Vào nội dung chính
AFGHANISTAN

Taliban và đối lập Afghanistan đối thoại tại Matxcơva

Tại Nga hôm 05/02/2019, đã diễn ra một cuộc đối thoại chưa từng có nhằm tìm kiếm hòa bình cho Afghanistan. Lần đầu tiên, đại diện lực lượng nổi dậy Taliban chính thức gặp các chính trị gia đối lập Afghanistan. Đối thoại được truyền hình trực tiếp tại Afghanistan.

Buổi khai mạc cuộc đối thoại giữa đại diện Taliban các nhóm đối lập Afghanistan tại Mátxcơva ngày 05/02/2019.
Buổi khai mạc cuộc đối thoại giữa đại diện Taliban các nhóm đối lập Afghanistan tại Mátxcơva ngày 05/02/2019. Yuri KADOBNOV / AFP
Quảng cáo

Theo AFP, đứng đầu phái đoàn chính trị gia đối lập Afghanistan, với khoảng 80 thành viên, là cựu tổng thống Hamid Karzai. Trong phái đoàn đối lập, còn có một số thủ lĩnh quân sự của lực lượng Liên Minh Phương Bắc, từng chống Taliban trong thập niên 90. Hai cựu thủ lĩnh Mohammad Mohaqiq và Younus Qanooni cũng là người ủng hộ Mohammad Hanif Atmar, một ứng cử viên nặng ký trong cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến sẽ diễn ra ngày 20/07 tới. Về phía Taliban, đứng đầu là đại diện của lực lượng này ở Qatar, Scher Mohammad Abbas Stanikzai.

Về phần nước Nga, trong một thông cáo đăng tải sau đó, ngoại trưởng Serguei Lavrov khẳng định « điều quan trọng là việc giải quyết tranh chấp tại Afghanistan phải được tiến hành một cách minh bạch, với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị trong nước, cũng như tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia láng giềng ».

Trên thực tế, chính quyền Kabul không có mặt trong cuộc đối thoại chính trị nói trên. Trả lời AFP, nhà phân tích Haroon Mir cho rằng mục tiêu của phe Taliban là « phân hóa giới chính trị Afghanistan ». Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, trong một phát biểu trên truyền hình tối qua, cũng chỉ trích cuộc đối thoại tại Matxcơva, không có sự tham gia của chính phủ hợp pháp, là một điều « kỳ cục ».

Trong cuộc đối thoại, đại diện Taliban đã tranh thủ diễn đàn để trình bày quan điểm của lực lượng này về viễn cảnh chính trị tại Afghanistan, đặc biệt với đòi hỏi một Hiến Pháp Hồi Giáo, thay thế cho Hiến Pháp hiện hành, bị đánh giá là sao chép của phương Tây.

Về phía đối lập Afghanistan, một trong hai phụ nữ Afghanistan duy nhất được mời đến Matxcơva, bà Fawzia Koofi - chủ tịch Ủy Ban Phụ Nữ, Xã Hội Dân Sự và Nhân Quyền của Quốc Hội - khẳng định Taliban cần hiểu rằng « tình hình tại Afghanistan đã thay đổi », « xã hội Afghanistan đã hiện đại hơn, vì vậy Taliban cần thích nghi với thực tế mới ».

Theo nhiều nhà quan sát, không có đại diện tại cuộc gặp hôm qua tại Matxcơva, vốn được coi là một đối thoại nội bộ đầu tiên vì hòa bình tại Afghanistan, là một thất bại mới đối với chính quyền nước này. Kabul cũng không được tham gia vào các đàm phán trước đó giữa Hoa Kỳ với Taliban, mà cuộc họp mới nhất diễn ra tại Qatar hồi cuối tháng Giêng.

Hôm nay, 6/2, hãng tin Reuters dẫn lời đại diện Taliban cho biết cuộc đàm phán với Hoa Kỳ tháng trước đã thành công. Washington cam kết sẽ giảm lực lượng đồn trú tại Afghanistan xuống một nửa, từ nay đến tháng 4/2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.