Vào nội dung chính
PHÁP - QUỐC TẾ - WTO

Tổ Chức Thương Mại Thế Giới : "Cải tổ khẩn cấp hay là chết"

Hội nghị bộ trưởng Tài Chính khối G7 khai mạc hôm nay 17/07/2019 tại Pháp. Một trong các chủ đề lớn ám ảnh hội nghị bảy cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới là tình trạng khủng hoảng trầm trọng của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), rường cột của hệ thống thương mại tự do toàn cầu hiện nay.

Logo của hội nghị bộ trưởng Tài Chính khối G7 tại Chantilly, gần Paris, Pháp, ngày 17/07/2019.
Logo của hội nghị bộ trưởng Tài Chính khối G7 tại Chantilly, gần Paris, Pháp, ngày 17/07/2019. REUTERS/Pascal Rossignol
Quảng cáo

Ủy viên Thương Mại Châu Âu Cecilia Malmström hôm qua, tại Paris, trong hội nghị kỷ niệm 75 năm các thỏa thuận thương mại Bretton Woods, đặt nền móng cho hệ thống kinh tế thế giới sau Thế Chiến Hai, khẳng định là WTO đang « khủng hoảng sâu sắc » và kêu gọi cộng đồng quốc tế thừa nhận điều này.

Ủy viên Thương Mại châu Âu nhấn mạnh đến một vấn đề then chốt : chỉ còn ít tháng nữa, cụ thể là vào tháng 12/2019, cơ quan phân xử tranh chấp (ORD) của WTO sẽ rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, ít nhất là tạm thời, do việc Hoa Kỳ không ủng hộ việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào cơ quan tài phán này. Theo quan chức châu Âu nói trên, nếu xảy ra, đây sẽ là một điều tồi tệ, đặc biệt là « đối với các nước nhỏ và các nước đang phát triển ».

Về mặt nguyên tắc, một thẩm phán của cơ quan phân xử tranh chấp của WTO, thường được mệnh danh là « Tòa án tối cao của thương mại quốc tế », chỉ có thể được bổ nhiệm với sự đồng thuận của toàn bộ 164 quốc gia thành viên của định chế này. Để hoạt động phán xử được tiến hành đúng thủ tục, cần tối thiểu ba thẩm phán. Hiện tại, trong số bảy thẩm phán, chỉ còn đúng ba người đang làm việc.

Nguyên lãnh đạo số hai của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Anne Krueger cũng cảnh báo cộng đồng quốc tế là định chế này hiện đang trên đường tê liệt, và gần như trở nên vô dụng. Bà Anne Krueger, hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học John Hopkins, Washington, kêu gọi « cải cách khẩn cấp » định chế này, bởi một khi WTO tê liệt, các quốc gia có thể đơn phương đưa ra các biện pháp bảo hộ thương mại, mà không sợ các trừng phạt quốc tế.

Cho đến nay, bất chấp những lời kêu gọi khẩn thiết cũng như các chỉ trích của giới lãnh đạo kinh tế, thương mại quốc tế, chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump hoàn toàn không hưởng ứng. Tổng thống Trump chủ trương ưu tiên việc giải quyết các vấn đề của nước Mỹ thông qua các quan hệ song phương, chứ không phải bằng các cơ chế đa phương mà cộng đồng quốc tế dày công xây dựng từ hơn nửa thế kỷ qua. Đặc biệt là cuộc chiến cũng như việc tìm kiếm các thỏa hiệp về thương mại giữa Washington và Bắc Kinh hiện nay hoàn toàn diễn ra bên ngoài định chế WTO.

Trước nguy cơ hệ thống thương mại quốc tế tan vỡ, Ủy viên Thương Mại châu Âu Malmström khẳng định lập trường của châu Âu là không khoanh tay chờ đợi Mỹ và Trung Quốc. Liên Hiệp Châu Âu đang nỗ lực tạo lập cùng một số quốc gia khác như Canada, Nhật Bản, hay các nhóm các quốc gia Nam Mỹ trong khối Mercosur các thỏa thuận thương mại đa phương để tiếp tục thúc đẩy nền thương mại toàn cầu.

Cũng có mặt trong cuộc hội thảo nói trên, phó tổng giám đốc WTO, ông Alan Wolf, người Mỹ, lên tiếng trấn an là sau ngày 11/12, với việc không có đủ thẩm phán, « Tòa án tối cao của thương mại quốc tế », vẫn tiếp tục thụ lý các tranh chấp đã có, cho dù ông cũng ngầm thừa nhận là cơ quan này sẽ không còn đủ khả năng tiếp nhận các hồ sơ kiện mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.