địch. Trong mười năm trở lại đây, đội tuyển Pháp hầu như ngự trị trên làng bóng quốc tế, vào năm 2015 đã lập kỷ lục 5 chức vô địch, giành được trong những năm 1995, 2001, 2009, 2011 và 2015. Thế nhưng vào năm ngoái, các Chuyên Gia đã để lộ dấu hiệu suy yếu khi chỉ xếp hạng 5 trong giải Vô Địch Châu Âu, và chỉ được Huy Chương Bạc ở Thế Vận Hội Rio (Brazil).

Chính vì vậy mà các tuyển thủ cũng như giới hâm mộ đã kỳ vọng rất nhiều vào giải Vô Địch Thế giới 2017 này để lấy lại ngôi vị hàng đầu cho nền bóng ném Pháp, và lập nên kỷ lục mới:  6 chức vô địch thế giới.

Hai trận thắng đầu tiên trước Brazil và Nhật Bản đã giúp đội chủ nhà có khí thế, nhưng đó chỉ là những đội nhẹ ký về bóng ném, trong lúc các đối thủ tiềm tàng của đội Pháp khó nhai khó nuốt hơn nhiều, mà đầu tiên hết là đội tuyển Đan Mạch, đương kim Vô Địch Thế Vận.

Nếu đội Pháp của huấn luyện viên Didier Dinart nung nấu ý chí trả thù mối hận Rio 2016, thì đội tuyển Đan Mạch, được thủ quân Mikkel Hansen – đồng thời là ngôi sao sáng chói của Câu lạc bộ Pháp Paris Saint-Gremain - dẫn dắt, cũng quyết tâm không kém.

Trong liên tiếp năm giải vô địch thế giới gần đây, các tuyển thủ Bắc Âu, đã bốn lần vào được bán kết, nhưng đều vấp ngã, chỉ được hai huy chương bạc (2011 thua Pháp ; 2013 thua Tây Ban Nha), một huy chương đồng (thắng Pháp năm 2007) và một thứ hạng tư (năm 2009).

Do vậy, sau chức Vô Địch Thế Vận năm ngoái, đội tuyển Đan Mạch rất muốn thừa thắng xông lên.

Bên cạnh Đan Mạch, một cản lực khác trên đường tiến của đội tuyển Pháp có thể là Tây Ban Nha, một thành viên thường xuyên trong bộ tứ thế giới trong hơn một chục năm gần đây, hai lần vô địch năm 2005 và 2013, hạng Ba năm 2011 và hạng Tư năm 2015.

Ngoài ra còn phải kể đến Croatia, luôn luôn có những thứ hạng tốt ở giải vô địch thế giới : Croatia từng là vô địch năm 2003, rồi hai năm sau vào chung kết nhưng bị thua Tây Ban Nha, qua năm 2009 lại để vuột chức vô địch vào tay đội Pháp, và đến năm 2013 thì giành huy chương đồng.

Ba Lan, mà đội tuyển Pháp sẽ gặp ngay trong vòng đấu bảng năm nay cũng là một đội tốt trong một chục năm gần đây, hạng Nhì thế giới năm 2007, hạng Ba năm 2009, và gần đây nhất, năm 2015, cũng đánh bại Tây Ban Nha để giành huy chương đồng.

Ngoài châu Âu, phải chú ý đến Qatar, quốc gia vùng Vịnh với đội tuyển hầu như là « ngoại binh », tức là các tuyển thủ giỏi khắp nơi được Qatar cho nhập tịch để vào đội tuyển. Trong giải Vô Địch Bóng Ném Thế Giới năm 2015, trên sân nhà, Qatar đã vào được chung kết, và đã cầm cự ngang ngửa với đội vô địch giải đấu là Pháp với tỷ số 25-22.

Trong bối cảnh bóng ném được coi là sở trường của châu Âu, hy vọng của các đại diện châu Phi, như Tunisia, Angola và Ai Cập, hay châu Mỹ như Brazil, Achentina, Chi Lê chỉ là làm sao qua được vòng đấu bảng.

World Cup có 48 đội từ năm 2026

Kể từ Cúp Bóng Đá Thế Giới năm 2026, vòng chung kết sẽ quy tụ có 48 đội tham dự thay vì 32 đội như hiện tại. Đề án này đã được Hội Đồng FIFA thông qua hôm 10/01/2017. Đây là một trong những chiến lược chủ chốt tân chủ tịch FIFA Gianni Infantino, mà mục tiêu được cho là mở cửa World Cup cho châu Á có nhiều đội tham gia hơn.

Thật vậy, một nghịch lý trong làng bóng đá hiện nay là hai nước đông dân nhất hành tinh Trung Quốc và Ấn Độ đều ở châu Á, nhưng lại gần như là con số không to tướng trong lãnh vực bóng đá, hầu như thất bại hoàn toàn trong việc vượt qua cửa ải khu vực để vào được vòng chung kết. Ấn Độ là ví dụ điển hình của con số không, Trung Quốc khá hơn một chút với một lần duy nhất vào năm 2012.

Để tạo thêm cơ may cho các nước này, FIFA sẽ nâng số vé đi dự vòng chung kết cho châu Á, FIFA vào tháng Năm 2017 sẽ nhân đôi sô đại diện châu Á tại vòng chung kết, từ 4 đến 5 đội như hiện nay, lên thành từ 8 đến 9 đội ở Cúp Thế Giới 2026.

Theo phương án mới đó, châu Phi cũng được lợi, từ 5 đại diện sẽ được tăng lên 9 hay 10 vào năm 2026.

Với 48 đội tham gia, cách đấu cũng hơi khác. Cúp Vô Địch Bóng Đá Thế Giới 2026 sẽ được chia làm 16 bảng, mỗi bảng 3 đội thi đấu vòng tròn 1 lượt, 2 đội đầu bảng sẽ giành vé vào vòng 1/16, bắt đầu vòng đấu loại trực tiếp. Như vậy, số trận đấu cũng sẽ tăng từ 64 lên 80 trận, nhưng FIFA dự kiến giải đấu vẫn chỉ kéo dài 32 ngày.

Đầu tư vào EURO 2016: Pháp lời to

Theo một công trình nghiên cứu theo đề nghị của bộ Thể Thao Pháp, công bố ngày 11/01/2017, nhờ tổ chức Cúp Vô Địch Bóng Đá Châu Âu EURO 2016, nước chủ nhà Pháp đã thu về được một khoản tiền lên tới 1,22 tỷ euro. So với số vốn chính thức bỏ ra - chưa đầy 200 triệu euro (tương đương với 211 triệu đô la) – để đầu tư cho sự kiện này, rõ ràng là Pháp đã được lời to.

Du lịch là ngành hưởng lợi nhiều nhất: 625,8 triệu euro doanh thu nhờ số người ngoại quốc đổ vào Pháp trong suốt giải đấu. Tính trung bình, nhân dịp EURO, một du khách tới Pháp ở lại khoảng 8 ngày, chi tiêu khoảng 154 euro mỗi ngày cho việc ăn, ở và giải trí. Paris là nơi được ưa chuộng nhất với hơn 50% số khán giả ở lại, kế đến là Lyon và Marseille.

Trong tháng thi đấu, có đến 536 500 khách du lịch « thể thao » đến Pháp chỉ để xem bóng đá. Đông nhất là người Anh (13,4%) và Đức (12,7%), nhưng cũng có đến 3,1% người Mỹ trong sốnhững du khách thể thao, cho dù Hoa Kỳ không tham gia giải EURO.

Euro 2016 cũng rất có lợi cho Nhà Nước Pháp, đã thu được gần 75 triệu tiền thuế đủ loại.

Kết quả tài chánh của EURO 2016 chắc chắn sẽ khuyến khích chính quyền Pháp dốc sức để làm sao giành được cho Paris quyền tổ chức Olympic 2024. Kết quả chọn lựa sẽ được biết vào ngày 13/09 tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.