Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - LIÊN HIỆP QUỐC

Cố tổng thư ký LHQ Kofi Annan : Một con người chính trực

Cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan bắt đầu đảm nhiệm chức vụ vào thời kỳ mà thế giới vừa thoát khỏi cuộc Chiến tranh Lạnh, nhưng lại là giai đoạn bùng lên nhiều cuộc chiến cục bộ và thảm sát quy mô lớn. Ông nổi tiếng là người có tiếng nói chính trực, và có nhiều đóng góp để ngăn ngừa xung đột trên thế giới, cổ vũ cho nhân quyền.

Một trong những điều nuối tiếc của Kofi Annan là đã không thể cải cách nổi Hội Đồng Bảo An, để thích ứng với thế kỷ XXI.
Một trong những điều nuối tiếc của Kofi Annan là đã không thể cải cách nổi Hội Đồng Bảo An, để thích ứng với thế kỷ XXI. ®Maxwells/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Vụ diệt chủng tại Rwanda ở châu Phi, năm 1994, khiến khoảng một triệu người chết, và cuộc thảm sát người Hồi Giáo ở Bosnia, Nam Tư cũ, xảy ra ngay giữa lòng châu Âu, một năm sau đó khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng. Liên Hiệp Quốc đã bó tay trước những cuộc thảm sát, diệt chủng này. Kofi Annan vốn là trợ lý tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, phụ trách các hoạt động bảo vệ hòa bình, vào thời điểm đó.

Nhậm chức năm 1997, tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhìn nhận những thất bại này như là điều báo trước về « thách thức lớn nhất của ông », với tư cách người lãnh đạo của định chế quốc tế lớn nhất thế giới, là nâng cao khả năng của Liên Hiệp Quốc trong các hoạt động ngăn ngừa xung đột, can thiệp kịp thời bảo vệ sinh mạng con người.

Tổng thư ký Kofi Annan được coi là người đã có công trong việc đưa Liên Hiệp Quốc phần nào trở lại vai trò trung tâm trong việc xử lý xung đột trên thế giới. Kofi Annan đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết nhiều hồ sơ gai góc, như cuộc xung đột biên giới Israel - Liban năm 2000, hay tránh căng thẳng Mỹ - Irak leo thang thành chiến tranh vào năm 1998. Thế giới đã chuyển sang một bước ngoặt khác với vụ tấn công 11/09/2001 vào hai tòa tháp ở New York, biểu tượng cho quyền lực của nước Mỹ.

Cố tổng thư ký Kofi Annan nổi tiếng là một con người chính trực, kiên quyết nói lên tiếng nói của sự thật. Quan hệ giữa Kofi Annan và Hoa Kỳ xấu đi sau cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Irak năm 2003, bị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên án là « bất hợp pháp ». Trong bài diễn văn giã từ chức vụ năm 2007, Kofi Anna tiếp tục nghiêm khắc chỉ trích Washington, chỉ trích chính quyền Bush vì các vi phạm nhân quyền, không xứng với trách nhiệm của một cường quốc đối với thế giới. Các phát biểu của Kofi Annan gây chấn động giới bảo thủ tại Mỹ vào thời điểm đó.

Sau khi rời khỏi chức vụ, Kofi Annan tiếp tục nhiều hoạt động. Ông là người sáng lập Quỹ Kofi-Annan, vì hòa bình, phát triển và nhân quyền. Kofi Annan cũng được bầu làm chủ tịch tổ chức phi chính phủ Global Elders, một nhóm « các nhà hiền triết của thế giới », vì phát triển bền vững và hòa bình, bao gồm những người như Nelson Maldela, Jimmy Carter.

Một trong những điều nuối tiếc của Kofi Annan là đã không thể cải cách nổi Hội Đồng Bảo An, để thích ứng với thế kỷ XXI. Trong con mắt của ông, định chế uy quyền này chỉ phản ánh cục diện thế giới vào thời điểm chấm dứt Thế chiến Hai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.