Vào nội dung chính
HOA KỲ - IRAN

Tòa Công lý Quốc tế xét khiếu nại của Iran về tài sản bị Mỹ phong tỏa

Bắt đầu từ ngày 08/10/2018, Tòa Công Lý Quốc Tế (ICJ/CJI), có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, bắt đầu xem xét đơn kiện của Teheran nhắm vào chính quyền Washington sau khi Mỹ phong tỏa gần hai tỉ đô la tài sản của Iran vào năm 2016, để bồi thường các nạn nhân người Mỹ trong các vụ tấn công khủng bố.

Tòa Công lý Quốc tế ở La Haye. Ảnh chụp ngày 27/8/2018.
Tòa Công lý Quốc tế ở La Haye. Ảnh chụp ngày 27/8/2018. REUTERS/Piroschka van de Wouw
Quảng cáo

Đơn kiện được Teheran đệ trình lên Tòa Công Lý Quốc Tế vào tháng 06/2016. Theo AFP, phiên tòa kéo dài đến thứ Sáu 12/08 và tập trung trước tiên vào các phản biện của Washington. Sau đó, các thẩm phán sẽ quyết định có tiếp tục hay từ bỏ quyền tài phán trong vụ tranh chấp này.

Iran tìm cách lấy lại gần hai tỉ đô la tài sản tại Hoa Kỳ bị Tòa Án Tối Cao nước này ra quyết định phong tỏa ngày 20/04/2016, với lý do bồi thường cho khoảng 1.000 nạn nhân Mỹ, trong các vụ khủng bố mà tư pháp Mỹ cáo buộc Iran là chủ mưu hoặc yểm trợ. Một ví dụ được AFP nhắc lại là vụ 241 quân nhân Mỹ bị thiệt mạng ngày 23/10/1983 trong hai vụ tấn công tự sát nhắm vào đoàn xe Mỹ và Pháp thuộc Lực lượng đa quốc gia bảo đảm an ninh ở Beyrouth (Liban).

Nghị Viện Iran thông qua luật chống tài trợ khủng bố

Ngày 07/10/2018, Nghị Viện Iran đã thông qua một dự luật chống tài trợ khủng bố. Văn bản bị phe bảo thủ chỉ trích, nhưng lại được cho là mang tính « sống còn », để cứu thỏa thuận hạt nhân với các đối tác còn lại sau khi Mỹ rút lui. Tuy nhiên, dự luật còn phải chờ được Ủy Ban Bảo Hiến Iran thông qua. Hiện phe bảo thủ đang kiểm soát ủy ban này.

Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran :

« Sau nhiều tuần tranh luận giữa phe ôn hòa và bảo thủ, Nghị Viện đã thông qua luật cuối cùng, trong số bốn luật về chống tài trợ khủng bố.

Đối với những người ủng hộ chính phủ của tổng thống ôn hòa Hassan Rohani, việc thông qua dự luật này giúp Iran nhận được sự ủng hộ của các nước Liên Hiệp Châu Âu để chống đỡ sức ép và các biện pháp trừng phạt của Washington, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Luật này còn thỏa mãn các yêu cầu của Cơ Quan Đặc Nhiệm Tài Chính (FATF), một cơ chế liên chính phủ được khối G7 thành lập năm 1989, nhằm phát triển và xúc tiến cuộc chiến chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Tháng Sáu vừa qua, cơ quan FATF đã gia hạn ba tháng cho Iran để thông qua nhiều đạo luật cần thiết nhằm rút nước này ra khỏi danh sách đen của FATF. Iran và Bắc Triều Tiên là hai nước duy nhất còn nằm lại trong danh sách đen trên.

Đối với một phần chính trị gia bảo thủ, luật này còn giúp Hoa Kỳ có thêm công cụ để gây sức ép đối với Iran. Nhưng đối với những người ủng hộ chính phủ, việc thông qua luật về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho phép Iran nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu vào thời điểm quan trọng, khi Teheran đang phải đối mặt với sức ép và các biện pháp trừng phạt của Mỹ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.