Vào nội dung chính
CPI - CÔTE D'IVOIRE

Tuyên trắng án cựu tổng thống Gbagbo, CPI muốn lấy lại công lý cho chính mình ?

Sau gần hai năm đưa ra xét xử cựu tổng thống Côte d'Ivoire Laurent Gbagbo với cáo buộc phạm tội ác chống nhân loại, hôm qua, 15/01/2019, Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) đã tuyên ông Gbagbo cùng một cộng sự của ông trắng án vì không đủ bằng chứng để kết tội.

Những người ủng hộ ông Laurent Gbagbo theo dõi phiên xử qua truyền hình ngày 15/01/2019 tại Gagnoa, Côte d'Ivoire
Những người ủng hộ ông Laurent Gbagbo theo dõi phiên xử qua truyền hình ngày 15/01/2019 tại Gagnoa, Côte d'Ivoire REUTERS/Thierry Gouegnon/File Photo
Quảng cáo

Quyết định hi hữu của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với một bị cáo là nguyên thủ quốc gia, đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh uy tín và vai trò của cấp xét xử tội ác nghiêm trọng nhất thế giới .

Cựu tổng thống Laurent Gbagbo bị cáo buộc phạm tội ác chống nhân loại trong cuộc khủng hoảng hậu bầu cử năm 2010-2011. Ngày 28/01/ 2016, ông Gbagbo đã bị đưa ra tòa cùng một cộng sự là cựu lãnh đạo phong trào đoàn thanh niên của mình, Charles Blé Goudé với cáo buộc chịu trách nhiệm về cái chết của 3000 người trong cuộc khủng hoảng này. Đối với Tòa án Hình sự Quốc tế, đây là vụ án đặc biệt quan trọng. Ông Laurent Gbagbo là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị tòa án này xét xử.

Được thành lập năm 2002, Tòa án Hình sự Quốc tế CPI có sứ mệnh phán xử các tội ác tàn bạo chống nhân loại trên thế giới. Tòa chỉ có thẩm quyền đối với các vụ án lớn không xử được ở các quốc gia có liên quan, hoặc bởi chính quyền ở quốc gia đó không có thiện chí xét xử, hoặc hệ thống tư pháp ở những quốc gia như vậy không có đủ khả năng thực thi công lý.

Có lẽ vì thế mà hầu hết các vụ xét xử của CPI đều nhắm tới các nước nghèo, chậm phát triển. Trong hơn một thập niên hoạt động, đã không ít lần CPI bị gán cho biệt danh là « tòa án dành cho châu Phi ». Điều đó khiến dư luận không khỏi hoài nghi rằng tòa án đóng trụ sở tại La Haye cũng chỉ là nơi biến luật pháp quốc tế thành công cụ chính trị của các cường quốc.

Nếu việc tuyên trắng án đối với cựu tổng thống Côte d'Ivoire lần này là một thắng lợi lớn của những người ủng hộ ông Laurent Gbagbo, thì có thể nói đó là thất bại của Tòa Hình sự Quốc tế hay không ? Hay sự kiện mới này là một dấu hiệu cho thấy định chế tư pháp quốc tế đang muốn khẳng định lại tính độc lập của mình ?

Theo giáo sư luật hình sự quốc tế Đại học Leiden, Hà Lan, Carsten Stahn, phán quyết trắng án lần này của tòa « gây tổn hại đến niềm tin vào khả năng buộc tội trong các vụ án nhắm vào những quan chức cao cấp nhất » có dính líu đến những tội ác nghiêm trọng trên thế giới. Hồi tháng 06/2018, CPI cũng đã tuyên trắng án với cựu phó tổng thống Congo Jean-Pierre Bembe. Trước đó, ở phiên sơ thẩm, bị cáo đã bị tuyên 18 năm tù vì liên quan đến các vụ sát hại hàng ngàn người ở Cộng Hòa Trung Phi trong những năm 2002-2003.

Năm 2014, công tố viên của Tòa Hình sự Quốc tế, Fatou Bénouda, vì thiếu bằng chứng, cũng đã phải đình chỉ việc truy tố tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, phạm tội ác chống loài người.

Trên thực tế, thì CPI cũng đã có được một số thành công trong các vụ xét xử những nghi can phạm tội ác chiến tranh, nhưng vẫn được xếp vào hàng những « con cá bé », chẳng hạn như các các cựu tướng lĩnh Congo, hay thủ lĩnh thánh chiến Mali, bị kết án vì phá hủy di tích lăng mộ cổ ở Tombouctou.

Tuy nhiên, theo bà Marta Bo, nhà nghiên cứu luật quốc tế tại Viện Asser, La Haye, thì sẽ là « sai lầm khi đánh giá thành công của một tòa án hình sự trên cơ sở tỉ lệ các bản án ». Bà nhấn mạnh, điều quan trọng là quyết định của các quan tòa phải « bảo đảm với cộng đồng quốc tế » rằng CPI là cấp phán xử « độc lập ».

Nhiều nhà quan sát cũng nhất trí trên một số điểm tích cực trong vụ tuyên trắng án đối với Gbagbo. Chuyên gia Carsten Stahn phân tích, với phán quyết vừa rồi của Tòa, người ta khó còn có thể nói « CPI là một bên chống lại châu Phi, mà phán quyết này chứng tỏ Tòa đã tuân thủ các chuẩn mực công bằng với các bị cáo ». Như thế thì phán quyết của tòa La Haye hôm qua đã chứng minh được phần nào tính độc lập và không thiên vị của các thẩm phán, đồng thời giải tỏa bớt các câu hỏi khó về vai trò và tương lai của cấp thẩm quyền xét xử tội phạm cao nhất thế giới như CPI.

Việc tuyên trắng án cho Laurent Gbagbo sẽ không đến mức gây chấn động hay khủng hoảng ở CPI như một số nguồn dư luận đánh giá, biết đâu đó lại chẳng là tín hiệu thay đổi đang nhen nhóm trong lòng định chế công lý quốc tế này. Trong khi đó, CPI đang ngày càng nhận được nhiều lời kêu gọi điều tra tội ác ở nơi này nơi khác trên thế giới, như hồ sơ lính Mỹ sát hại thường dân ở Afghanistan hay nhiều vụ việc liên quan đến các nước Venezuela, Ukraina, Philippines, Miến Điện… Công lý sẽ không thể có ở một tòa án quốc tế chỉ mang tính biểu tượng và bị nhiều điều tiếng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.